Khơi thông nguồn lực mới cho DNNN

THY HẰNG 27/03/2022 02:26

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh “núi cao là bởi đất bồi”. Do đó, các thành phần kinh tế, trong đó quan trọng là DNNN, sẽ tạo động lực mạnh mẽ, khơi thông nguồn lực để phát triển.

>>> Nâng cao vai trò DNNN trong xây dựng nền kinh tế tự chủ

Chủ trì Hội nghị với các DNNN, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, lãnh đạo Đảng Nhà nước qua các thời kỳ đều rất trăn trở, lo toan về DNNN. Đồng thời, đường lối trong cương lĩnh, hiến pháp và các Đại hội XII, XIII rất kiên định lập trường phát triển DNNN thành lực lượng quan trọng của kinh tế nhà nước.

 Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội Nghị Thủ tướng với doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội Nghị Thủ tướng với doanh nghiệp nhà nước.

“Cởi trói” cơ chế

Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ, dù là lực lượng quan trọng của kinh tế nhà nước, nhưng khu vực DNNN vẫn chưa thể hiện tốt vị thế, chưa phát huy được lợi thế so với nguồn lực nắm giữ là 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường.

Đáng lo ngại, 19 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc UBQLVNN và Viettel, nơi nắm giữ đến gần 90% nguồn lực của khu vực DNNN, chỉ triển khai 3 dự án đầu tư nhóm A, dẫn tới việc đóng góp của DNNN đối với nền kinh tế 5 năm tới sẽ rất hạn chế.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV PVN cho biết, trong 5 năm qua, PVN chỉ ký được 3 hợp đồng mới. “Luật quản lý vốn nhà nước chưa phù hợp, chúng ta mới thiết kế theo hướng bảo tồn vốn nhà nước, do đó đầu tư vốn cho hoạt động tìm kiếm thăm dò còn hạn chế”, ông Vượng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, nhiều lãnh đạo DNNN thẳng thắn cần có cơ chế cởi trói, mở cửa cho DNNN mạo hiểm, bởi nói như ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch HĐTV VNPT: “Doanh nghiệp công nghệ thông tin rất cần sáng tạo, nhưng cần mạo hiểm bởi nếu DNNN cứ đúng mà làm, sẽ không dám làm gì”.

Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế theo hướng tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm những vấn đề được uỷ quyền thì doanh nghiệp sẽ làm tốt hơn. Chẳng hạn như ban hành Luật Dầu khí sửa đổi, trong đó có cơ chế thăm dò, khai thác dầu khí như đề xuất của đại diện PVN, hay có cơ chế cho quỹ đầu tư mạo hiểm như đề xuất của doanh nghiệp ngành viễn thông.

>>>PVN đề xuất sớm ban hành Luật Dầu khí sửa đổi

>>>Vietnam Airlines đề xuất Chính phủ "kiểm soát vĩ mô ngành hàng không"

Thay đổi nhận thức về cổ phần hoá, thoái vốn

Theo các doanh nghiệp, để xốc lại DNNN, tinh thần cổ phẩn hoá (CPH), thoái vốn, tái cơ cấu những “quả đấm thép” này cũng cần được thay đổi. Theo đó, cần đề nghị đặt rõ mục tiêu tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của khối DNNN, lấy hiệu quả kinh tế, số lượng dự án mới được triển khai, làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Đề xuất giải pháp cho điểm nghẽn lớn nhất của CPH DNNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thẳng thắn, vướng mắc lớn nhất trong CPH DNNN chính là đất đai. Các địa phương cũng “ngại” phê duyệt phương án sử dụng đất, do đó mà chậm trễ. “Cần sửa đổi quy định hiện hành theo hướng không tính giá đất vào giá trị doanh nghiệp. Đất có nguồn gốc CPH sẽ trả về cho nhà nước, sau đó sử dụng cơ chế thuê đất khi CPH như Nghị quyết 60/2018/QH14”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề xuất, đồng thời khẳng định nếu thực hiện được, chúng ta sẽ CPH rất nhanh và giảm rủi ro.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mục tiêu của CPH, thoái vốn không phải là rút vốn nhà nước ra khỏi DNNN, thu hẹp phạm vi, quy mô của khu vực DNNN, mà tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp nói chung và của từng DNNN nói riêng.

“Không áp đặt mệnh lệnh hành chính đối với CPH, thoái vốn tại DNNN. Thay vào đó, cần thực hiện theo nguyên tắc và tín hiệu thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả để cơ cấu lại và huy động thêm vốn phục vụ phát triển DNNN có liên quan”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines):

Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát hiệu quả “vĩ mô hàng không”, trong đó đảm bảo các hãng hàng không ở Việt Nam đều phát triển bền vững, cạnh tranh bình đẳng nhưng có định hướng của nhà nước. Theo kinh nghiệm quốc tế, Hàn Quốc đã thống nhất cho sáp nhập hãng hàng không với nhau. Hay Chính phủ Indonesia cũng đã định hướng sáp nhập hãng hàng không với doanh nghiệp cảng với nhau. Chính phủ Mỹ cũng bắt đầu kiểm soát số lượng hãng hàng không để đảm bảo sự phát triển vĩ mô này. Thị trường Trung Quốc cũng kiểm soát hàng không rất chặt.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN):

Doanh nghiệp đề xuất có Ban chỉ đạo quốc gia do một Phó Thủ tướng đứng đầu giải quyết vấn đề tại các dự án trọng điểm chậm tiến độ, dự án có liên kết nhiều nhà đầu tư dầu khí, điện lực như dự án mỏ khí Cá Voi Xanh, dự án khí lô B… nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các dự án.

Có thể bạn quan tâm

  • Kiến nghị giao DNNN giữ vai trò chủ chốt trong phát triển hạ tầng năng lượng

    00:00, 25/03/2022

  • Khơi thông nguồn lực mới cho DNNN

    20:26, 24/03/2022

  • Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nâng cao vai trò DNNN trong xây dựng nền kinh tế tự chủ

    17:09, 24/03/2022

  • 2025 - Đích đến cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN

    12:21, 18/03/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động DNNN

    18:23, 03/03/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Cơ cấu lại DNNN có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ

    20:05, 28/02/2022

THY HẰNG