Luân chuyển cán bộ: Nhìn xưa để nói nay

SÔNG HÀN 09/05/2022 00:00

Từ thời xa xưa, các triều đại vua chúa Việt Nam đều đã thực hiện việc luân chuyển quan lại. Ngày nay, trong hệ thống công quyền ở nước ta cũng đã thực thi sự việc này.

>>Luân chuyển cán bộ và tinh thần Hồi tỵ hiện đại (Bài 1)

Chuyện xưa

Chế độ luân chuyển quan lại, theo sử cũ có từ thời Ngô Quyền. Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền xưng vương, những quan lại thân cận được phân phong về các địa phương cai trị. Hoạt động luân chuyển quan lại dưới thời Lý trở nên rõ ràng, và dần trở thành chế độ thường xuyên trong sử dụng đội ngũ quan lại thời phong kiến.

Nội dung của hoạt động điều chuyển quan lại là chuyển một viên quan từ vị trí này sang vị trí khác trong hệ trong hệ thống quan trường, hay chuyển từ địa bàn trị nhậm của một viên quan từ nơi này sang nơi khác.

Chính sách sử dụng quan lại thích hợp để phòng chống tham nhũng thời phong kiến

Chính sách sử dụng quan lại thích hợp để phòng chống tham nhũng thời phong kiến

Việc luân chuyển có thể diễn ra đối với từng vị trí ở cấp Trung ương, có thể là sự điều động từ Trung ương xuống địa phương và ngược lại. Hoạt động thăng, giáng chức cũng diễn ra bình thường. Có công được phong, có tội bị giáng, thậm chí bị cách tuột hết mọi chức tước, nhưng sau đó vẫn có thể được phục hồi như cũ.

Việc luân chuyển nhằm mục đích phát huy tối đa năng lực của quan lại thông qua việc điều chuyển sang vị trí thích hợp hơn, tạo sự công bằng về quyền lợi và trách nhiệm của quan lại, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định. Ngoài ra còn phòng tránh việc quan lại lợi dụng thời gian trị nhiệm lâu dài tại một địa phương hay một vị trí  nào đó để gây thanh thế lớn, có thể trở thành nguy cơ đe dọa sự an toàn của chế độ quân chủ.

Đến thời Trần, việc luân chuyển quan lại diễn ra thường xuyên hơn, được thực hiện bằng các quy định cụ thể của Nhà nước. Điều này thể hiện rõ trong việc điều động, phân bổ quan lại. Đã có thể nói tới một chính sách của nhà nước về việc điều động, luân chuyển quan lại.            

Dưới thời Lê Thái Tổ, do không được kế thừa trực tiếp tổ chức bộ máy nhà nước của triều đại trước, nên ngay sau khi giành được độc lập, công tác xếp đặt quan lại được tiến hành khẩn trương.

Đến thời Lê Thánh Tông, hoạt động luân chuyển quan lại diễn ra dồn dập, có quy mô rõ rệt. Nhiều công thần khai quốc vốn bị tước hết quyền lực ở thời Lê Lợi nhưng đến thời Lê Thánh Tông lại được bổ dụng trở lại: Lê Khuyên được phục chức Nhập nội thiếu uý, Tham tri Hải Tây đạo chư vệ quân sự thái giám, Lê Khiêm được cử làm Đô áp nha tri tư bản sự...

Một số quan lại cao cấp ở Trung ương được điều động lên biên giới do có những hoạt động lấn đất của nhà Minh. Lê Khả được phong làm Vinh lộc đại phu ra trấn nhậm ở Lạng Sơn, coi quản toàn bộ việc quân dân. Bùi Cẩm Hổ giữ chức Ngự sử ra làm An phủ sứ Lạng Sơn. Những quan lại địa phương nếu trông coi chính sự tốt, có tài năng thì được điều động về Trung ương.

Có thể nói, lịch sử của các dân tộc, quốc gia là một dòng chảy không ngừng, thế hệ sau tiếp theo thế hệ trước viết nên lịch sử dân tộc và xây dựng tiếp nền văn hóa của mình.

Trong lĩnh vực công vụ, công chức, quản trị đất nước,  nhìn chung các quy định về chế độ quan chức thời phong kiến đã thể hiện rõ diện mạo chính trị - xã hội thời kỳ này. Nhưng các quy định chế độ quan chức thời phong kiến vẫn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa cần được nghiên cứu vận dụng vào thời đại ngày nay, đặc biệt là chế độ thi tuyển, đánh giá, chế độ trách nhiệm, luân chuyển cán bộ.

>>Chuyện luân chuyển cán bộ

Chuyện nay

Thực tiễn cuộc sống rất sinh động và luôn đi trước cơ chế chính sách. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nhấn mạnh là: “Dựa vào dân để xây dựng Đảng”. Chính vì vậy khi trao quyền cho cán bộ để tránh tham nhũng, lộng quyền thì phải có cơ chế để đảng viên và nhân dân giám sát hiệu quả.

