Vai trò Nhà nước nhìn từ thung lũng Silicon
Dù Mỹ được xem là hình mẫu của kinh tế tư nhân, nhưng Nhà nước cũng có vai trò quan trọng trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
>>Sau Thung lũng Silicon, đâu sẽ là trung tâm công nghệ mới của thế giới?
Năm 1984, tờ báo Washington Post kể lại câu chuyện: Trong một bữa tiệc chiêu đãi Tổng thống Pháp Mitterrand đang đi thăm thung lũng Silicon, giám đốc của một quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ ra sức ca ngợi lòng quả cảm của các nhà đầu tư mạo hiểm dẫn đến thành công của Thung lũng sáng tạo này. Lập tức ông bị GS. Paul Berg, người đoạt giải Nobel Sinh học, cướp lời: “Các ông ở đâu những năm trước đó, khi tất cả nguồn tài trợ phải đầu tư vào khoa học cơ bản?”
Chuyện nước Mỹ
Vị giáo sư đã phản ứng gay gắt với quan điểm rất thiên vị phổ biến hồi ấy: Chỉ các doanh nhân và nhà đầu tư mạo hiểm mới tạo động lực đổi mới sáng tạo ở Thung lũng Silicon.
Mặc dù nước Mỹ được cả thế giới xem là hình mẫu của việc làm giàu nhờ những doanh nghiệp tư nhân, nhưng trong thực tế nhà nước đã lãnh vai trò đảm đương và dấn thân vào rủi ro kinh doanh ở mức siêu lớn mà các doanh nghiệp không dám đương đầu để phát triển sự đổi mới sáng tạo. Chính phủ Mỹ đã chi rất nhiều tiền cho cuộc cách mạng thông tin. Vụ điển hình là iPhone - vốn được truyền thông tung hô như một sáng chế của những doanh nhân thiên tài nhờ chính phủ không can thiệp sâu vào thị trường.
Tuy nhiên, họ không biết rằng các cấu phần làm nên chiếc điện thoại thông minh, thay một “cục gạch”, lại được chính phủ tài trợ. iPhone phải dựa vào intenet. Phiên bản đời đầu của intenet là ARPANET - Một chương trình được Bộ Quốc Phòng Mỹ chi tiền. Và GPS - Hệ thống định vị toàn cầu - thoạt tiên cũng là chương trình riêng của quân đội Hoa Kỳ. Finger Works, một công ty nhận tài trợ của CIA đã sáng chế ra công nghệ màn hình cảm ứng được sử dụng trong iPhone.
Ngoài ra, có thể kể ra vô số bằng chứng về việc Nhà nước đứng đằng sau sự phát triển rất nhiều công nghệ chủ đạo. Các doanh nghiệp tư nhân cũng ghi dấu ấn của mình nhờ đưa khoa học công nghệ lên tầm cao mới, bằng cách phát triển hơn nữa những công nghệ được nhà nước tài trợ.
Chính phủ không nên làm những gì người dân đã và đang làm, dù Chính phủ làm tốt hơn hay kém hơn. Chính phủ cần làm những gì hiện tại chưa có ai làm”.
Nhà kinh tế học John Maynard Keynes
>>Không thể ‘sao chép’ Thung lũng Silicon
Nhà nước kiến tạo phát triển
Từ lâu quan hệ giữa nhà nước và thị trường đã là vấn đề nóng bỏng trong lý thuyết kinh tế và thực tiễn. Học thuyết thị trường tự do (Đỉnh cao của nó được gói gém trong thuật ngữ Đồng thuận Washington 1989 sau sự ra đời của thể chế WTO, và đã làm mưa làm gió đến khi khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008 mới tạnh) kêu gọi nhà nước can thiệp tối thiểu, để cho thị trường tự biết điều chỉnh, vận hành một cách hiệu quả.
Các môn đồ của học thuyết này chấp nhận nhà nước có thể “thò tay” vào nền kinh tế, nhưng chỉ để sửa chữa “những thất bại của thị trường” hay để tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp, chứ không phải để hình thành hoặc là định hình thị trường.
Thực tế không phải như vậy. Trung Quốc với chiến lược Made China 2025 đã đầu tư hàng tỷ USD vào những công nghệ xanh mới, với kỳ vọng các ngành này sẽ trở thành những đầu tầu tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Những người theo thuyết thị trường tự do đã bị thị trường bịt mắt để không nhận thấy bản chất của con người là tư hữu. Thị trường vốn thờ “ông thần tài” sẽ phớt lờ những thách thức mà nhân loại đang đối phó về xã hội và môi trường. Ví dụ các công ty năng lượng sẽ cố gắng khai thác những mỏ dầu sâu nhất, khó nhất chứ không đầu tư vào năng lượng sạch.
Trong quan niệm của họ thì nhà nước lười biếng, cồng kềnh, quan liêu, đối lập với một khu vực tư nhân năng động sáng tạo. Cái định kiến này làm giảm cơ hội xây dựng quan hệ hợp tác công - tư linh hoạt và đầy tiềm năng.
Trong nhiệm kỳ trước, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khởi xướng thực hiện “Chính phủ kiến tạo”. Điều cần có là một chiến lược triển khai cụ thể. Theo đó, Nhà nước không chỉ quản lý các thị trường cũ, mà còn phải tạo ra và định hình các thị trường mới, như Nhà kinh tế học nổi tiếng Keynes từng nói: “Chính phủ không nên làm những gì người dân đã và đang làm, dù Chính phủ làm tốt hơn hay kém hơn. Chính phủ cần làm những gì hiện tại chưa có ai làm”.
Có thể bạn quan tâm
Sau Thung lũng Silicon, đâu sẽ là trung tâm công nghệ mới của thế giới?
05:23, 25/03/2022
Không thể ‘sao chép’ Thung lũng Silicon
03:27, 24/03/2022
Singapore phát triển vượt trội để trở thành Thung lũng Silicon Châu Á
05:13, 29/08/2021
"Thung lũng Silicon" của Trung Quốc ảm đạm trong dịch COVID-19
05:23, 07/08/2021
Góc khuất ở Thung lũng Silicon
05:15, 16/05/2021