Hà Nội "mưa là ngập" và bài toán quy hoạch
Thời gian qua Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc xóa điểm đen ngập úng trên địa bàn, thế nhưng điệp khúc “cứ mưa là ngập” vẫn cứ tiếp tục xảy ra.
>>Quy hoạch “rời rạc”, Hà Nội “mưa là ngập”
Sáng 30/5, việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch được đặt lên bàn nghị sự. Đáng chú ý, chỉ trong nửa ngày trước, một trận mưa lớn ở Hà Nội đã biến hàng loạt phố phường thủ đô thành sông. Vì thế, những bất cập về quy hoạch lại được mổ xẻ một cách triệt để.
Liên quan đến vấn đề này, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà nhận định thời tiết hiện nay có biến đổi bất thường, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả những nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu.
“Sự bất thường nhiều khi tập trung vào một thời điểm thì không hạ tầng nào có thể chịu đựng được. Song, cần phải phân biệt dị thường do thời tiết như mưa lớn cực đoan với vấn đề về đầu tư hạ tầng nhưng thiếu đồng bộ và thiếu tầm nhìn”, Trần Hồng Hà nói.
Có thể nói, người dân cả nước nói chung và người dân Hà Nội nói riêng tự hào về sự phát triển của Hà Nội bao nhiêu thì lại khiếp sợ nạn ngập úng, tắc đường bấy nhiêu. Dù chính quyền cũng có nhiều cố gắng trong quy hoạch, chống ngập, tắc đường, nhưng tình hình không cái thiện nhiều.
Mấy năm gần đây, nhiều “điểm nóng” về phát triển cao ốc chung cư liên tục được “điểm danh”. Phải thừa nhận rằng chúng ta đã sai ngay từ khâu quy hoạch, đất càng đắt giá thì tỷ lệ cao tầng càng cao, mật độ xây dựng càng không đúng chuẩn. Đúng thôi vậy chẳng cần phải tìm hiểu thêm cũng dễ dàng biết được tại sao Hà Nội cứ mưa là ngập và lúc nào cũng tắc đường.
Trong khi các chủ đầu tư chưa quan tâm đến công tác tiêu thoát nước chung mà mạnh ai nấy làm. Hạ tầng kỹ thuật được xây dựng thiếu sự đồng bộ. Chủ đầu tư không quan tâm đến tiêu thoát nước ngoài hàng rào khu đô thị mà để nước mưa đổ trực tiếp ra chung quanh, hoặc có đấu nối vào hệ thống thoát nước nhưng không đầu tư nâng cấp các đường ống, dẫn đến tình trạng quá tải khi mưa lớn.
Chúng ta hãy bình tĩnh dừng lại đôi chút để nhìn nhận cái được, cái mất để xem xét một cách nghiêm túc vấn đề. Không thể đổi đất lấy ô nhiễm, lấy ô nhiễm môi trường, không thể vì lợi ích trước mắt mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe của thệ hệ con cháu mai sau. Đừng vì quá tham lam mà bắt con cháu phải gánh chịu và gánh trên vai gánh nặng của những sai lầm từ quy hoạch.
Thế nên, nhiều chuyên gia quy hoạch chỉ ra, thành phố cần thiết phải có quy định về cốt nền đô thị đối với những khu chung cư mới xây. Cùng với đó, quản lý tốt việc cấp phép xây dựng giữa cấp thành phố và cấp quận, để hạn chế tình trạng úng ngập.
>>Hà Nội cứ mưa là ngập và câu chuyện tầm nhìn quy hoạch
>>Hà Nội vẫn còn “điệp khúc – mưa là ngập”, vì đâu?
>>Hà Nội cứ mưa là ngập: Quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn
Để tránh ngập, chính quyền thành phố một mặt đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước cũng cần sớm đề ra chương trình tận dụng những nơi công cộng như công viên, trường học và những vị trí đất công khác để xây dựng những hầm chưa nước ngầm mà không tốn phí giải phóng mặt bằng với các mục đích: Phục vụ làm chỗ thoát nước nhan và là nơi tích trữ nước; Là những hầm chứa nước phục vụ mục đích cứu hỏa; Là nguồn nước phục vụ tưới cây và các nhu cầu khác.
Để thực hiện được những mục đích đó, chúng ta cũng có thể tiến hành đấu thầu để huy động nguồn vốn xã hội, những nhà đầu tư bỏ vốn được phép khai thác có thời hạn những khoảng đất trên bề mặt để bù lại vốn đầu tư.
Nói cách khác, để đối phó với biến đổi khí hậu, rõ ràng không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ mà phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn thành phố và cả vùng thủ đô; kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với phát triển đô thị; kết hợp xử lý thoát nước với quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh.
Song song, vấn đề dự báo và tính toán, phải nằm ở tầm dài hạn và đảm bảo tính huyết mạch mới có thể giải quyết câu chuyện ngập úng. Như Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Dự báo không phải hàng năm, mà thậm chí, có những vấn đề cực đoan 20-30 hay 50 năm mới xảy ra một lần, cũng phải được tính đến và có phương án”.
Tuy nhiên, có một sự thật kém vui đó là những nhà quy hoạch kiến trúc đang rất lúng túng và chưa có được một giải pháp dài hạn. Tư duy nhiệm kỳ đang làm gián đoạn những bài toán quy hoạch vì vậy không mang tính kế thừa.
Rõ ràng là chúng ta đã nói quá nhiều mà chưa có giải pháp cụ thể. Nhiều khi chỉ vì nể nang mà làm cho những con đường phải uốn khúc một cách mềm mại để trở thành những cái gai giữa lòng thành phố.
Một thủ đô văn minh của một đất nước ngàn năm văn hiến, chúng ta đã từng chẳng tiếc máu xương, mồ hôi sức lực để làm nên một Việt Nam vẻ vang như hôm nay. Không có lẽ chúng ta không dám hy sinh những quyền lợi vật chất bé nhỏ để giải phóng cho chính chúng ta.
Để cho chúng ta, cho các thế hệ con cháu chúng ta mai sau sống trong hòa bình, hạnh phúc, được sống trong một môi trường không ô nhiễm, bệnh tật, và đặc biệt không còn phải chịu cảnh đi đường bị ngập nước và tắc đường.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch “rời rạc”, Hà Nội “mưa là ngập”
16:00, 30/05/2022
Hà Nội cứ mưa là ngập và câu chuyện tầm nhìn quy hoạch
01:00, 24/05/2022
Hà Nội vẫn còn “điệp khúc – mưa là ngập”, vì đâu?
04:00, 27/04/2021
Hà Nội cứ mưa là ngập: Quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn
11:00, 18/08/2020
Hà Nội cứ mưa là ngập: Chính quyền đô thị còn nhiều việc phải làm
11:00, 03/08/2018
Cận cảnh khu đô thị đẳng cấp Hà Nội: Cứ mưa là ngập
22:41, 31/07/2018