Quy hoạch điện VIII: Giải bài toán nỗi lo thiếu điện?

SÔNG HÀN 20/04/2022 11:07

Mục tiêu của ngành điện hiện nay hay bất cứ giai đoạn phát triển nào cũng đều phải là: đảm bảo an ninh trong cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước một cách kinh tế nhất.

>>Quy hoạch điện từ góc nhìn doanh nghiệp: Cơ chế rõ ràng và bình đẳng

Dự thảo Quy hoạch điện VIII vừa được Bộ Công thương trình Chính phủ. Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, sớm thông qua, đảm bảo cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu đưa phát thải ròng của Việt Nam bằng 0 vào năm 2050. 

Đây là vấn đề quan trọng, nên xin nhắc lại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu “Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP” vào năm 2025 và “trở thành nước phát triển, thu nhập cao” vào năm 2045.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất, quy mô đầu tư sẽ giảm gần 2 triệu tỉ đồng. Trong đó giảm đầu tư công suất nguồn khoảng 35.000MW, giảm đầu tư hệ thống truyền tải gần 300.000 tỉ đồng.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất, quy mô đầu tư sẽ giảm gần 2 triệu tỉ đồng. Trong đó giảm đầu tư công suất nguồn khoảng 35.000MW, giảm đầu tư hệ thống truyền tải gần 300.000 tỉ đồng.

Để hiện thực hoá mục tiêu này, sự tham gia của ngành điện sẽ là không hề nhỏ.Giải bài toán đa mục tiêu “điện đi trước một bước, làm nguồn động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và nâng cao tiềm lực an ninh quốc phòng” với “chất lượng ổn định, an toàn, giá cả cạnh tranh, hài hoà trong phát triển môi trường” hay “phủ sóng điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo” cũng là thách thức với Quy hoạch điện VIII.

Theo đó, Quy hoạch điện VIII được xây dựng trên cơ sở quán triệt Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII mà Bộ Công thương trình Chính phủ vào đầu tháng 4-2022, tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 chỉ còn khoảng 146.000MW (giảm khoảng 35.000MW so với dự thảo trước). Công suất cực đại dự kiến vào năm 2030 vào khoảng 93.000 MW. Giảm quy mô đầu tư theo quy hoạch gần 2 triệu tỷ đồng, giảm đầu tư hệ thống truyền tải gần 300.000 tỷ đồng.

>>Quy hoạch điện từ góc nhìn doanh nghiệp: Gỡ vòng “luẩn quẩn” cho điện sạch

>>Lập Quy hoạch điện VIII là nhiệm vụ cấp bách

>>Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Giảm nhiệt điện, tăng điện gió

Điểm mới của quy hoạch này là ủng hộ phát triển các nguồn điện mới, nhất là năng lượng tái tạo để giảm triệt để phát thải khí CO2. Theo đó, sẽ giảm tối đa điện than với tỷ trọng giảm dần còn 25,7% vào năm 2030 và còn 9,6% vào năm 2045; đồng thời phát triển mạnh các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời quy mô lớn, điện sinh khối...) với tỷ trọng tăng dần lên gần 24% vào năm 2030 và tăng lên hơn 50% vào năm 2045.

Xung quanh dự thảo mới này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: “Mặc dù Quy hoạch điện VIII có những điểm mới so với Quy hoạch điện VII nhưng điểm hạn chế là không xác định được cụ thể cần bao nhiêu dự án, những dự án gì, nằm ở đâu, thời gian cấp phép - khởi công - hoàn thành… Trong khi Quy hoạch điện VII đến nay vẫn triển khai chưa hết, chưa xong”. 

Điều này có nghĩa là quy hoạch mới phải tính toán thật chính xác cơ cấu, tỷ lệ cân đối giữa năng lượng tái tạo và năng lượng truyền thống. Để tránh tình trạng “nay lo thừa mai lo thiếu”, cũng cần xác định giá trị và công suất nguồn điện gió, điện mặt trời nên chiếm bao nhiêu, như năm nay nên phát bao nhiêu, năm sau phát bao nhiêu… Muốn làm được việc này, cần phải tính được chính xác cung - cầu điện. 

Bởi vì, ngành điện có đặc thù vốn đầu tư lớn, thời gian đầu tư dài, rủi ro lớn, cung phải bằng cầu ở mọi thời điểm, nên đòi hỏi quá trình đầu tư phải đồng bộ từ sản xuất, truyền tải và phân phối, quá trình phát triển ngành điện phải đồng thời phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong dài hạn.

Nếu không có sự phù hợp này thì tất cả các tình huống khác, thiếu điện hay thừa điện đều rất phi kinh tế. Khi thiếu điện, chúng ta phải trả chi phí do ngừng cung cấp điện, khi thừa điện chúng ta lãng phí nguồn lực của xã hội.

Đó là lý do mà quá trình phát triển của ngành điện cần phải được lập thành quy hoạch và là quy hoạch trong dài hạn. Tất cả các nước trên thế giới đều làm như vậy và chúng ta cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để xây dựng Quy hoạch điện VIII thực sự có chất lượng đồng thời phải có các công cụ kiểm soát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện. 

Có thể nói, điện là ngành đặc thù, quá trình phát triển hệ thống phải đồng bộ theo chiều dọc là sản xuất, truyền tải và phân phối và theo chiều ngang cơ cấu vùng, chứ không đơn thuần là các số liệu tổng hợp. Mọi sai lệch của quá trình đầu tư tức là thừa điện hay thiếu điện phần nguồn, lưới truyền tải hay phân phối đều gây ra những thiệt hại lớn cho xã hội.

Chúng ta cùng hy vọng, Quy hoạch điện VIII sẽ khắc phục được những tồn tại và giải được bài toán “nỗi lo thiếu điện”. Qua đó góp phần vào sự phát triển ổn định cho đất  nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Quy hoạch điện từ góc nhìn doanh nghiệp: Cơ chế rõ ràng và bình đẳng

    02:00, 22/04/2022

  • Quy hoạch điện từ góc nhìn doanh nghiệp: Gỡ vòng “luẩn quẩn” cho điện sạch

    15:00, 21/04/2022

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 20/04: Quy hoạch điện từ góc nhìn doanh nghiệp

    05:25, 20/04/2022

  • Lập Quy hoạch điện VIII là nhiệm vụ cấp bách

    04:00, 20/04/2022

  • Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Giảm nhiệt điện, tăng điện gió

    03:00, 28/02/2022

  • Sẽ trình Quy hoạch Điện VIII trong quý I/2022

    11:00, 13/01/2022

  • Ba vấn đề cần quan tâm trong dự thảo Quy hoạch điện VIII

    10:00, 02/01/2022

  • Khuyến nghị cho quy hoạch điện 8

    05:00, 21/11/2021

  • Quy hoạch điện 8: "Ưu ái" điện than là không phù hợp với xu thế

    15:09, 04/11/2021

SÔNG HÀN