Giáo dục Việt Nam - Nước mắt giờ chảy xuôi hay ngược?
Giáo dục phải bắt đầu từ những điều gần gũi, bắt đầu từ trong nhà mới ra ngoài ngõ.
>>“Lửa” đã “cháy” đến Bộ Giáo dục?
Gần bốn mươi năm từ công cuộc đổi mới, nền kinh tế Việt Nam có sự thay đổi vượt bậc. Những thế hệ 6X, 7X hay xuýt xoa kể lại với con trẻ về một thời xa vắng, với chuyện như cổ tích: nào sổ gạo, xếp hàng, phân phối; nào túi quà Tết, nồi cơm độn mạch, bo bo… với các câu ca hài hước mà chát đắng.
“Ai sinh ra cái củ mì
Hỏi: Để làm gì. Đáp: Để mà ăn
Nước nhà cứ mãi khó khăn
Dân mình tiếp tục phải ăn củ mì”.
Thiếu ăn đến nỗi “ăn như tu”. Thiếu mặc đến mức “Bắt cởi trần phải cởi trần. Cho may ô mới được phần may ô”.
Cũng phải thôi khi Việt Nam phải đi qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc, trường kỳ, đi lên từ đống đổ nát của chiến tranh. Hai đầu đất nước vẫn gồng gánh hai cuộc chiến: Phía Tây Nam diệt bè lũ diệt chủng Pôn pốt, phía Bắc chống sự bành trướng của chính quyền Bắc Kinh.
Người anh cả Liên Xô lúc ấy bên bờ vực sụp đổ không còn là chỗ dựa. Bên ngoài các lệnh cấm vận, bao vây dã man của các thế lực thù địch từ Mỹ, chư hầu, không thể mở rộng giao thương.
Đó là một giai đoạn cực kỳ khó khăn, thiếu thốn về đời sống kinh tế, vật chất. Lạ thay trong hoàn cảnh ấy tình cảm con người được gắn kết, sự chia sẻ, cảm thông giữa các thế hệ rất chặt chẽ, giáo dục con em rất tốt, sống rất trách nhiệm, chịu khó, người dân mình rất chia sẻ, nhường nhịn nhau.
Bữa ăn đạm bạc mà bố vẫn ăn bằng bát sứ trắng, có thức ăn lại nhường hết cho con. Bố mẹ, ông bà luôn dạy con về sự tự trọng “giấy rách phải giữ lấy lề”, “đói cho sạch, rách cho thơm”, không làm điều xấu, trái với lương tâm đạo đức. Anh chị em trong gia đình sống với nhau như thể “Anh em như thể tay chân. Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”.
Ngày ấy, người viết vẫn còn nhớ khi các anh chị của mình bắt cá tôm, kiếm thức ăn cải thiện, được con nào to đầu tiên là reo lên, nhận để phần cho đứa em út còi cọc trong nhà. Chuyện ấy giờ kể lại mà sao thấy vui, xúc động, miệng cười mà sống mũi cứ cay cay. Dù trưởng thành đến mấy thì người viết vẫn là đứa em bé bỏng, dại dột, còi cọc trong mắt các anh, các chị của mình.
Có bài phát biểu của thầy Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng trường Đại Học Sư phạm Hà Nội đọc trong “Lễ Bế Giảng và Trao bằng cử nhân năm 2022” đang được chia sẻ rất rộng rãi với lời tâm sự chân tình, ấn tượng:
“Giáo dục phải bắt đầu từ những điều gần gũi, bắt đầu từ trong nhà mới ra ngoài ngõ. Phải bắt đầu để mỗi trẻ biết thương cha, thương mẹ, biết cảm thông với nỗi nhọc nhằn, biết bưng bát cơm là chắt chiu từng hạt, biết hỏi han khi mẹ cha trái gió, trở trời… Cái cao cả của nền giáo dục không phải chỉ tạo ra các chuyên gia thật giỏi giang, mà thành công trước tiên là tạo ra những con người ứng xử văn minh và có tấm lòng độ lượng”.
