Trận chiến Gạc Ma: Lịch sử phải trả về cho lịch sử!
Suốt 34 năm trôi qua, sóng biển vẫn ầm ào xô bờ nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng, về hình ảnh các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma.
>>Từ Gạc Ma nghĩ về lợi ích dân tộc
Trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988, đã đi vào lịch sử dân tộc, nhưng suốt 34 năm qua, người dân Việt Nam chưa ngày nào quên trận chiến lịch sử này. 64 chiến sĩ hi sinh ở khu vực Gạc Ma trong khi đang cố gắng xây dựng bãi đá và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Bài học của lịch sử
Những gương hy sinh cao cả của thuyền trưởng Vũ Phi Từ, Lữ phó Trần Đức Thông, Thiếu úy Trần Văn Phương trước khi ngã xuống còn hô vang “Thà hy sinh không chịu mất đảo, hãy để máu mình tô thắm truyền thống Hải quân Việt Nam”… và của 61 liệt sĩ Hải quân Việt Nam anh hùng trong trận Gạc Ma, cũng như hành động dũng cảm chiến đấu, mưu trí chống lại quân Trung Quốc xâm lược của các chiến sĩ bảo vệ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuở ấy đã để lại mãi mãi trong lòng các thế hệ người Việt lòng nhớ thương, kính phục và biết ơn.
Trận chiến đấu cách đây 34 năm về trước chúng ta tổn thất nặng nề, nhưng đó là sự hi sinh anh dũng. Chính sự kiên cường bảo vệ đảo này, mà các đảo Cô Lin, Len Đao được giữ vững. Tất cả các chiến sĩ đã ngã xuống đều là những anh hùng với tinh thần chiến đấu ngoan cường nhất. Bởi các anh đã giữ Trường Sa bằng máu và trái tim người lính.
Ngoài ra, bài học lớn nhất cho Hải quân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay là luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cao độ với mưu đồ thôn tính chủ quyền Biển Đông của các thế lực. Xác định bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng của toàn dân, mà chủ lực là của bộ đội Hải quân.
"Giữ Trường Sa bằng trái tim người lính"
>>Gạc Ma, hy sinh để bất tử
Từ sự kiện Gạc Ma có thể nói, những vấn đề xảy ra ở Biển Đông thời gian vừa qua vẫn có khả năng kéo dài, ngày càng phức tạp hơn. Đó là những khó khăn mà chúng ta phải đương đầu.
Điều này cũng có nghĩa, giữ cho được chủ quyền Biển Đảo và khai thác được lợi thế của một quốc gia biển đảo là chiến lược sinh tử của Việt Nam. Phải tăng cường sức mạnh quân sự để bảo vệ chủ quyền Biển Đảo. Đúng. Phải khai thác lợi thế biển để xây dựng một nền kinh tế biển khá hoàn chỉnh và tầm cỡ. Đúng. Phải phát triển khoa học biển, văn hóa biển. Đúng. Nhưng còn phải coi trọng thế trận lòng dân. Không biết giáo dục tinh thần và ý chí vì chủ quyền biển đảo sẽ là sai lầm nghiêm trọng.
Ngoài ra, phải làm cho thế hệ trẻ biết trân trọng những giá trị lịch sử, kể cả bài học sai lầm và thất bại đó sẽ là sự khôn ngoan có văn hóa và đạo đức. Cũng là sự thể hiện một phép thử về máu anh có bao nhiêu nước lã và bao nhiêu là tình dân, nghĩa nước.
Bởi vì, mỗi quốc gia đều có lịch sử và Việt Nam cũng như vậy. Lịch sử Việt Nam là một lịch sử chiến tranh chống ngoại xâm với 1.000 năm Bắc thuộc rồi chống 2 đế quốc. Chúng ta luôn tự hào, Việt Nam là một đất nước nhỏ nhưng thắng 2 đế quốc to. Và chúng ta cũng luôn tự hào là một nước nhỏ nhưng thắng được chủ nghĩa bành trướng.
Đã 34 năm trôi qua, nhắc lại "Sự kiện Gạc Ma" không phải Việt Nam muốn khơi dậy mối hằn thù dân tộc làm ảnh hưởng đến đường lối đối ngoại chiến lược của nước ta với các quốc gia láng giềng, mà là để chúng ta luôn phải biết tưởng nhớ và tri ân người đi trước đã ngã xuống vì Tổ quốc, để họ sống có trách nhiệm và yêu Tổ quốc mình hơn...
Và lịch sử phải trả về cho lịch sử!
Ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải cùng bộ đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao thì nhiều tàu chiến Trung Quốc ngang ngược lao đến dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 (đảo Gạc Ma), HQ-605 (đảo Len Đao) và HQ-505 (đảo Cô Lin). Quân Trung Quốc sau đó đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Việt Nam, nổ súng vào bộ đội. 64 chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh. Dù bị trúng đạn nhưng thiếu úy Trần Văn Phương vẫn hiên ngang giữ cờ Tổ quốc và hô vang: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo..". |
Có thể bạn quan tâm
Từ Gạc Ma nghĩ về lợi ích dân tộc
06:05, 17/03/2020
Cựu chiến binh Gạc Ma khởi nghiệp thành công ở tuổi 50
04:18, 15/03/2018
Gạc Ma, hy sinh để bất tử
19:48, 14/03/2018