Chuyện luân chuyển cán bộ
Luân chuyển cán bộ là một chủ trương quan trọng của Đảng trong công tác cán bộ. Để đạt hiệu quả cao, quá trình thực hiện cần minh bạch, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
>>Sẽ luân chuyển cán bộ trì trệ, “ngâm” hồ sơ giải ngân đầu tư công
Mới đây, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã thay mặt Bộ Chính trị, vừa ký Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ (Quy định 65). Quy định này đang nhận được sự quan tâm của giới chuyên gia lẫn dư luận.
Bộ Chính trị ban hành quy định mới về luân chuyển cán bộ thay cho quy định ban hành từ năm 2017. Ảnh: Nhật Bắc
Quy định mới trong tình hình mới
Quy định 65 nêu rõ công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung trong công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu.
Cán bộ luân chuyển phải trong quy hoạch, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển. Giải quyết hài hòa giữa luân chuyển cán bộ để đào tạo với bố trí, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ; vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, vừa đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài.
Đáng chú ý, việc luân chuyển cán bộ không tăng thêm chức danh để luân chuyển cán bộ. Trường hợp đặc biệt do Bộ Chính trị quyết định. Đồng thời, có cơ chế quản lý, giám sát, đánh giá cán bộ luân chuyển và chính sách, chế độ phù hợp tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đối tượng luân chuyển gồm: Cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp; Cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị, gồm: Bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và cấp trưởng các ngành công an, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện; Trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Mục đích, yêu cầu của Quy định 65 là nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng về công tác cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường để rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.
Tiếp tục đổi mới công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; không để xảy ra tiêu cực trong công tác cán bộ. Kết hợp luân chuyển với tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín; góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Chủ trương đúng và cần thiết
Trước tiên phải khẳng định, luân chuyển cán bộ là chủ trương đúng đắn, cần thiết. Nhiều chuyên gia về xây dựng Đảng và người dân có chung nhận định, chưa bao giờ công tác cán bộ được Đảng coi trọng và thực hiện một cách bài bản trong tất cả các khâu như hiện nay, vừa thực hiện quy hoạch cán bộ lâu dài và cán bộ chiến lược.
Công tác luân chuyển cán bộ nhằm rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tạo điều kiện để cán bộ phát triển toàn diện về năng lực lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài của toàn hệ thống chính trị. Qua đó, tạo ra được một đội ngũ cán bộ có năng lực, giàu kinh nghiệm thực tế.
Một trong những hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn đó là luân chuyển cán bộ gắn với bố trí người đứng đầu không là người địa phương được xem là khâu đột phá.
Điển hình là ở Thanh Hoá, khi nói tới công tác điều động, luân chuyển cán bộ, thường nhắc tới một văn bản rất “kinh điển”. Đó là Kết luận số 60, ngày 01/5/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc thực hiện chủ trương bố trí chức danh Bí thư, Phó Bí thư thường trực cấp ủy, Phó Bí thư - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện không là người địa phương”.
Nói là “kinh điển”, vì văn bản này dù ban hành trước đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 và là bước chuẩn bị cho công tác nhân sự trước đại hội, nhưng đến thời điểm này vẫn nguyên giá trị, vì tính khái quát mà chi tiết, cụ thể, thể hiện rõ ràng quan điểm, mục tiêu, đối tượng, phương pháp, thời gian, tổ chức thực hiện, phù hợp với các kết luận, quy định về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ gần đây nhất của Trung ương, Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, trong quá trình luân chuyển cán bộ, cũng có nơi, có lúc chúng ta thực hiện chưa đúng quy định của Đảng nên có cán bộ luân chuyển không phát huy được, thậm chí bị kỷ luật. Một số sai lầm xảy ra trong việc điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ từ trung ương xuống cơ sở.
Đó là hiện tượng đưa những cán bộ bị vi phạm kỷ luật từ cơ sở điều động về trung ương (và ngược lại), hoặc từ địa phương này sang địa phương khác… Trong quá trình công tác trước đó, họ từng bộc lộ năng lực hạn chế, uy tín đã giảm sút, thậm chí từng gây mất đoàn kết nội bộ ở đơn vị cũ, không còn triển vọng phát triển tiếp.
Thêm một vấn đề đặt ra ởi đây đó là: Liệu có nên luân chuyển những trường hợp mới có hai, ba năm ở một vị trí mà đã vội cho quay về để ngồi ở vị trí cao hơn trước? Bởi vì, thời gian quá ngắn như vậy sẽ chỉ như “tráng men” chiếc ghế ngồi ở cơ sở, e là sẽ chưa kịp làm quen công việc, chưa kịp nắm bắt để nghĩ ra những gì cần làm cho tốt hơn.
Và do quan niệm thời gian rất ngắn nên họ dễ nảy sinh tư tưởng nhấp nhổm chuyện đi ở mà không làm một cách quyết liệt, táo bạo để tránh mắc sai sót, tránh bị mất lòng, chỉ muốn “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”.
PGS Nguyễn Minh Tuấn - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh từng cho rằng, có đôi khi, đôi nơi đã thực hiện không đúng tinh thần luân chuyển cán bộ, khiến cho công tác luân chuyển có những lúc méo mó, thậm chí những khuyết điểm bổ nhiệm người nhà, người thân, nên có một vài trường hợp người ta gọi là “lướt ván”, “tráng men”.
Đó là chưa nhắc đến một loại cán bộ được nâng đỡ thần tốc kiểu các “quý tử” như ông Lê Phước Hoài Bảo, ông Huỳnh Thanh Phong… Họ đều có một mẫu số chung: sau 4 năm công tác mà cùng lên đến 4 chức (từ phó phòng mà lên đến giám đốc Sở).
Hoặc, bài học xương máu của việc “luân chuyển cán bộ theo đường tiểu ngạch” kiểu như Trịnh Xuân Thanh. Chỉ trong hơn 2 năm được “nhẩy” qua đến 4 chức dưới thời ông Vũ Huy Hoàng đang giữ cương vị Bí thư Ban cán sự Đảng, bộ trưởng Bộ Công Thương… Đấy, thử hỏi cách luân chuyển như vậy ai được lợi?
Có thể nói, những sai phạm của hàng loạt cán bộ trong thời gian vừa qua cho thấy rõ, không còn cách nào khác là phải xử lý thật nghiêm khắc những sai lầm khuyết điểm không chỉ của đối tượng được luân chuyển, đào tạo, đề bạt mà cả những người làm công tác tham mưu về cán bộ cho Đảng cũng phải chịu trách nhiệm.
Để không còn tình trạng luân chuyển cán bộ theo kiểu “lướt ván”, “tráng men”, ngoài việc phải tuân thủ đúng quy trình về công tác cán bộ, cần đề cao trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ, phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, dựa vào quy hoạch và năng lực thực chất của cán bộ.
Ai bố trí, luân chuyển cán bộ không đảm bảo thì phải chịu xử lý trách nhiệm chứ không thể vô can. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ có được đội ngũ cán bộ tốt, hết lòng vì nước, vì dân.
Có thể bạn quan tâm
Sẽ luân chuyển cán bộ trì trệ, “ngâm” hồ sơ giải ngân đầu tư công
18:10, 16/05/2018