HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 5 KHÓA XIII: Kỳ vọng giải quyết bất cập Luật Đất đai

THIÊN ÂN 04/05/2022 11:16

Cử tri, nhân dân cả nước kỳ vọng Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII lần này sẽ giải quyết được các vấn đề còn tồn tại, bất cập liên quan đến Luật Đất đai.

>>Đừng để Luật Đất đai cản trở kinh tế thị trường

 Người dân tham quan phối cảnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của 4 quận nội đô Hà Nội. Ảnh: Mạnh Khánh

Người dân tham quan phối cảnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của 4 quận nội đô Hà Nội. Ảnh: Mạnh Khánh

Sáng nay (4/5), Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII khai mạc tại Hà Nội với chương trình nghị sự gồm nhiều nội dung quan trọng.

Theo đó, Trung ương sẽ xem xét, thảo luận Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

Đáng chú ý, đất đai là vấn đề rất quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội, mọi người dân nên nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Việc tổng kết chính sách pháp luật về đất đai tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng;

Những năm qua, việc phân cấp về thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đất đai đã góp phần tạo động lực phát triển cho các địa phương. Tuy nhiên, chúng ta lại thiếu các công cụ hiệu quả để thống nhất quản lý đất đai trên cả nước, dẫn tới phân cấp mạnh cho địa phương nhưng qua kiểm soát, Trung ương lại chưa kịp thời phát hiện sai phạm.

Nhìn lại, tổng kết công tác thể chế hóa Nghị quyết 19 cho thấy đã có 137 luật, nghị định có nội dung liên quan đến đất đai được ban hành ở các thời điểm khác nhau để điều chỉnh nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Tức là, vấn đề là chất lượng thể chế hóa vẫn còn nhiều hạn chế. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có phần chưa thống nhất, xuất hiện những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và cả kẽ hở pháp lý.   

Chẳng hạn: Làm rõ là quy hoạch đất đai nằm ở vị trí nào của hàng loạt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng? Hoặc có sự chồng chéo giữa Luật Đất đai với Luật Quy hoạch không?...

>>Luật Đất đai tiếp tục lỡ hẹn: Những kiến nghị sửa đổi

>>Cần phải ban hành sớm Luật Đất đai (sửa đổi)

Công tác định giá đất chưa phù hợp sẽ dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước, là mầm mống gây ra tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai

Công tác định giá đất chưa phù hợp sẽ dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước, là mầm mống gây ra tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai

Một vấn đề tiếp tục nổi lên trong 10 năm qua là giá đất, được nhắc tới 21 lần trong Nghị quyết 19, trong đó nhấn mạnh “giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”.

Thế nhưng, từ Nghị quyết đến cuộc sống, thế nào là phù hợp với thị trường thì quá trình tổ chức thực hiện, mô tả nội hàm chính sách tài chính đất đai vẫn còn nhiều vướng mắc. Nhiều chuyên gia cho rằng, bản thân Nghị quyết 19 chưa có quan điểm rõ ràng về hai thị trường: Thị trường sơ cấp - Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân bằng việc giao, cho thuê đất biến tài nguyên đất thành hàng hóa; thị trường thứ cấp là nơi quyền sử dụng với tính chất là một loại tài sản, hàng hóa đặc biệt phải được vận hành theo nguyên tắc thị trường.

Liên quan đến vấn đề này, GS-TS Lê Hồng Hạnh nói: “Tôi chưa bao giờ phủ nhận sở hữu nhà nước, cao hơn là sở hữu toàn dân về đất đai. Nhưng đó là những đất đai về cương thổ quốc gia, những vùng đất mà không có cá nhân nào xác lập quyền sở hữu. Ta có thể gọi đó là sở hữu toàn dân, sở hữu quốc gia, sở hữu nhà nước. Nếu chúng ta cố gắng chi tiết hóa khái niệm “sở hữu toàn dân” vào pháp luật bằng các quy định cụ thể, các cơ chế cụ thể thì tốt biết mấy”.

