Nguồn sức mạnh từ chiến thắng Điện Biên Phủ

SÔNG HÀN 07/05/2022 07:05

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2022) là nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

>>Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cuộc chiến từ quá khứ đến hiện tại

Chiều 7/5/1954, lá cờ

Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, để lại nhiều bài học có ý nghĩa lịch sử và thời đại; trong đó, bài học về ý chí, quyết tâm giành độc lập dân tộc của Đảng và dân tộc ta còn nguyên giá trị.

Sau gần 08 năm trở lại xâm lược Việt Nam (1945 - 1953), thực dân Pháp không những không thực hiện được mục tiêu của chúng, mà còn bị sa lầy trước ý chí đấu tranh quật khởi của quân và dân ta.

Trước tình thế bất lợi, chính phủ Pháp phải điều tướng Na-va (giỏi nhất nước Pháp lúc bấy giờ) sang Đông Dương với hy vọng giành lại thế chủ động trên chiến trường; Từ đó, buộc chính phủ Việt Nam phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho Pháp. Khi sang Việt Nam, dựa vào kinh nghiệm trận mạc “dạn dày”, Na-va vạch ra kế hoạch tác chiến được gọi là “Kế hoạch Na-va”.

Điểm mấu chốt của kế hoạch là tập trung lực lượng cơ động chiến lược ở Đồng bằng Bắc Bộ nhằm giành lại sự chủ động chiến lược (lúc cao điểm lên đến 44 tiểu đoàn) xoay chuyển tình thế trên chiến trường Đông Dương, thực hiện đòn tiến công mang tính quyết định khi có điều kiện. Được sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.

Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ diễu hành mừng chiến thắng tại Điện Biên Phủ giữa tiếng reo hò vang dậy của bộ đội, dân công và nhân dân các dân tộc Điện Biên. Ảnh: Tư liệu TTXVN phát

Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ diễu hành mừng chiến thắng tại Điện Biên Phủ giữa tiếng reo hò vang dậy của bộ đội, dân công và nhân dân các dân tộc Điện Biên. Ảnh: Tư liệu TTXVN phát

Đối diện với khó khăn thách thức mới, Đảng ta đã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, giáo dục cho quân và dân ta nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp; tiến hành tổng động viên mọi lực lượng để phá tan Kế hoạch Na-va của chúng. Sau nhiều tháng nỗ lực chuẩn bị Chiến dịch và trải qua 55 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, ngày 07-5-1954, lá cờ “Quyết chiến, Quyết  thắng” của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Ca-xtơ-ri. Toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được xem là “bất khả chiến bại” đã bị quân và dân ta đánh bại.

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã trở thành một trong những chiến công chói lọi như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ 20 trong lịch sử dân tộc Việt Nam, khơi dậy sức mạnh dân tộc tự lập tự cường, ý chí quyết thắng của người Việt Nam.

>>Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ

>>Chống “giặc dịch COVID-19” nhìn từ chiến thắng Điện Biên Phủ

>>Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sức mạnh của chính nghĩa và thế trận lòng dân

Sau chiến thắng lẫy lừng này, các nhà lãnh đạo, chuyên gia đã đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, cụ thể như: Một là, tôn trọng thực tế, nắm chắc thực tiễn, kịp thời đề ra chủ trương chiến lược, quyết sách đúng đắn; lựa chọn mục tiêu tác chiến phù hợp. Hai là, kịp thời thay đổi phương châm tác chiến phù hợp với tình hình thực tế; kịp thời sáng tạo trong hành động để đạt được mục đích cao nhất. Ba là, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Bốn là, tăng cường quan hệ đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước anh em, bạn bè quốc tế…

Nhưng trên hết, chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định sức mạnh của ý chí quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của quân và dân ta. Với vũ khí thô sơ và tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên kháng chiến, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, đóng góp sức người, sức của, bảo đảm mọi điều kiện cần thiết cho chiến trường.

Đề cập đến bài học về độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế qua chiến dịch Điện Biên Phủ, PGS.TS Phạm Đức Kiên (Viện Lịch sử Đảng) nhận định, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi là kết quả của sự hợp lực từ nhiều yếu tố, là thắng lợi cao nhất của chiến tranh nhân dân. Thắng lợi ấy không chỉ mang ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam mà còn hàm chứa sâu sắc những giá trị tầm vóc thời đại.

Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với vô số khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.  Nó tác động đến toàn bộ các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước; nhiều tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết; một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…

Những bài học kinh nghiệm của chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ có giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay. Giúp chúng ta vượt qua những khó khăn thách thức không nhỏ trong thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phòng chống đại dịch COVID-19 thành công; vừa phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Chúng ta tin rằng với sự quyết tâm, chung sức đồng lòng, đoàn kết thống nhất của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển nền kinh tế như các mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra như cha ông chúng ta đã làm trong chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại của dân tộc.

Có thể bạn quan tâm

  • TP. Điện Biên Phủ tạo “bước đệm” phát triển kinh tế

    16:35, 29/12/2021

  • Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cuộc chiến từ quá khứ đến hiện tại

    11:04, 07/05/2021

  • Chống “giặc dịch COVID-19” nhìn từ chiến thắng Điện Biên Phủ

    05:30, 07/05/2021

  • Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sức mạnh của chính nghĩa và thế trận lòng dân

    06:44, 07/05/2020

  • Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ

    05:30, 07/05/2020

SÔNG HÀN