Thay đổi nhận thức để coi COVID-19 là bệnh đặc hữu
COVID-19 đã diễn biến sang giai đoạn khác với phần đông dân số đã được tiêm vaccine, do đó, cần ban hành các quy định mới phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Cuộc sống bình thường mới của người dân Việt Nam trong bối cảnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
>>COVID-19, bệnh đặc hữu và xu hướng ứng xử mới
Ngồi cà phê với bạn mùa COVID-19 vẫn cốc ai người ấy uống như khi còn “trời yên biển lặng”, có ai uống chung nhau bao giờ đâu. Tôi ghé sang vồ cốc sinh tố bơ của cậu bạn, nâng lên miệng giả vờ uống, làm cậu ta giật bắn người, giằng vội lại cái cốc, hét ầm lên, lườm tôi cái lườm như thịt rang cháy cạnh.
- Ấy, ấy tránh xa ra. Chủng mới Omicron làm người ta tái nhiễm ngay đấy, thích thì gọi thêm, đồ tham ăn tục uống.
Cậu bạn ấy là người sạch sẽ, chú ý chăm chút sức khỏe, ăn uống, tập luyện theo chế độ “heo thì”. Đàn ông gì mà dưỡng da hàng tối, ngâm chân thuốc Dao đỏ, tuyệt đối không dùng chất kích thích bia, rượu, cà phê, thuốc lá, suốt ngày chê trách cách sống bừa phứa của mấy anh em tôi.
Đợt dịch COVID-19, cậu ấy là người tuyên truyền cho mọi người về 5K đầu tiên, luôn đeo hai khẩu trang, hạn chế tiếp xúc tối đa, phòng chống cẩn thận không ai bằng. Còn luôn miệng nói sợ lắm và làm căng việc “hốt, quây, vây, nhốt… F0, F1”. Mặc dù chỉ là F2 nhưng cậu ấy cũng cẩn thận xin đi cách ly tập trung để được theo dõi sức khoẻ. Trong mấy đợt dịch COVID-19, tính tổng cộng cậu ấy có ba lần cách ly nên chúng tôi hay trêu là “đại sứ cách ly”.
Kết quả cậu ta lại là người đầu tiên trong nhóm chúng tôi bị nhiễm COVID-19. Đúng là “ghét của nào trời trao của ấy”. Các biện pháp phòng chống dịch cực đoan phản khoa học không đem lại hiệu quả như mong muốn, cách ly tập trung thì được chăm sóc sức khoẻ, nhưng hạn chế của nó là có thể lây nhiễm chéo, và thực té đã chứng minh điều đó. COVID-19 lây qua đường hô hấp, chẳng ai có thể nhịn thở để sống được cả, nên chúng ta vẫn phải thở để sống... Điểm có lợi nhất là cậu ấy nghiên cứu, tìm hiểu nhiều như “giáo sư biết tuốt” về COVID-19, do đó, có thể tư vấn cho mọi người về thuốc men, cách thức điều trị COVID-19.
Tôi lại ngó sang trêu chọc:
- Thế ông không kéo hé khẩu trang ra uống rồi lại đậy nắp lại như trước nữa à? Cập nhập phần mềm về COVID-19 có gì cải tiến không?
- Không, thôi rồi ông ạ. Loạn phần mềm mà cuối cùng không có hiệu quả. Phần mềm PC-Covid bị chế là “Phí Công - Covid”. Từ Bluezone, rồi Sổ sức khỏe, đến PC-Covid đều làm lưng chừng nửa đoạn. Điểm duy nhất có tác dụng là cái mã QR chứng nhận đã tiêm vaccine, còn lại bày ra cho có.
- Sao lại thay đổi quan điểm nhanh thế? Trước ông là người ủng hộ hăng hái nhất các biện pháp “thần tốc truy vết, nhanh chóng khoang vùng cách ly” cơ mà.
Các doanh nghiệp vẫn duy trì và phát triển sản xuất.
>>Bình thường hóa COVID-19
- Mỗi thời điểm nhận thức sẽ khác đi chứ. Cũng phải thông cảm với lãnh đạo, liên quan tới sức khỏe, tính mạng của nhân dân phải lắng nghe nhiều chiều, tổng hợp, phân tích, tham khảo kinh nghiệm các nước rồi mới kết luận, ra quyết định được. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Y tế ra quy tắc ứng xử “tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu” rồi. Có nhiều chuyên gia còn ý kiến bỏ từ “đặc hữu”, coi như bệnh thông thường, tránh khó hiểu, khó xử, bỏ đi tâm lý e ngại, thành kiến cố hữu với COVID-19.
