Tàu xa bờ và nước mắt ngư dân
Từ những ngư dân một thời là tỷ phú, bỗng chốc "đáo tụng đình" và giờ đây trắng tay sau 9 năm tham gia chương trình Nghị định 67/2014/NĐ-CP về hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá hiện đại.
>>Khốn cùng vì tàu vỏ thép
Nhiều tỷ phú ngư dân một thời khi đứng nhìn những con tàu vỏ thép nằm bờ đã lắc đầu thở dài ngao ngán. Dường như, với họ là những đêm trắng nhìn ra biển mù khơi với khát khao được tung hoành trên biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt trên những con tàu vỏ thép hiện đại đã không thành hiện thực!
Dồn hết số vốn tích cóp cả một đời đi biển trên con tàu gỗ của mình, ngư dân Trần Văn Liên, (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, QN) là một trong hàng trăm ngư dân ven biển miền Trung suốt nhiều năm nay "đáo tụng đình" và lâm vào cảnh nợ nần điêu đứng mà khi hỏi ra mới hiểu rằng số nợ ông đang mang có tên "67"., dù ông chưa một lần ra khơi trên con tàu vỏ thép mà ông khát khao.
Giờ đây con tàu vỏ thép mang số hiệu QNa 94679 TS do ông Liên đứng tên đang nằm ở góc khuất nơi cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng. Để đóng con tàu này, ông Liên đã phải bán con tàu gỗ và cầm cố nhà cửa làm vốn đối ứng để vay số tiền 7,6 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Quảng Nam.
Khi tàu QNa 94679 TS đóng xong hạ thủy chạy thử thì xảy ra sự cố hư hỏng máy nổ, cả 2 công ty đóng tàu và bán máy không giải quyết sự việc này, vì thế từ đó đến nay ông chưa một lần được nhận con tàu để vươn khơi như mình từng khao khát.
Đã hơn 7 năm trôi qua, ông phải "đáo tụng đình" để bảo vệ con tàu đầy nước mắt của mình. Tất cả tài sản cầm cố, lãi ngân hàng đến kỳ trả nợ. Nhưng con tàu vẫn là đống sắt nằm bờ, chưa một lần ra khơi vì tranh chấp khiếu kiện kéo dài. Cả gia đình ông rơi vào cảnh khốn khó vì không còn phương tiện để mưu sinh. Phần lớn thời gian ông phải "đáo tụng đình" kéo dài hơn nửa thập kỷ qua vẫn chưa có hồi kết.
Câu chuyện "tàu 67" của ông Liên là một trong hàng trăm ngư dân miền Trung đang lầm vào cảnh khốn cùng vì khao khát những con tàu vỏ thép vững chãi chịu sóng to gió lớn và không sợ những con "tàu lạ" ức hiếp nơi vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của tổ quốc.
Theo thống kê từ chường trình đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67, đến nay cả nước đã có 1.031 tàu đóng mới, 146 tàu nâng cấp với số tiền cho vay từ các ngân hàng lên đến 11.700 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2021, thống kê từ các ngân hàng cho vay theo chương trình, dư nợ là 9.520 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ nợ xấu lên tới 67%. Con số nợ xấu tương ứng với số Nghị định chương trình 67.
Những gương mặt thất thần của ngư dân miền Trung tham gia chương trình 67 giờ đây đã tắt những nụ cười, tắt những khát khao cháy bỏng được làm chủ những con tàu vỏ thép hiện đại. Thay vào đó là những âu lo của nước mắt nợ nần chồng chất, là những ngày hầu tòa kéo dài đến bất tận vì bị ngân hàng khởi kiện đòi nợ vay.
Những con tàu vỏ thép nằm bờ rỉ rét, những ngư dân tỷ phú một thời lầm vào cảnh nợ nần điêu đứng vì không còn phương tiện mưu sinh, nợ ngập đầu. Rồi đại dịch COVID-19 chà qua xát lại, rồi giá nhiên liệu tăng cao, ngư trường cạn kiệt và lệnh cấm đánh bắt vô lý của người anh em hàng xóm Trung Quốc… khiến những con tàu vỏ thép còn hoạt động lại phải nằm bờ.
>>Nợ xấu "kéo chìm"... tàu 67
>>Khánh Hòa: Hàng loạt chủ “tàu 67” bị khởi kiện
>>Lời giải nào cho tàu 67?
Nợ chồng nợ và những tiếng thở dài, nước mắt ngư dân rơi trên bờ, rơi tại những phiên tòa và những đêm trắng thao thức của ngư dân miền Trung như kéo dài bất tận.
Món nợ của chúng ta đang hàm ơn những ngư dân can trường một thời bám biển như những cột mốc sống chủ quyền trên biển Hoàng Sa, Trường Sa đã chịu quá nhiều mất mát đau thương có cách nào trả cho họ. Để nước mắt ngư dân không còn phải rơi mà hiên ngang đĩnh đạc, can trường ngày đêm canh giữ và khẳng định chủ quyền trên vùng biển của tổ quốc, để những kẻ ngoại bang lăm le xâm chiếm biển đảo tổ quốc không còn cơ hội.
Một điều có thể minh định rằng Nghị định 67 là một chủ trương đúng của Đảng và nhà nước và vô cùng cần thiết, mang tính nhân văn cao cả khi vùng biển của tổ quốc đã bị xâm phạm một cách trắng trợ bởi tàu tuần tra của Trung Quốc ngăn chặn, đánh đập, rượt đuổi tàu ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa của tổ quốc là vô cùng cần thiết và cấp bách.
Nước mắt ngư dân chương trình 67 đã chỉ ra bài học là làm thế nào một chủ trương đúng, một chương trình hay của Đảng và nhà nước đã phải trả một cái giá chát đắng ngay trên bờ. Đó là chương trình 67 thiếu một lộ trình và hoạch định bài bản, thiếu sự tính toán đầu tư hiện đại nghề cá, phát triển kinh tế biển như nhiều Nghị quyết đã đề ra một cách khoa học và mang tầm chiến lược của Quốc gia.
Số “nợ xấu” của những ngư dân tiên phong tham gia chương trình đóng tàu vỏ thép vươn khơi xa giờ đây đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Tài sản của nhiều ngư dân đã bị kê biên vì không thể trả nợ ngân hàng. Nước mắt xa bờ nơi những làng chài khó nghèo ven biển miền Trung vẫn chưa hết tuôn rơi….
Đã đến lúc, chính phủ cũng như chính quyền các cấp cần một chủ trương cùng những quyết sách mạnh mẽ kịp thời, hài hòa, hợp lý, dù là muộn để giúp những ngư dân can trường dũng mãnh trên những con tàu thép chương trình 67 rẻ sóng ra khơi khai thác tiềm năng kinh tế biển và khẳng định chủ quyền trên vùng biển của Tổ quốc Hoàng Sa, Trường Sa.
Có thể bạn quan tâm