Sách giáo khoa và tiến sĩ

AN NHIÊN 28/05/2022 05:15

Đọc các bài viết, nghe lời phàn nàn về sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo tôi thấy buồn. Càng thấy thấm thía lời Bác Hồ dậy về giáo dục.

>>Lựa chọn sách giáo khoa: Lo ngại như vụ... Việt Á

Lời Bác nói giản dị mà sao gây xúc động in sâu vào trí nhớ lâu dài đến thế:

“Trẻ em như búp trên cành.

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.

“Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây non lên tốt. Dạy trẻ nhỏ được tốt thì sau này các cháu trở thành người tốt. Điều trước tiên là dạy các cháu về đạo đức. Bậc tiểu học cần giáo dục các cháu yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công…”.

Giá sách giáo khoa nhận được sự quan tâm của dư luận khi cao gấp 2-3 lần so với bộ cũ. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam.

Giá sách giáo khoa nhận được sự quan tâm của dư luận khi cao gấp 2-3 lần so với bộ cũ. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam.

Đất nước đang trên đà phát triển, nhanh về kinh tế, ổn về chính trị - xã hội. Muốn có sự phát triển bền vững thì giáo dục phải là ngành “đi trước, về sau”, tạo dựng lên nền tảng cho sự phát triển về đạo đức, tri thức cho thế hệ kế tiếp.

Buồn thay yếu tố thương mại, lợi ích kinh tế đang làm méo mó biến dạng nhiều hoạt động của ngành, cần chuẩn mực “khuôn vàng, thước ngọc” đó là ngành giáo dục.

Đầu tiên là sách giáo khoa cho học sinh phổ thông. Ai đó ví việc in, phát hành mới sách giáo khoa với sự độc quyền là “con gà đẻ trứng vàng” của giáo dục. Khi sách giáo khoa “đẻ ra vàng” vì lợi nhuận, thì nội dung ai đảm bảo được là “vàng mười” hay có thể sẽ là “trứng ung”?

Việc sách giáo khoa “đẻ ra vàng” liệu có ảnh hưởng tới kiến thức, đạo đức của thế hệ học sinh, khi Hội đồng in, biên soạn sách, những người xây dựng kiến thức phổ thông, giáo dục đạo đức cho học sinh, lại trở thành các “con buôn khoa học”, nay đổi, mai sửa để in sách mới, ép mua với giá “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Thật buồn làm sao khi thảo luận tại tổ ở Quốc hội sáng 25/5, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải thích về tình trạng sách giáo khoa tăng giá 2 - 3 lần là vì in khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Càng buồn hơn khi biết rằng thì ra sách giáo khoa tăng giá là do giấy tốt, khổ to, mực in tốt, chứ không phải do đổi mới, nâng cao hàm lượng nội dung, tri thức trong cuốn sách.

>>Ngậm ngùi giá sách giáo khoa mới

>>Đau đầu với “tiến sĩ cầu lông”

Thực tế việc sửa đổi in sách giáo khoa không phải là chuyện mới. Hội đồng biên soạn, nhà in độc quyền không phải nhân dân không biết. Vấn đề là họ chấp nhận nó đến mức độ nào và ra sao mà thôi.

Học sinh nhà nghèo vẫn là số đông, việc họp phụ huynh đầu năm với các khoản đóng góp, đồng phục, mua mới sách giáo khoa không phải là chuyện “đơn giản như đan rổ”, nó là một khoản lo đến “méo mặt” của không ít gia đình.

Ở thế hệ trước, sách anh, chị học rồi sang đến em, không ít vị quan chức giáo dục bây giờ, trưởng thành từ bộ sách được dùng lại ấy.

Vẫn biết so sánh thì khập khiễng, nhưng hãy nhìn ra các nước phát triển, mặc dù công nghệ và khoa học tiến bộ từng ngày, nhưng họ không đổi sách giáo khoa liên tục như Việt Nam. Họ cũng không có nhiều tiến sĩ, giáo sư như Việt Nam nhưng phát minh, sáng chế thì nhiều vô kể. Nền giáo dục Nhật Bản gần như bê nguyên chương trình giáo dục đào tạo của phương Tây về, mà hiệu quả rất cao.

