Nạn đói - thứ đáng sợ hơn cả chiến sự Nga - Ukraine!
Dadaab trên biên giới Kenya và Somalia là nơi tập hợp gần nửa triệu người đói, suy dinh dưỡng, kiệt sức vì thiếu ăn.
>>Chiến sự Nga - Ukraine, thế giới nơm nớp lo cái ăn
Chiến sự Nga - Ukraine khiến giá lương thực tăng chóng mặt ở quy mô toàn cầu do Nga và Ukraine chiếm gần 30% lượng xuất khẩu lúa mì trên thế giới, 17% lượng xuất khẩu ngô, 32% lúa mạch-nguồn thức ăn chăn nuôi quan trọng và 75% dầu hướng dương của thế giới.
Nguy hiểm nhất là khu vực châu Phi, tại Ethiopia, Kenya và Somalia khoảng 25,3 triệu người sẽ đối diện với tình trạng thiếu lương thực vào giữa năm 2022. Đây sẽ là cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng nhất thế giới hiện đại.
Kể cả khi nguồn lương thực không bị mắc kẹt tại Đông Âu thì 346 triệu người ở “lục địa đen” cũng đối diện mất an ninh lương thực trầm trọng và 452 triệu người mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Châu Phi chiếm 30% số lượng người “đói bền vững” trên thế giới, gần một nửa dân số sống trong tình trạng nghèo khổ, thu nhập dưới mức 1,25USD/ngày. Trước cơn bão giá lương thực, nạn đói đã lan rộng.
Nhiều quốc gia ở thế giới thứ 3 thậm chí đã lập ra trại tị nạn cứu đói ở khu vực biên giới. Dadaab trên biên giới Kenya và Somalia là nơi tập hợp gần nửa triệu người đói, suy dinh dưỡng, kiệt sức vì thiếu ăn.
Trung Quốc tuy có diện tích rộng lớn, đa dạng khí hậu nhưng bị đánh giá rất mong manh trước vấn nạn thiếu hụt lương thực toàn cầu do quy mô dân số trên 1,4 tỷ người, sản lượng tiêu thụ lương thực ở mức khổng lồ. Năm ngoái nước này nhập khẩu 11 triệu tấn ngô và 100 triệu tấn đậu nành.
Nguồn cung lương thực là một chuyện, giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng dựng đứng còn đặt ra thách thức cho sản xuất nông nghiệp. Giá phân bón bình quân toàn cầu hiện cao hơn 40% so với một tháng trước. Đây là mức cao nhất mọi thời đại
Điều này cho thấy ngành nông nghiệp toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào ngành công nghiệp hóa chất - phân bón của Nga. Sản xuất không có lãi, hoặc phải bán với mức giá cao chưa từng thấy, tất cả đều trực tiếp gây ra khủng hoảng lương thực.
Tận cùng hệ quả khi chuỗi giá trị nông nghiệp đảo lộn chưa phải là nạn đói. Đầu tiên giá cả leo thang gây ra lạm phát trên diện rộng, đánh gục hàng loạt nền kinh tế không có sức chống chịu đủ tốt.
Theo sau là bất ổn xã hội, xung đột dân sự, chiến tranh vũ trang để giải quyết… cái ăn, điều này không chỉ xảy ra trong nội bộ mỗi một quốc gia mà có thể lan ra mức độ khu vực, châu lục.
Bản chất các cuộc chiến tranh, xung đột từ thời tiền sử là tranh giành địa bàn kiếm ăn giữa các tộc người, bộ lạc. Cốt lõi sâu xa của chiến tranh ngày nay cũng vậy - cũng nhằm mục đích giải quyết nhu cầu tối thiểu.
Châu Phi đã kinh qua 186 cuộc đảo chính và 26 cuộc chiến tranh lớn trong vòng 50 năm qua vì khủng hoảng lương thực; gần 5 triệu người mất nhà cửa, tị nạn, rời bỏ quê hương, góp phần lớn gây ra khủng hoảng nhân đạo người nhập cư ở Mỹ và châu Âu. Nạn đói có thể thổi bay các chính thể, “tẩy sạch” thể diện và uy tín quốc gia, dân tộc.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định rằng: “Chúng ta đang bước vào một cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có”. Svein Tore Holsether, CEO của Yara International bình luận: “Không phải là liệu có sắp xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực hay không, mà quan trọng là cuộc khủng hoảng đó sẽ lớn như thế nào?”.
Có thể bạn quan tâm