Tính triết học của báo chí

Trương Khắc Trà 22/06/2022 11:07

Bác Hồ và tất cả những ngòi bút cách mạng đều xem báo chí là “vũ khí lý luận” sắc bén, có thể xoay vần thời cuộc.

 Cố nhiên, để phát huy hết sức mạnh của con chữ - tác phẩm báo chí không chỉ là tập hợp sự kiện và con số theo công thức kinh điển “5W và 1H”.

Một tác phẩm báo chí hay, có sức sống, mang tính chiến đấu, khả năng ứng dụng,… hội tụ rất nhiều yếu tố, trong đó khung sườn cao nhất là sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn - cho dù thể hiện dưới bất kỳ bút pháp nào. Công cụ triết học có thể giúp “tác giả” sử dụng thực tiễn và lý luận một cách song song để đạt được hiệu ứng cao nhất.

Nếu lý luận không rút ra từ thực tiễn, sinh ra căn bệnh “duy ý chí”, điều tối kỵ nhất là “nhìn gà hóa cuốc”. Thi thoảng vẫn thấy những sự vụ do báo chí vẽ ra bức tranh sai lệch thực tế, luôn để lại những hậu quả khó giải quyết.

Thực tiễn không có lý luận soi đường là thực tiễn mù quáng, mò mẫm, hoang mang trên sự kiện, con số quá ư phong phú và đa dạng. Dẫn đến một tác phẩm rời rạc, chỉ để cho người đọc “biết” hiện tượng mà không giúp họ tiệm cận với bản chất.

Nhìn về những tiêu cực mới đây của ngành Y, không chỉ là chuyện cái kit test và “hoa hồng” khủng. Báo chí cách mạng không nên dừng lại ngang mức mô tả sự việc. Hãy tìm cách giải quyết sự việc.

Báo chí cố gắng tìm ra nguyên nhân sau chót, trả lời câu hỏi: Tham nhũng tiêu cực do đạo đức hay cơ chế? Làm sao ngăn chặn? Bởi vì sự kiện này không hề đơn lẻ, mà nó đại diện tiêu biểu một vấn nạn, cùng chung mẫu số.

Tính lý luận cách mạng của báo chí về sự việc này thể hiện ở chỗ: Không phải “dậu đổ bìm leo” mà là tư vấn, tham mưu cách thức bít lổ hổng quyền lực và kiểm soát quyền lực. Tổng kết thực tiễn, rút ra bài học lý luận giúp ngăn chặn lây lan tiêu cực, tham nhũng.

Ở góc độ triết học, tính “lý luận” của báo chí đòi hỏi sự cô đọng, chắt lọc của người viết, mang tính khái quát, có hệ thống, logic; phản ánh bản chất của sự vật hiện tượng. Phản ánh được mối liên hệ bản chất, tất nhiên, mang tính quy luật.

Tóm lại, thực tiễn và lý luận luôn thống nhất biện chứng với nhau, đòi hỏi có nhau, nương tựa vào nhau, tác động qua lại với nhau. Nếu không có thực tiễn thì không thể có lý luận và ngược lại, không có lý luận khoa học thì cũng không thể có thực tiễn chân chính. Như nhà báo vĩ đại Nguyễn Ái Quốc đúc kết: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”.

Karl Marx nói: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bởi lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng trở thành lực lượng vật chất khi nó thâm nhập vào quần chúng”.

Chính vì vậy, tính triết học của báo chí, hay báo chí dựa vào triết học có chức năng giúp người viết kiểm soát ngòi bút, không “ngộ sát” sự vật hiện tượng.

Trương Khắc Trà