Sách giáo khoa mới lớp 3 bộ Kết nối tri thức và cuộc sống cùng Chân trời sáng tạo đều cao hơn bộ hiện hành. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam.

Sách giáo khoa mới lớp 3 bộ Kết nối tri thức và cuộc sống cùng Chân trời sáng tạo đều cao hơn bộ hiện hành. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam. 

Tại Việt Nam, giáo dục là ngành cần trung thực nhất thì lại chạy theo thành tích, điểm số thành mặt hàng để mua bán, trao đổi. Xin có lời chân thành xin lỗi đến các nhà khoa học chân chính, nhưng thật không ngoa khi nói số lượng tiến sĩ của Việt Nam tỉ lệ nghịch với chất lượng. Nhiều trường hợp đi học lấy bằng chỉ để hoàn thành đúng quy trình để bổ nhiệm, lên chức, lên lương.

Rất nhiều học sinh đi học phải chạy theo điểm số, danh hiệu cho bố mẹ. Việc học thêm tràn lan, tuổi thơ bị đánh cắp trắng trợn. Nhiều trẻ em không được phát huy thế mạnh, sở trường, thể chất, mà chỉ biết cắm đầu học. Không ít trường chuyên, lớp chọn tổ chức luyện “gà nòi” đi thi với các mánh lới, cách thức phi khoa học để đạt điểm số cao…

Tình trạng lạm phát đại học, vỡ kế hoạch tiến sĩ, giáo sư… đã diễn ra. Từ năm 1997, Việt Nam có 123 trường đại học, cao đẳng; đến năm 2018 đã lên đến 324 trường đại học, 459 trường cao đẳng. Và đến 2022 thì không biết là có bao nhiêu trường rồi nữa.

Nếu như thi đỗ đại học ở thập niên 90 phải là người học giỏi, thì thời nay, nhiều trường đại học mời học sinh vào một cách dễ dàng, thậm chí học sinh còn thỏa sức lựa chọn trường đại học cho dù điểm xét tuyển đại học hay bạ có kém.

Thế rồi cái lý dạy cử nhân thì phải thạc sĩ, dạy thạc sĩ thì phải tiến sĩ đã làm “trăm hoa đua nở” “bằng mua, giấy bán”, kệ cho chất lượng trôi sông.

Thêm nữa, các địa phương tranh nhau mở trường, nhiều chương trình đào tạo rất giống nhau. Xã hội không còn tôn trọng tiến sĩ, người có danh hiệu tự hào ấy bị chế biến thành “phở tiến sĩ, phá giáo sư”… nghe mà đau xót cho các nhà khoa học chân chính.

Cũng dễ hiểu thôi khi người có thực tài cứ lặng lẽ “chảy máu chất xám” mà ra đi.

Để lại các tiến sĩ giấy:

“Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai

Cũng gọi ông nghè có kém ai”…

Rất mong Quốc hội, lãnh đạo, nhân dân quyết tâm xóa tiêu cực của ngành giáo dục, đừng để có thêm  “Việt Á - sách giáo khoa” thì thực sự đau lòng.

Có thể bạn quan tâm

  • Lựa chọn sách giáo khoa: Lo ngại như vụ... Việt Á

    00:00, 24/05/2022

  • Ngậm ngùi giá sách giáo khoa mới

    05:00, 03/05/2022

  • Nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT về "sạn" trong sách giáo khoa

    11:00, 11/11/2021

  • Chờ một bộ Sách giáo khoa “sạch”

    04:00, 24/12/2020

  • Chuyện sách giáo khoa lớp 1: Sao cứ mãi "nhặt sạn”?

    05:25, 19/11/2020

  • Đôi lời về câu chuyện sách giáo khoa lớp 1 mới

    05:27, 13/10/2020

AN NHIÊN