Thu phí không dừng: Chủ trương đúng vì sao triển khai vẫn ì ạch?

SÔNG HÀN 06/05/2022 03:30

Với mục tiêu giám sát chặt chẽ doanh thu của dự án BOT và giảm ùn tắc giao thông, nhưng cho đến nay, thu phí không dừng (ETC) vẫn triển khai một cách ì ạch khiến cho dư luận phải đặt nhiều dấu hỏi.

>>“Tối hậu thư” thu phí không dừng: “Tăng tốc” bằng cách nào?

 Lợi ích khi sử dụng làn thu phí tự động ETC. Nguồn: tasco

Lợi ích khi sử dụng làn thu phí tự động ETC. Nguồn: tasco

Cần thừa nhận một điều, hình thức thu phí thủ công, lái xe qua trạm phải dừng xe mua vé và trả tiền mặt thường gây ùn tắc tại trạm, đặc biệt là trạm cửa ngõ Hà Nội, TP HCM. Cùng với đó, nhân lực thu phí lớn, tình trạng gian lận, quay vòng vé giấy xảy ra tại một số trạm BOT.

Với mục tiêu giám sát chặt chẽ doanh thu của dự án BOT và giảm ùn tắc giao thông, tiến tới hạn chế sử dụng tiền mặt, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ áp dụng công nghệ thu phí điện tử không dừng (ETC) tại các trạm BOT và đã được đồng ý.

Theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 1 đến năm 2020 toàn bộ trạm BOT sẽ được lắp đặt hệ thống không dừng, tiếp tục giữ barie. Giai đoạn 2 từ năm 2021 sẽ áp dụng trả sau cho phương tiện qua làn ETC. Giai đoạn 3 từ năm 2023 bỏ barie. Giai đoạn 4 chỉ giữ lại giá long môn gắn thiết bị đọc thẻ, không còn các trạm và nhân viên vận hành.

Được nhận định là một hình thức thu phí ưu việt nhiều tiện lợi, đã nhiều lần, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản yêu cầu triển khai. Cao hơn, Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, có cơ chế mở cho doanh nghiệp BOT tự đầu tư thiết bị thu phí không dừng và truyền dữ liệu tới trung tâm của VETC, nhưng tiến độ thu phí ETC vẫn chậm trễ.

Tính đến nay cả nước mới có 575 làn thu phí không dừng trong 118 trạm thu phí, chiếm 70% tổng số làn cần lắp đặt ETC. Tỷ lệ dán thẻ nhận diện khoảng 57% tổng số phương tiện. 

Vậy tại sao lại có sự chậm trễ này khi ETC được xem là chủ trương đúng, là giải pháp giúp việc thu phí minh bạch, tránh tình trạng gian lận, vốn gây bức xúc trong dư luận nhiều năm qua.

Một trong những nguyên nhân được cho là do các nhà đầu tư BOT không muốn thực hiện vì họ không muốn phải minh bạch doanh số thu phí. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng này là sự độc quyền trong việc thực hiện thu phí ETC.

Nếu triển khai thu phí ETC thì nhà đầu tư BOT sẽ giao toàn bộ quyền thu phí cho VETC. Điều này đồng nghĩa với việc, nhà đầu tư bỏ hàng nghìn tỷ đồng ra làm dự án, xong lại giao cho một công ty khác quản lý, thu phí không khác gì “đem con bỏ chợ” nên nhiều nhà đầu tư BOT không yên tâm, cảm thấy có rủi ro”.

Cũng có thể nói, các đơn vị BOT e ngại mất quyền thu phí và sẽ giảm việc làm của người lao động tại các trạm, nên chưa mặn mà với loại hình thu phí mới mẻ này.

“Chúng tôi phải thuyết phục ngân hàng và doanh nghiệp BOT về hiệu quả của thu phí ETC như giảm chi phí nhân lực, đo đếm chính xác lưu lượng, chống gian lận, giảm ùn tắc tại trạm”, ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc VETC nói.