- Ừ đúng. Vậy ông có cao kiến gì không?
- Cái tôi muốn nói xác định tiến tới coi COVID-19 là bệnh đặc hữu thông thường rồi thì các rào cản cần nhanh chóng xóa bỏ ngay từ bây giờ để trở lại bình thường. Ngày xưa quyết liệt lập chốt, giấy nọ tờ kia như thế nào thì bây giờ cũng cần Bộ Y tế quyết liệt chỉ đạo để thủ tục làm chứng nhận khỏi bệnh thuận lợi hơn, việc mua bán thuốc điều trị COVID-19 cũng dễ hơn chứ “đau đẻ còn chờ sáng trăng”, đau ốm có chọn được giờ đâu mà cấp phép phải đợi giờ. Dân đủ khổ rồi, nghỉ việc vì bệnh, còn phải chen lấn, chầu chực để xin giấy chứng nhận khỏi bệnh, vòng đi, lộn lại để xoay xở mua được thuốc Molnupiravir trong khi các phần mềm tốn kém bao nhiêu thời gian tiền bạc lại không có sự liên kết cho những việc như thế này.
- Hay quá! Cứng như ông mà giờ mềm thế này chứng tỏ quan điểm, thái độ, nhận thức với dịch bệnh của ông đã thay đổi toàn diện. Tôi còn nghe nói sắp tới F0 không triệu chứng cũng đi làm, F1 thì không kiểm soát nữa. Mà coi là bệnh thông thường rồi thì nặng đi viện, nhẹ tự điều trị, không triệu chứng thì là không vấn đề gì rồi còn phân biệt F nọ, F kia làm gì để tạo ra sự kỳ thị như phân biệt chủng tộc.
>>F0 và F1 có thể làm việc, dừng công bố ca mắc COVID-19 hàng ngày
Hay thật! Đến người nguyên tắc, bảo thủ như bạn tôi mà thay đổi đến mức này, thì hẳn là đa số người dân đang mong lắm sự “thần tốc” trong việc “cởi trói” các thủ tục giấy tờ như đã nói ở trên. Mong lắm Bộ Y tế liên thông được với Bộ khoa học và Công nghệ kết nối thực hiện các thủ tục online qua các phần mềm liên quan đến COVID-19 đang chạy, để không còn tình trạng “ngõ ai người ấy đi”.
Đến lúc này mới thấy sự giá trị của tầng lớp tri thức “thầy già, con hát trẻ” các bác sĩ, chuyên gia, đã hết sức nhiệt tâm đóng góp xây dựng ý kiến quan điểm, tham mưu cho lãnh đạo về cách ứng xử với dịch bệnh.
COVID-19 đã diễn biến sang giai đoạn khác với phần đông dân số đã được tiêm vaccine. Vậy nên các quy định không còn phù hợp cần phải bỏ đi để nhanh chóng ban hành các quy định mới phù hợp, thiết thực hơn, tạo điều kiện cho người dân vừa chữa bệnh, vừa làm việc, khôi phục kinh tế bù lại quãng thời gian bị trễ do dịch bệnh hoành hành.
Có thể bạn quan tâm
COVID-19, bệnh đặc hữu và xu hướng ứng xử mới
05:00, 05/03/2022
LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Bình thường hóa COVID-19
12:00, 06/03/2022
Mẹo giảm ho nhanh khi nhiễm COVID-19
01:23, 06/03/2022
F0 và F1 có thể làm việc, dừng công bố ca mắc COVID-19 hàng ngày
00:38, 06/03/2022
Phân biệt dị ứng, cảm lạnh và COVID-19
01:02, 05/03/2022
Mua thuốc điều trị COVID-19: Đừng để việc “dễ” thành “khó”!
04:00, 04/03/2022
Thứ trưởng Bộ Y tế: "Còn quá sớm để coi COVID-19 là cúm mùa"
02:00, 04/03/2022
Phục hồi kinh tế xanh hậu COVID-19 là cấp bách
15:00, 03/03/2022
Khi nào trẻ từ 5-11 tuổi được tiêm vaccine COVID-19?
10:00, 03/03/2022