Từ dự án 61 Trần Phú nghĩ về quyền lực của cơ quan quản lý văn hoá

QUANG NHẬT 07/04/2022 05:03

Cơ quan quản lý văn hóa phải có quyền lực hơn nữa trong việc bảo vệ các kiến trúc văn hóa.

>>Hà Nội: Lo ngại “8B Lê Trực thứ hai” tại khu đất 61 Trần Phú

Có thực trạng là cơ quan quản lý văn hóa chưa có quyền lực đủ mạnh trong cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính, chính quyền của Việt Nam. Nhân sự làm về văn hóa hay bị xếp xuống “chiếu dưới” trong sơ đồ quyền lực, là nhân sự được xếp sau hoặc là nơi “tạm trú” để tạo đà.

Do vậy các ý kiến tham mưu, thậm chí là quyết định của cơ quan quản lý văn hóa chưa đủ quyền lực để ngăn chặn các hoạt động xâm phạm đến không gian văn hóa, thực thi việc bảo tồn các di tích, cơ sở văn hóa… Nhất là khi cơ sở ấy nằm trong những khu “đất vàng” có khả năng sinh lợi rất cao, được chủ đầu tư có sức mạnh tài chính, sức mạnh “quan hệ” gây sức ép phá bỏ, xây dựng lên các công trình khác phục vụ mục đích kinh tế.

Việc dỡ bỏ công trình tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình) đã làm nóng dư luận. Ảnh: Diệu Hoa

Khi báo chí lên tiếng, dư luận vào cuộc, những thứ đương nhiên được văn hóa bảo vệ như công trình xây dựng tại số 61 Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội mới được bảo vệ.

Có những thứ mà tiền bạc không mua được đó là thời gian và di tích lịch sử. Thủ đô Hà Nội mà đánh mất lịch sử thì Hà Nội không còn là Hà Nội nữa, sẽ như cái xác mà không có hồn cốt, không còn là thủ đô ngàn năm “linh thiêng hào hoa” nữa. Hà Nội không thể như anh nhà giàu mới nổi “giàu mà không sang”, là anh trọc phú với cái nhà to vật vã, cái xe đẹp đẽ, đắt tiền… Nếu là các kiến trúc dùng tiền để tạo nên giá trị thì Hà Nội sẽ thành nơi “được giá là bán”, như anh nhà giàu cố buộc cái nơ vào cổ mình mà không biết đang thắt xuôi hay ngược.

Không Hà Nội không như thế, thủ đô là chốn “ngàn năm văn hiến”, là nơi có những kiến trúc mang hơi thở của hồn đất nước, nhất định không thể để tình trạng:

“Cầm lòng bán cái vàng đi

Để mua những thứ nhiều khi không vàng”.

>>“Di dời”, rồi sao nữa?

Rất may, Hà Nội còn đó các vị lãnh đạo có tâm, có tầm:

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố, các sở, ngành của thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình); đồng thời, tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án nêu trên. Kết quả thực hiện yêu cầu này phải được báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 8/4/2022.

Công trình hiện đã tạm dừng phá dỡ. Ảnh: Diệu Hoa

Rồi đúng, sai, trắng, đen sẽ được bạch hóa. Dư luận sẽ thấy thỏa đáng khi lãnh đạo cấp cao nhất của thủ đô đứng ra xử  lý. Kết quả thế nào thì chưa biết, nhưng chắc chắn bức phù điêu đắp nổi xây dựng trên bức tường của dãy nhà phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực của công trình 61 Trần Phú - minh chứng lịch sử tại địa điểm này, bộ đội dân quân tự vệ Thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào ngày 19/5/1967 sẽ có phương án được bảo vệ. 

Bức phù điêu là chứng nhân lịch sử cho “Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình”. Chiếc máy bay của quân xâm lược bị bắn rơi trùng khớp đúng vào ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Do vậy những người yêu Hà Nội, yêu lịch sử thủ đô, yêu không gian văn hóa Hà Nội có thể yên tâm phần nào khi biết: Dù có quy hoạch và xây dựng như thế nào thì những biểu tượng và di tích văn hóa vẫn được quan tâm và bảo tồn nguyên vẹn.

Được biết, theo Điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2411/QĐ-TTg ngày 10/12/2013, khu đất Nhà máy Thiết bị bưu điện (lô G1) thuộc khu vực phục vụ chung cho Khu trung tâm chính trị Ba Đình và có định hướng: Di chuyển nhà máy ra khỏi khu trung tâm, xây dựng thành khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp; khai thác tối đa không gian ngầm phục vụ thương mại, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật và chỗ đỗ xe; các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: tầng cao tối đa 11 tầng, mật độ xây dựng 50%.

Quy mô công trình cần thực hiện đúng quy hoạch được duyệt, tương đồng với công trình Nhà làm việc Quốc hội đã xây dựng tại khu đất đối diện (cao 11 tầng/44,6 m) để không làm ảnh hưởng tới không gian kiến trúc cảnh quan của Khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Tìm hiểu về công trình xây dựng số 61 Trần Phú (quận Ba Đình) thì được biết đây là công trình không nằm trong “Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá” được ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND của HĐND TP. Mặc dù vậy, nhưng người viết tin rằng các cấp lãnh đạo sẽ có phương án xử lý hợp lý, hợp tình hài hòa giữa lợi ích của việc phát huy giá trị thế mạnh của khu đất đi kèm với việc gìn giữ các biểu tượng, chứng tích lịch sử.

Điều những người yêu lịch sử, văn hóa mong muốn ở đây là trước khi phê duyệt, cấp phép cho các vị trí có rất nhiều kiến trúc, yếu tố văn hóa, lịch sử, xin hãy tìm hiểu thật kỹ, lấy thêm ý kiến của các chuyên gia. Cơ quan quản lý văn hóa phải có quyền lực hơn nữa trong việc bảo vệ các kiến trúc văn hóa. Còn các nhà đầu tư cần tính đến, coi trọng các yếu tố văn hóa thay vì đặt lợi nhuận lên trên tất cả.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội: Lo ngại “8B Lê Trực thứ hai” tại khu đất 61 Trần Phú

    20:00, 06/04/2022

QUANG NHẬT