Trong khi đó, PGS Nguyễn Quang Tuyến (ĐH Luật Hà Nội) lại cho rằng: Sở hữu toàn dân về đất đai là khái niệm chính trị, không phải khái niệm pháp lý. Bởi trong pháp lý thì chủ thể quan hệ pháp luật là pháp nhân, tổ chức hoặc thể nhân, cá nhân.

“Toàn dân với tư cách là cộng đồng không phải là chủ thể quan hệ pháp luật. Chính vì thế chúng ta mới “nắn” đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Nhà nước là chủ thể pháp luật là đúng” - ông Tuyến nói.

Tương tự, PGS-TS Phạm Hữu Nghị cũng đồng tình và cho rằng nên đổi mới chế độ sở hữu toàn dân về đất đai để làm nền tảng đổi mới chế độ quản lý đất đai. Ông bày tỏ nuối tiếc khi Hiến pháp 1980 tuyên bố “sở hữu toàn dân về đất đai” nhưng lại không có thời hạn, điều khoản chuyển tiếp để giải quyết những trường hợp đất đai của gia đình, cộng đồng, nhà chùa, thánh thất, Nhà nước… đã sở hữu lâu nay.

Vì vậy, theo PGS-TS Phạm Hữu Nghị, thay vì có điều khoản chuyển tiếp thì phải có thuật ngữ pháp lý mới thay thế là “quyền sử dụng đất”. Quyền sử dụng đất này theo thời gian đã được mở rộng, bao gồm nhiều quyền khác nhau như chuyển đổi, nhượng, cho thuê, góp vốn, tặng, cho, thừa kế… Dĩ nhiên, khi chỉ có “sở hữu toàn dân” thì hệ quả là nhiều khi người ta lại thực hiện các quyền đó với “cái không phải sở hữu của mình”.

Có thể nói, hàng chục năm nay 80% khiếu nại liên quan đến đất đai. Đây là vấn đề lớn không chỉ là kinh tế mà đã trở thành vấn đề xã hội và liên quan đến bảo vệ tài sản thiết yếu, tư liệu sản xuất của nông dân, nhất là đất nông nghiệp, cũng như quan hệ giữa nông dân đối với Đảng và Nhà nước.

Hơn nữa, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh những năm qua đã đi đến xử lý kỷ luật, thậm chí truy tố hình sự hàng loạt quan chức, kể cả ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, trong đó rất nhiều trường hợp liên quan đến vi phạm về đất đai.

Chính việc tổng kết Nghị quyết 19 đã cho thấy những bất cập, hạn chế trong chính sách, pháp luật đất đai là một nguyên nhân mất cán bộ. Chúng ta không thể đánh giá là đã thành công hoàn toàn nếu cùng với phát triển kinh tế mà giải quyết không tốt vấn đề thu hồi đất để tạo ra các vấn đề xã hội lớn.

Vì vậy, cử tri, nhân dân cả nước kỳ vọng Hội nghị Trung ương V lần này sẽ giải quyết được các vấn đề có tính chất cụ thể, ngắn hạn trong từng giai đoạn, giải phóng tối đa, khai thác, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai phục vụ phát triển đất nước. 

Có thể bạn quan tâm

  • Đừng để Luật Đất đai cản trở kinh tế thị trường

    06:25, 23/04/2022

  • Luật Đất đai tiếp tục lỡ hẹn: Những kiến nghị sửa đổi

    05:00, 17/04/2022

  • Cần phải ban hành sớm Luật Đất đai (sửa đổi)

    11:03, 16/04/2022

  • “Khớp lệnh” Luật Đất đai với hệ thống pháp luật

    10:00, 10/04/2022

  • Ngân hàng cũng gặp khó vì Luật Đất đai

    08:35, 31/03/2022

  • 10 kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai

    10:50, 28/03/2022

  • Sửa Luật Đất đai 2013: Đền bù cần sát giá thị trường

    12:00, 23/03/2022

  • Luật Đất đai sửa đổi cần cấm phân lô bán nền

    03:00, 19/03/2022

  • Cần sửa quy định về “hứa mua, hứa bán” trong Luật đất đai

    16:41, 16/03/2022

THIÊN ÂN