Từ những sai lầm trong công tác cán bộ, sẽ sinh ra những cán bộ nghiện quyền lực, nghiện quản lý và kéo theo đó là sự thụt lùi, sự phát triển chung của một địa phương. Mới đây, các chuyên gia kinh tế cảnh báo: Hiện nay, ở Việt Nam có một thói quen cố hữu đó là các cơ quan quản lý luôn bị ám ảnh về nhu cầu quản lý, thậm chí là bị bệnh nghiện quản lý, nghiện quyền lực. 

Qua đó, việc luân chuyên cán bộ phải được coi là một trong những khâu đột phá chiến lược trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bộ Chính trị ban hành quy định mới về luân chuyển cán bộ thay cho quy định ban hành từ năm 2017p/NHẬT BẮC

Bộ Chính trị ban hành quy định mới về luân chuyển cán bộ thay cho quy định ban hành từ năm 2017. Ảnh: Nhật Bắc

Riêng trong 2 nhiệm kỳ gần đây (nhiệm kỳ X và XI), Đảng ta đã đưa ra chủ trương luân chuyển cán bộ khá mạnh mẽ. Việc luân chuyển mới khởi động lại một cách hệ thống, bài bản từ ĐH X bằng Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị. Trong nhiệm kỳ XI, chúng ta đã luân chuyển được 18.840 lượt cán bộ lãnh đạo quản lý ở các cấp. Trong đó, luân chuyển kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo không phải người địa phương với 3.121 lượt cán bộ. Đặc biệt, có 53 cán bộ được luân chuyển giữ chức danh phó bí thư (25 trường hợp) và phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố (28 trường hợp) theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2014. Còn cả nhiệm kỳ là 127 người.

Nếu nhìn vào kết quả đạt được của nhiệm kỳ khóa XI có thể thấy rõ: Chủ trương luân chuyển cán bộ của Đảng là kịp thời, phù hợp và sát với nhu cầu thực tiễn. Nói như vậy là bởi, cấp ủy nào cũng có nhu cầu xây dựng và chuẩn bị đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.

Chủ trương đúng lại nhận được sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư  cùng sự tham mưu của các cơ quan liên quan nên đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Về phía địa phương, nhiều nơi cũng tạo điều kiện để cán bộ luân chuyển “thi thố” tài năng. Bản thân nhiều cán bộ được luân chuyển cũng đã bắt nhanh với môi trường mới và phát huy được năng lực của mình.

Tiếp theo, đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, Bộ Chính trị ban hành Quy định 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ. Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Quy định mới đây nhất (số 65) của Bộ Chính trị tiếp tục yêu cầu làm tốt hơn nữa việc luân chuyển, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược cán bộ trong thời kỳ mới.

Thực tiễn cho thấy, từ xưa tới nay, sự hưng thịnh hay suy vong của bất kỳ quốc gia - dân tộc hay chế độ nào đều phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ - những con người có khả năng chính trị và nghệ thuật lãnh đạo, quản lý. Ðây là đội ngũ nhân sự có vai trò rường cột trong tham mưu hoạch định chính sách, trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng và thực thi luật pháp, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được”. Cho nên, việc luân chuyển cán bộ là biện pháp tích cực mà thế hệ ngày nay kế thừa và phát huy từ điểm tích cực trong lĩnh vực công vụ, quản trị đất nước từ chế độ phong kiến. 

Người cán bộ trải qua nhiều vị trí công tác rồi từ đó trưởng thành lên sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn, thấu hiểu "nhân tình thế thái” hơn. Chứ một cán bộ dù ở Trung ương hay địa phương mà gặp quá nhiều thuận lợi, con đường phát triển cứ như diều gặp gió, chẳng thăng trầm bao giờ thì rất đễ thiếu kinh nghiệm, thiếu cả "nhân tình thế thái” trong giải quyết công việc.

Vì thế, khi thực hiện luân chuyển cán bộ, phải đặt lợi ích chung lên trên hết, kiên quyết chống bản vị, cục bộ địa phương, hoặc vì thân quen, cánh hẩu. Làm ngược lại, sẽ rơi vào tình trạng “Chính sách thì đúng, cách làm thì sai” với những toan tính cá nhân của một số người có động cơ không trong sáng.

Kiên quyết không để xảy ra việc lợi dụng chủ trương luân chuyển cán bộ để điều động, đẩy người trung thực, thẳng thắn, người có năng lực thực sự, nhưng không hợp với mình đi nơi khác.

Tựu trung lại, luân chuyển cán bộ là một chủ trương đúng, phù hợp với quy luật phát triển của cán bộ trước đây cũng như trong thời kỳ đổi mới, hội nhập. Và chúng ta phải luôn xem như là một phần trong chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyện luân chuyển cán bộ

    04:00, 07/05/2022

  • Sẽ luân chuyển cán bộ trì trệ, “ngâm” hồ sơ giải ngân đầu tư công

    18:10, 16/05/2018

  • Luân chuyển cán bộ và tinh thần Hồi tỵ hiện đại (Bài 1)

    05:20, 09/05/2022

SÔNG HÀN