Bắt cơ hội, hóa giải rủi ro xuất khẩu vào Mỹ
Không phải chỉ có sản xuất thật nhiều và bán thật rẻ! Những thị trường hiện đại như Mỹ xem yếu tố "mềm" là cấu thành sản phẩm.
>>Quan hệ Việt - Mỹ và "chất xúc tác" COVID-19
Sau thời gian ngắn Việt Nam và Mỹ thiết lập lại quan hệ ngoại giao, lĩnh vực thương mại cho thấy khả năng tăng tốc ấn tượng. Thời điểm 1995, buôn bán hai chiều khoảng 300 triệu USD, đến năm 2019 vượt qua mức 60 tỷ USD, 2 năm gần đây tổng khối lượng thương mại nâng lên gần gấp đôi!
Các con số cho thấy quan hệ kinh tế Việt - Mỹ ngày càng rộng và sâu, điều đó cũng tương đương với mật độ các chuyến thăm cấp cao cũng như hội đàm, hợp tác cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng.
Bên cạnh bức tranh màu hồng, thương mại Việt - Mỹ còn tồn tại khúc mắc pháp lý chưa thể giải quyết triệt để. Hàng Việt Nam bị kiện nhiều nhất tại Mỹ, chiếm 20% trong tổ số 141 vụ kiện phòng vệ thương mại ở 18 quốc gia đối với sản phẩm Việt.
Đáng lo ngại là các mặt hàng chịu biện pháp phòng vệ thương mại của thị trường Mỹ ngày càng mở rộng từ dệt may, da giày, các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đến thủy sản, nông sản… Trong đó riêng tôm, cá tra Việt gần như năm nào cũng bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá rất nặng.
Một điều có vẻ nghịch lý, hàng Việt sở dĩ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Mỹ là vì giá rẻ! Nhờ tiết kiệm tối đa chi phí đầu vào. Tuy nhiên văn hóa tiêu dùng và quản lý thị trường ở Mỹ có cái nhìn khác.
Phía Mỹ đặt vấn đề: Cùng sản xuất một mặt hàng, công nghệ Việt Nam kém hơn, chi phí vận chuyển xa hơn làm sao có thể bán ngang giá, thậm chí rẻ hơn hàng sản xuất tại Mỹ?
Vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam chưa coi bảo vệ môi trường, tính văn minh của lao động, nguồn gốc, cách thức đánh bắt nuôi trồng, chế biến,…là cấu thành không thể thiếu của “tính chất hàng hóa” hiện đại.
Ví dụ, sản lượng đánh bắt thủy hải sản ở Việt Nam rất lớn là do không tuân thủ kích cỡ mắt lưới, mùa vụ sinh sản, không gian khai thác. Doanh nghiệp Mỹ sử dụng quy định này để kiện hàng Việt Nam.
Khi xảy ra chuyện, rất ít doanh nghiệp ở Việt Nam có thể theo kịp đối phương lên tới WTO. Nghĩa là khả năng am hiểu luật quốc tế, cách thức trình tự tiến hành vụ kiện, rất nhiều trường hợp tự đầu hàng khi thấy Bộ Thương mại Mỹ thông báo có đơn kiện.
Xuất khẩu sang Mỹ rất nhiều nhưng mua hàng Mỹ ít hơn, nghĩa là Việt Nam đạt được thặng dư thương mại, rất có ý nghĩa đối với chính sách tiền tệ, tài chính, dự trữ ngoại hối, có đồng tiền mạnh để mua sắm, giao dịch quốc tế.
Ngược lại, dù Trung Quốc là thị trường khổng lồ, lại gần Việt Nam nhưng chúng ta liên tiếp thâm hụt thương mại với Trung Quốc - ngày càng tăng - gần tương đương với số tiền kiếm được từ thị trường Mỹ.
Khi so sánh tính chất thương mại Việt - Mỹ và Việt - Trung, thì Việt Nam như đầu mối thu gom USD về cho Trung Quốc. Như thế là Mỹ xếp Việt Nam vào danh sách có dấu hiệu “thao túng tiền tệ”.
Dưới thời D. Trump, thương mại là vũ khí, thâm hụt thương mại và thao túng tiền tệ là hai lý do đầu tiên để tấn công Trung Quốc. Thật không may nếu dính phải đòn trừng phạt.
Việt Nam cần tăng cường mua hàng Mỹ để làm hài lòng thị trường tiềm năng, đưa thặng dư thương mại về mức có thể không làm chính phủ Mỹ hồ nghi. Đồng thời, giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Cả hai việc này đều khó như nhau, bởi vì mua hàng Mỹ tốn nhiều chi phí hơn hàng Trung Quốc, ngoài ra còn chịu tác động của yếu tố chính trị, văn hóa, xã hội, thói quen.
Đối với các sản phẩm máy móc, Việt Nam chủ yếu nhập máy gia công ở Trung Quốc hoặc sản phẩm thuộc vòng đời thứ 3 hoặc thứ 4. Trong khi đó, các sản phẩm máy móc vòng đời 1 hoặc 2 Việt Nam rất ít nhập khẩu từ EU, Mỹ hoặc Nhật do giá cả đắt đỏ và khó tiếp cận được do sở hữu trí tuệ cao.
Vì vậy, cần thiết kế lại chính sách thương mại, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn với Mỹ; cẩn trọng hơn trong buôn bán với Trung Quốc. “Thoát Trung” cũng có thể được hiểu theo nghĩa này.
Có thể bạn quan tâm