“Lửa” đã “cháy” đến Bộ Giáo dục: Gian lận thi cử và "cái giá" phải trả

Bài: SÔNG HÀN - Ảnh: QUỐC TUẤN 16/06/2022 07:04

Bất cứ sự gian lận, dối trá nào cũng phải trả giá, gian lận trong thi cử cũng không ngoại lệ.

>>Nghi vấn lộ đề thi môn Sinh: Thừa nhận bất thường rồi sao nữa?

Ngành giáo dục luôn được toàn xã hội quan tâm, bởi tác động đến đông đảo học sinh, phụ huynh. Cũng bởi vậy, khi xảy ra sai phạm, tiêu cực, dù ở phạm vi nhỏ cũng tác động lớn đến tâm lý xã hội.

Đối với thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi này ảnh hưởng đến hàng triệu thí sinh trên cả nước. Nếu quá trình ra đề thi có vấn đề sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh. Đặc biệt, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT còn được sử dụng làm kết quả xét tuyển đại học. Một em đỗ “oan” thì cũng có em “trượt oan". Như vậy, cơ hội của những học sinh học thật, thi thật đôi khi lại bị đánh mất vì những gian lận nào đó.

Còn nhớ, ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội đã phản ánh những bất thường của đề thi môn Sinh học và chỉ ra rằng, bài tổng ôn môn Sinh của thầy Phan Khắc Nghệ, Phó Hiệu trưởng THPT chuyên Hà Tĩnh ôn cho học sinh trước ngày thi giống đến 90% đề thi chính thức.

Nội dung ôn tập của thầy Nghệ và đề thi tốt nghiệp THPT Sinh học 2021 giống nhau đến 90%.

Tuy nhiên, việc xử lý khi có phản ánh lộ đề thi Sinh học còn kéo dài khiến dư luận bức xúc. Nhất là khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đang cận kề, nhưng sai phạm từ kỳ thi trước vẫn chưa được làm rõ. Sự chậm trễ này khiến phụ huynh, học sinh và cử tri cả nước mất niềm tin. Trong sự việc này, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT còn chậm trễ trong xử lý

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên một kỳ thi cấp Quốc gia có dấu hiệu gian lận, trước đó, vụ gian lận thi cử năm 2018 đã khiến hàng loạt cán bộ ngành Giáo dục phải đứng trước “vành móng ngựa”,  đương nhiên những thí sinh được nâng khống điểm này đã bị hủy kết quả thi.

Cũng trong thi cử, dư luận cũng không quên chuyện gian lận trong thi tuyển các vị trí quản lý kinh tế xảy ra ở Bộ Công thương. Hoặc câu chuyện 40 học viên các sở, ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa từng thi đầu vào cao học ngành quản lý kinh tế của một trường Đại học ở Hà Nội phải nộp tiền “chống trượt”, với cái giá 27 triệu đồng/ người…v..v.

>>“Lửa” đã “cháy” đến Bộ Giáo dục?

ffThí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Quốc Tuấn

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Quốc Tuấn

Nhiều sai phạm, sai lầm cứ lặp đi lặp lại làm ta nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn Tăng Sâm giết người, nhớ đến câu triết lý của một kẻ độc tài từ thế kỷ trước về cái sự dối trá: “Cứ nói dối, nói dối, nói dối mãi thì thiên hạ sẽ tin”. Nhưng thời cuộc ta đang sống là của thế kỷ 21, của thế giới phẳng. Và những giá trị văn minh văn hóa, đương nhiên không thể chấp nhận sự dối trá, sự gian dối.

Vì thế, ắt hẳn dư luận phần nào thở phào khi ngày 10/6 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ GD-ĐT. Đồng thời cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị My (SN 1963) và ông Bùi Văn Sâm (SN 1949), đều là cựu giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Được biết, bà Phạm Thị My là tổ trưởng tổ ra đề, còn ông Bùi Văn Sâm là thành viên tổ thẩm định đề môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Một câu hỏi cần đặt ra: Vì sao những chuyện đáng xấu hổ bây giờ không còn là của hiếm? Vì sao, ở thời cuộc này, cái xấu, cái gian dối nhan nhản, đảo lộn các quan niệm giá trị đến mức, người ta ngụy biện, triết lý và làm những việc xấu mà vẫn cảm thấy bình thường.

Đến mức, một việc đàng hoàng, tử tế của nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự chỉ đạo cho cán bộ, công chức Hội An- không được phép nhận phong bì của doanh nghiệp, hạn chế sự nhũng nhiễu người dân, thì người ta xôn xao bình phẩm bởi nó trở thành… bất thường.

Từ những sai phạm, dối trá trong thi cử thời gian qua, nó phần nào phản chiếu sự rối loạn các giá trị trong xã hội. Khiến con người yếu đuối về nhận thức và nhân cách thường vịn vào sự rối loạn đó, ngụy biện cho cái sai, cái dở của mình, bộc lộ tham sân si. Còn cái nền tảng đạo đức xã hội thời kinh tế thị trường vốn mỏng manh, lại sẵn sàng dung dưỡng, che đỡ cho cái rối loạn tư cách đó.

Song song, các căn bệnh gian dối của các địa phương, các ngành, các bộ, các lĩnh vực, nhất là ở lĩnh vực giáo dục, đã phản chiếu sâu sắc tâm lý háo danh, háo thành tích… đến độ gây tổn thương cho cả xã hội. Nó nguy hiểm không kém quốc nạn tham thũng, bởi nó do cả tập thể đồng tình, nhất trí, nhân danh những điều tốt đẹp. 

Có lẽ vì thế mà trong 2 ngày (14, 15/6), tại tỉnh Bình Định, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra của 32 Sở GD-ĐT, 68 cơ sở giáo dục đại học khu vực phía Nam. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: “Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT tuyệt đối không được chủ quan, cẩn thận bao nhiêu cũng không đủ, chỉ một sơ suất nhỏ hệ lụy sẽ là rất lớn”.

Có thể nói, giáo dục là một lĩnh vực rất “nóng” khi hầu hết mỗi gia đình đều có con em đi học và giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu. Cũng bởi vậy kỳ vọng của xã hội với ngành giáo dục “thanh khiết, vô nhiễm với tiêu cực” là rất lớn.

Nói như Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: “Chúng ta đang hướng đến sự minh bạch trong giáo dục, nhưng nếu có sự sai phạm, không minh bạch sẽ khiến dư luận rất bức xúc. Khi phát hiện có đơn thư phản ánh bất thường, đương nhiên cần phải xem xét cẩn trọng, song cũng cần xử lý nhanh chóng”.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghi vấn lộ đề thi môn Sinh: Thừa nhận bất thường rồi sao nữa?

    11:00, 26/12/2021

  • Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Dấu hỏi khâu biên soạn, thẩm định sách giáo khoa

    04:00, 16/06/2022

  • Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: “Góc khuất” giá sách giáo khoa

    04:00, 15/06/2022

  • Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Bán sách giáo khoa “bia kèm lạc”

    04:00, 14/06/2022

  • “Lửa” đã “cháy” đến Bộ Giáo dục?

    04:30, 13/06/2022

  • Ngăn chặn bạo lực học đường: Nền tảng giáo dục mới là giải pháp

    00:06, 06/06/2022

Bài: SÔNG HÀN - Ảnh: QUỐC TUẤN