>>“Tối hậu thư” thu phí không dừng: Tìm “lối thoát” cho doanh nghiệp

>>Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng: Chỉ đón phương tiện dán thẻ thu phí không dừng

Đại diện Bộ Giao thông Vân tải cho rằng: “Dự án ETC lần đầu triển khai với công nghệ mới nên phải có thời gian thử nghiệm, vừa làm vừa khắc phục lỗi… Đài Loan cũng mất 8 năm để hoàn thành thu phí không dừng, Việt Nam mất 5 năm (2015-2020) thì không phải là chậm”, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải) nói.

Bên cạnh đó, hiện công tác đấu thầu để lựa chọn nhà cung cấp cũng đang bị chậm do nhiều thủ tục. Một trong những nguyên nhân nữa là do phương án tài chính và năng lực của nhà cung cấp dịch vụ không đảm bảo.

Ngoài ra, thời gian vận hành vừa qua, hệ thống ETC vẫn tồn tại một số lỗi, gây bất tiện như xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền hoặc tài khoản bị trừ tiền hai lần khi qua trạm, thậm chí có xe không lưu thông vẫn bị trừ tiền. Gần đây nhất ngày 24/4, cáp quang nội bộ truyền dữ liệu thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bị đứt nên xe dán thẻ phải xếp hàng 2-3 km chờ trả tiền qua trạm.

Việc xử phạt chưa nghiêm dẫn đến nhiều phương tiện chưa đủ điều kiện (chưa dán thẻ hoặc dán thẻ mà không nạp tiền hoặc thiếu tiền) vẫn đi vào cửa dành riêng cho thu phí không dừng, gây ùn ứ cho làn dành riêng này.

Dù với nguyên nhân khách quan hay chủ quan đi nữa, cũng xin nhắc lại, với mục tiêu hiện đại hoá công nghệ thu phí, công khai minh bạch, tránh thất thoát, tiêu cực trong quá trình thu phí, từ năm 2017, khi được Chính phủ cho phép, Bộ GTVT đã áp dụng ETC trên tất cả các trạm thu phí. Đây là dự án thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ.

Như lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (khi còn đương nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài Chính) từng nói: “Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước”.

Liệu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có dám “chơi tới bến” với mấy doanh nghiệp làm ăn kiểu “được thì ăn, thua thì đổ lên đầu dân và Nhà nước” để thúc đẩy tiến độ dự án ETC “ích nước lợi dân”?

Có thể bạn quan tâm

  • “Tối hậu thư” thu phí không dừng: “Tăng tốc” bằng cách nào?

    11:00, 12/12/2021

  • “Tối hậu thư” thu phí không dừng: Tìm “lối thoát” cho doanh nghiệp

    04:00, 12/12/2021

  • Thu phí không dừng còn "vướng" phương án tài chính

    03:50, 27/05/2021

  • Hải Phòng: Giảm thời gian qua trạm nhờ thu phí không dừng

    14:20, 13/01/2021

  • Không đồng bộ triển khai dự án thu phí không dừng: “Sẽ tạo tiền lệ xấu”!

    04:50, 19/12/2020

  • Còn 3 địa phương chậm triển khai thu phí không dừng

    16:29, 18/12/2020

  • Vì sao VEC chưa triển khai thu phí không dừng tại 4 tuyến cao tốc?

    03:05, 03/12/2020

  • Tại sao 4 tuyến cao tốc của VEC chưa lắp đặt và hoàn thiện thu phí không dừng?

    00:00, 03/12/2020

  • Bị áp hạn chót, trạm BOT thu phí không dừng vẫn “ì ạch” vì đâu?

    04:50, 28/10/2020

  • Thu phí không dừng trên toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Vẫn còn nhỏ giọt

    01:32, 15/09/2020

SÔNG HÀN