“Cái lưỡi nhọn”

Hà Linh Quân 28/06/2022 12:00

Người ta thường nói ngòi bút sắc hơn gươm đao, nhưng lời nói còn sắc hơn ngòi bút. Tất nhiên, phải biết cách “mài” thì bạn mới có được một cái lưỡi “nhọn” như vậy!

>>Kinh tế báo chí sẽ "nở rộ"?

 Ông Hải đồ cổ có biệt tài hâm nóng mọi cuộc trò chuyện với mọi đối tượng.

Ông Hải đồ cổ có biệt tài hâm nóng mọi cuộc trò chuyện với mọi đối tượng.

Gần 40 năm làm báo, tôi gặp nhiều người thành đạt. Đa phần họ rất hoạt ngôn. Ông Hải “đồ cổ” lừng lẫy một thời chẳng hạn. Ai mà gặp ông Hải một lần hẳn sẽ khó quên. Ông Hải có biệt tài hâm nóng mọi cuộc trò chuyện với mọi đối tượng. Tôi đã chứng kiến có vị chủ nợ lúc đến đằng đằng “sát khí”, lúc về ôm hôn vui vẻ sau khi ngồi hầu chuyện ông Hải cả nửa ngày trời!

Bất cứ thông tin nào về sự kiện diễn ra hôm nay: Hỏa hoạn, lũ lụt, sụp đổ thị trường chứng khoán, tai nạn máy bay… cũng được ông nói thao thao bất tuyệt! Ngay người trong cuộc, hiểu biết cũng bị hấp dẫn, bởi sức cuốn hút của ông Hải không nằm tất cả trong điều ông nói, còn một yếu tố quan trọng là cách ông nói- Một giọng nói đầy cảm xúc khi diễn đạt cả những điều bình thường.

Đặc biệt, ông Hải rất thích đọc sách báo và thường trích dẫn câu nói của Tư Mã Thiên: “Một ngày mà không đọc sách, nói chuyện khó nghe!”

Hay như ông Đinh văn Khai, nguyên Cục trưởng Cục Đăng Kiểm Việt Nam, đã mất. Ông là người có rất nhiều ý tưởng và thường xuyên phải thuyết phục mọi người. Sự nghiệp của ông thành công có phần ở tài hiểu ra rất nhanh tâm trạng của người nói chuyện chỉ qua giọng điệu, để rồi có thể đồng điệu, nói theo ngữ điệu của họ để họ dễ dàng hiểu được suy nghĩ của ông.

 Hài hước sẽ làm cho bất cứ cuộc nói chuyện nào trở nên hấp dẫn.

Hài hước sẽ làm cho bất cứ cuộc nói chuyện nào trở nên hấp dẫn.

Nhiều người trong giới kinh doanh cho rằng 85% thành công của họ nằm trong kỹ năng giao tiếp. Chỉ một câu nói hớ hênh, một nhận xét thiếu nhạy cảm, bạn sẽ bị đánh giá đẳng cấp “lùn” và không chuyên nghiệp.

>>Báo chí truyền “động lực” và sức mạnh cho doanh nghiệp hàng không

>>Doanh nhân, báo chí và những giá trị vô hình

>>Báo chí thúc đẩy khớp lệnh cung cầu

Có lần, tại một hội nghị xúc tiến đầu tư, tôi được nghe các đại gia nói chuyện phiếm ngoài hành lang lúc giải lao: “Y học đã thống kê rồi: Bệnh nhân tâm thần nói từ “tôi” nhiều gấp 12 lần người bình thường!” Câu nói đó hay khiến tôi lưu tâm và dần dần phát hiện ra: Những người thành đạt nói chuyện, họ dùng nhiều từ “ông, bà, anh, chị” hơn đại từ “tôi”! Càng giàu, họ càng khiêm tốn.

Ông Nguyễn Gia Thảo, đại gia đầu tiên trong làng da giày Việt Nam thường nói: “Cảm ơn anh đã chờ đợi!”, “Cảm ơn, chị đã hiểu tôi!”, bởi biết sẽ được phản ứng tích cực hơn là một câu: “Cảm ơn!” cộc lốc!

Trong lúc thân tình, chị M- một đại gia bất động sản Hải Phòng- chê một đồng nghiệp của tôi là kẻ đáng chán, tầm thường bởi vì bạn đó sử dụng những lời tán dương sáo rỗng đã được nhai đi nhai lại như một miếng kẹo cao su với chị, nó chứng tỏ một tâm hồn nghèo nàn.

Tôi biết dù không có bằng tiến sĩ, nhưng chị có vốn từ vựng phong phú để giao tiếp thật linh hoạt và thông minh, kể cả là đi lượm lặt, tích trữ những lời dí dỏm để sử dụng trong rất nhiều tình huống khác nhau. Chị thích hài hước và biết hài hước. Chị nói với tôi: “Hài hước sẽ làm cho bất cứ cuộc nói chuyện nào trở nên hấp dẫn, miễn nó đúng lúc và phù hợp với hoàn cảnh”.

Không phải ai cũng làm được điều đó như chị. Một thói xấu thành muôn thuở của người tầm thường là thích châm chọc, cười cợt khiếm khuyết kẻ khác, và tưởng như thế là hài hước. Thực ra, những câu nói đùa vô duyên kiểu ấy có thể làm đổ vỡ một hợp đồng làm ăn đã được dầy công chăm chút. Trong khi người giỏi giao tiếp biết đồng cảm và sẻ chia ngay cả lúc phải thông báo tin xấu cho một ai đó, chẳng hạn, như một bác sĩ khuyên bệnh nhân mổ cấp cứu với lòng trắc ẩn.

Một người nói chuyện tinh tế thậm chí có thể tránh được cái bẫy ngôn ngữ hết sức nhạy cảm. Khi mới gặp nhau, nhiều người thường hỏi: “Bạn làm nghề gì?” Thế nhưng, những người thành đạt rất ít khi hỏi như thế (Họ sẽ khéo hơn: “Phần lớn thời gian bạn dùng làm gì?”) vì cho rằng câu hỏi ấy thiếu tế nhị.

Tôi biết không ít phụ nữ giỏi giang, thành đạt nhưng lại lựa chọn cuộc sống gia đình. Họ sẽ mặc cảm khi phải trả lời: “Tôi là một bà nội trợ!”. Hãy để người ta tin rằng bạn muốn làm quen với họ vì chính con người của họ, không phải vì một lý do vớ vẩn như là nghề nghiệp của họ.

Trong chuyện ngụ ngôn Aesop, cái lưỡi là món ngon nhất và cũng là món dở nhất. Chắc chắn một cái lưỡi “nhọn” là thứ mà ai cũng thích!

Có thể bạn quan tâm

  • Tính triết học của báo chí

    11:07, 22/06/2022

  • Kinh tế báo chí sẽ "nở rộ"?

    12:00, 21/06/2022

  • Báo chí truyền “động lực” và sức mạnh cho doanh nghiệp hàng không

    11:00, 21/06/2022

  • Báo chí - cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước

    08:41, 21/06/2022

  • Báo chí đồng hành xây dựng thị trường bất động sản bền vững

    08:30, 21/06/2022

  • Doanh nhân, báo chí và những giá trị vô hình

    08:05, 21/06/2022

  • Báo chí thúc đẩy khớp lệnh cung cầu

    08:05, 21/06/2022

  • Báo chí trong công cuộc giữ gìn chủ quyền biển đảo

    05:05, 21/06/2022

  • Báo chí sẽ kiếm tiền từ đâu và kiếm tiền như thế nào?

    05:00, 21/06/2022

Hà Linh Quân