Bắt nạt “online” - Biến tướng mới của bạo lực
Vụ việc xô xát giữa các học sinh trường quốc tế American Academy (ISHCMC-AA) Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh đến giờ vẫn chưa có cái kết êm thấm.
>>Vụ bạo lực tại trường quốc tế: Muốn giáo dục con phải tôn trọng thầy!
Phụ huynh của một cháu trong vụ việc đã livestream hô hào lôi kéo mọi người ủng hộ mẹ con mình, kết tội nhà trường, chỉ trích công an, không hợp tác, kí biên bản, quy chụp kết tội người khác…
Theo dõi livetream của chị phụ huynh, tôi nhận thấy chị cho con vào học trường quốc tế nhưng cách hành xử của chị lại như ngông cuồng như “Chí Phèo” với sự mâu thuẫn liên tục trong phát ngôn.
Giọng chị thì đẹp “tròn vành rõ chữ” nhưng nó tỉ lệ nghịch với ngôn từ mà chị phát ngôn. Lúc thì chị nói cần tôn trọng pháp luật lúc thì chị hô hào đòi hành xử theo “luật rừng”.
Có vẻ như chị đang cố tình tạo ra sự vụ, đánh bóng tên tuổi để được nổi tiếng. Xem cách chị công kích nhà trường, cách chị quan tâm lượng người xem làm người ta thấy động cơ, mục đích của chị không hẳn để góp phần chấm dứt bạo lực học đường.
Nếu ai cũng bảo vệ con, yêu con theo cách của chị chắc chẳng trường nào nhận đào tạo con chị được mà suốt ngày đi lo giải quyết các vụ việc rắc rối của gia đình nhà chị (tiếng Anh gọi là “trouble maker”). Con chị luôn có chiếc ô của mẹ và “cộng đồng mạng” che chắn sẽ nghĩ mình là “cậu trời”.
Hành động bất chấp phải trái và hậu quả như thế nào, tương lai sẽ có câu trả lời cho chị.
Ngay việc đơn giản nhất là thái độ tôn trọng thầy giáo chị cũng không có, trái ngược hẳn với truyền thống tôn sư trọng đạo.
Các cụ từng dạy :
“Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
Đây chị luôn mồm thách thức, gọi trường là “nó” với “chúng nó”… ngu. Vậy hành động livestream, việc chị làm thông tin của một đứa trẻ cũng như con chị bị mạng xã hội, bị bắt nạt hội đồng “online” là sự sáng suốt, khôn ngoan?
>>Vụ bạo lực tại trường quốc tế: Lấy cái sai để xử lý cái sai thì còn gì là giáo dục?
>>Khi nền tảng mạng xã hội “bất lực” trước các vụ bạo lực
>>Bạo lực học đường ngày càng gia tăng, vì sao?
Trang Facebook kinh doanh của nhà bé Kim bị đám đông hung hãn mượn danh yêu thương, bảo vệ trẻ em, lên án bạo lực học đường vào báo cáo đánh sập. Thiệt hại rõ ràng về kinh tế cho gia đình bé, mượn danh yêu thương để đổ lỗi cho nhà trường, phá hoại công việc làm ăn của một gia đình thì liệu đó có là cách cư xử có văn hóa?
Những người chơi mạng xã hội thường chỉ nghe một chiều, nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm, mà vẫn tự cho mình quyền nhận định, phán xét. Nếu vụ việc xử lý không đúng ý mình, lập tức bực tức quy chụp theo các hướng tiêu cực, kiểu như: “Nhà kia nó lại mua công an rồi”, hoặc “lại đút tiền vào chỗ nọ, chỗ kia rồi”… mặc dù không có gì làm bằng chứng, chỉ là chủ quan phiến diện cá nhân “nghe hơi bắc nồi chõ”. Thói xấu này tiếc thay số người nắm giữ khư khư nó không hề ít.
Cá nhân người viết thấy nhà trường xử lý đúng. Họ báo công an giải quyết cho các em nữ sinh chỉ để đảm bảo an toàn. Trước chị phụ huynh nhảy chồm chồm lên với lời nói hành động thiếu kiểm soát, các giáo viên vẫn cư xử nhã nhặn, bình tĩnh.
Chị cho con học trường quốc tế, con chị được học ngoại ngữ, giao tiếp với người nước ngoài hàng ngày, tư duy làm việc độc lập, kiến thức không quá nặng. Còn nếu chị không còn tin tưởng vào đất nước muốn đi nước ngoài thì mời chị cứ ra đi.
Việt Nam cũng không cần những người cậy có tí chút kinh tế mà đòi hỏi hạch sách, không vừa ý thì lăn đùng ngả ngửa “cào mặt ăn vạ” chửi bới tất cả. Cái mà chị gọi là “cộng đồng mạng” ấy, họ “quay xe” nhanh lắm. Khi sự thật được làm rõ, chính họ sẽ là người quay lại “dìm” mẹ con chị không ngóc đầu lên được.
Hãy quay đầu là bờ khi sự việc còn chưa đến mức nghiêm trọng và hình sự hóa. Hãy để cho mọi người cùng có đường lùi, giữ lấy hòa khí. Chứ khẩu khí của chị còn sân si đến việc bị tự ái khi thấy cái túi bị nói là “hàng nhái, đồ Trung Quốc” thì nói thật “sinh sự ắt sự sinh”, hậu quả không tốt sẽ đến nhanh lắm.
Về phía ISHCMC-AA, trên fanpage được cho của trường này phát đi bức thư nói nhà trường rất buồn khi thông tin bị lan truyền, gây ra ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí còn có một số thông tin được đưa ra thiếu chính xác và không phản ánh đúng sự việc.
"Là một trường học quốc tế, chúng tôi có nghiệp vụ giải quyết những tình huống khó khăn giữa các học sinh, giúp các em không ngừng học và thấu hiểu, và nhà trường vẫn tiếp tục thực hiện điều này một cách riêng tư để bảo vệ các em học sinh bằng tất cả nguồn lực của chúng tôi".
Cuối bức thư kêu gọi những người lan truyền thông tin hãy dừng lại để bảo vệ các em học sinh.
Người viết cũng mong như thế. Mọi người hãy đợi kết luận từ cơ quan chức năng đừng lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng để bảo vệ các em. Mong những người trong cuộc hãy bình tĩnh để xử lý vụ việc “hợp tình, hợp lý”.
Có thể bạn quan tâm
Vụ bạo lực tại trường quốc tế: Muốn giáo dục con phải tôn trọng thầy!
11:20, 30/05/2022
Vụ bạo lực tại trường quốc tế: Lấy cái sai để xử lý cái sai thì còn gì là giáo dục?
05:10, 30/05/2022
Nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng, đa dạng, phức tạp
17:22, 16/04/2022
Bạo lực học đường ngày càng gia tăng, vì sao?
01:00, 01/04/2022
Những hành động được xem là hành vi bạo lực gia đình
12:27, 19/10/2021
Bạo lực sân cỏ: Lỗi tại ai?
06:30, 25/03/2021
Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Không ngăn chặn được các hành vi bạo lực, tội phạm
11:05, 21/10/2019
Khi nền tảng mạng xã hội “bất lực” trước các vụ bạo lực
07:10, 11/10/2019
“Vùng tối” của bạo lực gia đình
12:01, 28/06/2018