Tôi thấy lại lời dạy của cha mình trong bài viết của thầy, những câu rất vần vè, dễ nhớ. Ngày còn bé chưa hiểu hết nhưng do “mưa dầm thấm lâu”, cứ học thuộc, nhắc đi nhắc lại sẽ thấm, ngấm vào suy nghĩ, thành ý thức điều chỉnh hành vi. Cha tôi luôn dạy về lòng yêu thương con người, quy luật cuộc sống rất giản dị bằng những câu như: “Ơn ai một chút chớ quên. Oán ai một chút cất bên dạ này”. “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu một chút đã là thừa”. “Sông có khúc, người có lúc”...
Chắc chắn thầy hiệu trưởng cũng là người tình cảm như thế. Ông muốn truyền đạt, gửi gắm tới các bạn sắp ra trường, đứng trên bục giảng, nối tiếp sứ mệnh vẻ vang của giáo dục “vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” như lời Bác Hồ đã căn dặn.
Xã hội hiện đại, kinh tế phát triển, khái niệm “ăn no, mặc ấm” chợt thành chuyện cổ tích. Lời dạy bảo của ông bà, cha mẹ đôi khi lại gây khó chịu cho thế hệ trẻ khi sinh ra, lớn lên trong sự đủ đầy, thành cảm giác “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Biết thế nhưng phải nói, phải nhắc để thế hệ kế tiếp sẽ là dòng nước mắt chảy xuôi.
Ai cũng biết “có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ”, cuộc sống như nước giọt gianh, giọt trước rơi đâu, giọt sau rơi đấy. Nếu hiện tại chúng ta không biết “kính già, yêu trẻ” làm gương thì tương lai sẽ chúng ta sẽ nhận lại sự thờ ơ lạnh nhạt, vô trách nhiệm, thậm chí là bất hiếu từ chính đứa con mà chúng ta đang hàng ngày hy sinh tất cả để dành thứ tốt đẹp nhất có thể cho chúng.
Chúng ta coi những đứa con là cả thế giới, trong khi chúng có thói quen mới chìm đắm vào thiết bị di động, ích kỷ, ngại giao tiếp, quen hưởng thụ. Hãy nhớ, lòng hiếu kính, yêu thương, chia sẻ là phần quan trọng để hình thành nên con người, sẽ mãi mãi xanh tươi chứ không hề cổ hủ, lạc hậu trong bất cứ xã hội nào. Và việc đào tạo ra người thiện lương có ích cần hơn là đào tạo ra nhân tài mà tâm địa độc ác, thủ đoạn tàn bạo thì tác hại khôn lường.
Hy vọng ngành giáo dục sớm vượt qua khó khăn, bất cập phát sinh trong đời sống, có chương trình cụ thể để đào tạo ra thế hệ có đủ “chân, thiện, mỹ” có ích cho xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Cần giải quyết tận gốc vấn đề sách giáo khoa
04:00, 19/06/2022
Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Lãng phí sách giáo khoa
04:00, 18/06/2022
Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Bất cập việc lựa chọn sách giáo khoa
04:00, 17/06/2022
“Lửa” đã “cháy” đến Bộ Giáo dục: Gian lận thi cử và "cái giá" phải trả
07:04, 16/06/2022
Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Dấu hỏi khâu biên soạn, thẩm định sách giáo khoa
04:00, 16/06/2022
Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: “Góc khuất” giá sách giáo khoa
04:00, 15/06/2022
Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Bán sách giáo khoa “bia kèm lạc”
04:00, 14/06/2022
“Lửa” đã “cháy” đến Bộ Giáo dục?
04:30, 13/06/2022
Những “ung nhọt” của ngành giáo dục
04:00, 13/06/2022
Ngăn chặn bạo lực học đường: Nền tảng giáo dục mới là giải pháp
00:06, 06/06/2022
Vì sao nhiều hoạt động của NXB Giáo dục Việt Nam bị thanh tra?
00:06, 31/05/2022
Vụ bạo lực tại trường quốc tế: Muốn giáo dục con phải tôn trọng thầy!
11:20, 30/05/2022
Vụ bạo lực tại trường quốc tế: Lấy cái sai để xử lý cái sai thì còn gì là giáo dục?
05:10, 30/05/2022