Trung Quốc đưa khí tài ra Biển Đông bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế

SÔNG HÀN 26/05/2022 04:00

Mỗi bước leo thang ở Biển Đông, Trung Quốc lại cho thấy nước này không đồng nhất giữa lời nói và hành động, giữa cam kết và trách nhiệm.

>>Việt Nam đề nghị Quốc hội Singapore ủng hộ hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Biển Đông - Ảnh: TÂN HOA XÃ

Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Biển Đông - Ảnh: Tân Hoa Xã

Vừa qua, tờ South China Morning Post dẫn thông báo từ cơ quan quản lý an toàn hàng hải tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) cho hay quân đội nước này tập trận ở Biển Đông từ ngày 19-23/5/2022.

Động thái này được giới chuyên gia cho là nhằm gửi nhiều thông điệp đồng thời gây căng thẳng khi Biển Đông được dự báo là một phần trong chương trình nghị sự của ông Biden trong chuyến công du.

Tương tự, tờ Hoàn Cầu thời báo, trực thuộc Nhân dân nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 18/5 đăng bài xã luận nói “Trung Quốc đã và đang nỗ lực không ngừng vì hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như thúc đẩy các cuộc đàm phán COC”. Nhưng, đúng một ngày sau khi bài xã luận “hữu hảo” được đăng, Trung Quốc bắt đầu tập trận ở Biển Đông như đã thông tin ở trên.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, nhiều lần công bố các cuộc tập trận tại khu vực này. Giữa tháng 4 vừa qua, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin Trung Quốc đã bắt đầu triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-20 tập luyện và tuần tra ở Biển Đông, biển Hoa Đông. Diễn biến này có lẽ tạo ra một thách thức lớn cho Việt Nam cũng như các nước có vị trí gần với các căn cứ mà Trung Quốc sẽ đồn trú J-20.

Nhiều vấn đề đặt ra ở đây là: Tại sao Trung Quốc đưa khí tài ra Biển Đông bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế? Nó có phải là để tự vệ hay không? Dẫu tôi có tin đó là tự vệ thì hệ thống khí tài đó cũng có thể tạo ra khả năng tấn công.

Ngoài ra, một câu hỏi lớn hơn đặt ra cho Trung Quốc lúc này là, khi Bắc Kinh trỗi dậy, tư tưởng văn minh của họ đối với thế giới sẽ là gì? Liệu Trung Quốc có tin vào chủ nghĩa đơn phương hay không? Khi đó, một trong những cáo buộc mà Trung Quốc hay nhằm vào Mỹ sẽ chính là đòn “gậy ông đập lưng ông” mà Trung Quốc phải nhận. 

>>Mỹ, ASEAN và Biển Đông

>>Bầu cử Philippines ảnh hưởng thế nào đến cục diện Mỹ- Trung ở Biển Đông?

Các tàu chiến Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận ở Biển Đông. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Các tàu chiến Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận ở Biển Đông. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Liên quan đến chuỗi hoạt động nói trên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ nhận định. “Chỉ dấu chính trị” của việc điều J-20 tuần tra các vùng biển “củng cố thêm lo ngại về các ý định trong tương lai của Trung Quốc ở Biển Đông, biển Hoa Đông và khu vực eo biển Đài Loan”.

Nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsuhito Asano thì khẳng định hành vi của Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS 1982, gây ảnh hưởng tới an ninh của Biển Đông và khu vực. Trung Quốc không những xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà gần đây đang gia tăng những hành động quân sự hóa tại Biển Đông. Điều này kích động chiến tranh, coi thường luật pháp và dư luận quốc tế.

Thực tế cho thấy, mỗi bước leo thang ở Biển Đông, Trung Quốc lại cho thấy nước này không đồng nhất giữa lời nói và hành động, giữa cam kết và trách nhiệm. Và để lấp liếm cho sự mập mờ trong tư tưởng bành trướng ở Biển Đông, Trung Quốc theo đuổi đường lối đàm phán song phương thay vì đa phương về vấn đề Biển Đông.

Diễn đàn đa phương duy nhất Trung Quốc chịu thỏa thuận chính là ASEAN với Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trong khi bác bỏ vai trò của tất cả quốc gia khác bao gồm cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, EU….

Tuy nhiên, COC vẫn chưa mang lại những triển vọng quan trọng ngoài việc chi phối một phần hành động hung hăng của Trung Quốc, tạo diễn đàn đối thoại khi cần thiết. Bắc Kinh lộ rõ toan tính kéo dài COC (đàm phán suốt 20 năm qua), tranh thủ xây dựng lực lượng ngày càng mạnh cả về ngoại giao lẫn quân sự.

Nói như Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana: “Biển Đông vốn yên bình cho đến khi Trung Quốc xâm lấn”. Việc thường xuyên để các đội tàu gây hấn ở khu vực, gần nhất là đội tàu xâm phạm EEZ, thềm lục địa Việt Nam và trước đó là Malaysia, Philippines, cho thấy khái niệm “mang lại hòa bình cho khu vực” chỉ là một cách nói sáo rỗng.

Do vậy, cần phải đẩy nhanh các cuộc đàm phán để đạt được COC thực chất, hiệu quả, có ràng buộc về mặt pháp lý để quản lý những lợi ích chồng chéo hiện nay, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Nhưng trước khi đạt được điều này, các bên liên quan như Việt Nam, Malaysia, ASEAN, Mỹ, Ấn Độ… cần phải luôn lên tiếng về những hành vi sai trái của Trung Quốc, nhấn mạnh việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế và giữ gìn sự tôn nghiêm của EEZ hợp pháp.

Có thể nói, với các chuỗi hoạt động quân sự trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ luôn gặp phải những chỉ trích. Biển Đông lẽ ra đã yên bình nếu Trung Quốc không trở nên quá hung hăng và sẽ không có xung đột.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam đề nghị Quốc hội Singapore ủng hộ hòa bình, ổn định ở Biển Đông

    20:53, 18/05/2022

  • Mỹ, ASEAN và Biển Đông

    05:00, 16/05/2022

  • Bầu cử Philippines ảnh hưởng thế nào đến cục diện Mỹ- Trung ở Biển Đông?

    13:38, 06/05/2022

  • Trung Quốc muốn gì khi đưa chiến đấu cơ tàng hình đến Biển Đông?

    03:00, 20/04/2022

  • Quân sự hóa ở Biển Đông: Trung Quốc nói không đi đôi với làm

    05:04, 10/04/2022

  • Bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Việt Nam và các nước quanh Biển Đông không đơn độc

    04:30, 24/03/2022

  • Việt Nam - Malaysia củng cố hòa bình ở Biển Đông

    00:01, 22/03/2022

  • Biển Đông: Biển chưa yên, sóng chưa lặng

    05:00, 22/02/2022

SÔNG HÀN