Trả lại không gian biển cho dân

THIÊN ÂN 14/07/2022 02:03

Việc giải tỏa các công trình ven biển để làm công viên sinh thái hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho người dân cũng như du lịch địa phương.

Trong thời gian dài nước ta phát triển đô thị ven biển, trong đó có khu vực ven biển gần như tự phát, thiếu quy hoạch, kế hoạch có tầm nhìn xa. Vì lẽ đó, những năm gần đây, khi trình độ dân trí cũng như tầm nhìn của những lãnh đạo địa phương và các cơ quan ban, ngành được nâng lên thì vấn đề trả lại không gian biển cho cộng đồng được đặt ra, nỗ lực thực hiện.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định vừa cho biết chủ trương và thông tin di dời 3 khách sạn ven biển để trả lại không gian bãi biển cho dân đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Ba khách sạn án ngữ bờ biển Quy Nhơn sẽ được di dời để trả lại cảnh quan

Ba khách sạn án ngữ bờ biển Quy Nhơn sẽ được di dời để trả lại cảnh quan.

Cụ thể, các khách sạn bị di dời gồm Hoàng Yến, Hải Âu và Bình Dương, đều nằm ở vị trí đắc địa phía đông đường An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn. Hiện, 1 khách sạn trong số này đã hoàn tất các thủ tục di dời. 2 khách sạn còn lại sẽ thực hiện theo lộ trình, trong đó 1 công trình sẽ phải di dời vào cuối năm 2024. Tinh thần của tỉnh là không gia hạn trong việc di dời.

Thật ra, tình trạng manh mún trong tổ chức không gian và sử dụng bãi cát biển chưa thực sự hiệu quả không chỉ diễn ra ở địa phương này, mà cũng diễn ra tương tự ở một số địa phương ven biển khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận...

Nếu như Đà Nẵng có dải bờ biển từ bắc kéo qua phía đông hơn 20km là bãi biển đẹp. Nhưng hiện các dự án resort, bất động sản ken dày, nối nhau san sát đã cắt nhỏ, bịt hết lối đi xuống biển khiến người dân ngày càng “xa” biển.

Thì tỉnh Khánh Hòa với Nha Trang là TP biển, điểm du lịch nổi tiếng cũng trong tình trạng tương tự khi cả thời gian dài người dân cảm thấy ngột ngạt, khi có nhiều dự án được cấp phép dọc bãi biển. Trong đó, công trình lớn nhất phía đông đường ven biển Trần Phú đã được “điểm tên” nhiều năm nay. Khu nghỉ dưỡng này đã chính thức dừng hoạt động lưu trú tù 30/6 vừa qua, đồng thời tháo dỡ, di dời và trả lại mặt bằng gần 400m bờ biển sau 25 năm án ngự tại đây.

Nhìn rộng ra, ở nhiều nước châu Á thường xây khu resort ở nơi yên tĩnh, không gần khu vực đô thị sầm uất như thường thấy ở Việt Nam. Bãi biển ở trung tâm thành phố không ai chiếm dụng riêng mà họ để người dân, du khách tự do tiếp cận chứ không làm sát bãi biển.

Chẳng hạn, Phuket, Pattaza (Thái Lan), Penang (Malaysia) người ta xây khách sạn, resort ra xa trung tâm thành phố còn khu vực ven biển trung tâm để phục vụ người dân, du khách. 

Theo các chuyên gia kiến trúc quy hoạch, do thiếu quy hoạch ngay từ đầu nên Bình Định nói riêng và một số tình thành ven biển khác nói chung đã để các tòa nhà cao tầng quá sát nhau, giờ giống như sự đã rồi, rất khó điều chỉnh. Tức là, dù bãi biển là của chung nhưng thực chất chỉ phục vụ cho việc kinh doanh của các khách sạn, resort tiếp giáp mặt biển. 

Vậy nên, có một vấn đề đặt ra ở đây đó là: Cần phải xem xét một cách nghiêm túc lại các dự án phát triển du lịch, địa phương và nhân dân có được hưởng lợi không? Đồng thời, nhìn nhận lại câu chuyện về quyền của người dân với các bãi cát bãi tắm ven biển bấy lâu nay đã được quan tâm đứng mực chưa?

Thực tế, việc giải tỏa các công trình ven biển để làm công viên sinh thái hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho du lịch địa phương. Điều này vừa giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, vừa tạo cảnh quan ven biển xanh, sạch, đẹp, phục vụ tốt hơn nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân địa phương lẫn du khách.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo của tỉnh Bình Định cho biết, quan điểm của tỉnh là không ưu tiên phát triển nhà cao tầng dọc bờ biển. Toàn bộ không gian biển của vịnh Quy Nhơn là để làm công viên, trồng cây xanh phục vụ nhân dân.

“Toàn bộ không gian biển của vịnh Quy Nhơn là để cho dân được hưởng lợi, không giao cho bất cứ nhà đầu tư nào, để bất kỳ ai xuống biển cũng được hết. Tuy nhiên, việc di dời, giải tỏa các khách sạn ven biển cần phải có lộ trình phù hợp, đúng quy định chứ không thể sáng nói, chiều dời làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn”, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, nói

Có thể nói, việc khai thác không gian ven biển thuộc vấn đề kinh tế của đất nước. Việc xây dựng phát triển các khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển là điều tất yếu, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và tạo dựng cảnh quan đô thị.

Dọc bờ biển nước ta, đặc biệt là khu vực ven biển miền Trung, chỗ nào đẹp nhất đều đã được khai thác, không để làm khu du lịch thì làm đô thị, không làm đô thị thì làm khu kinh tế, điều đó mang lại sự tăng trưởng và phát triển kinh tế cho các địa phương.

Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải tổ chức lại công tác quy hoạch, công tác tổ chức quản lý... Vì người dân cần được tiếp cận bãi tắm dễ dàng, miễn phí, chỉ phải trả tiền khi dùng dịch vụ. Đó là chưa bàn đến chuyện phải thận trọng khi đối xử với thiên nhiên chứ không đùa với nó được.

Điều này cũng có nghĩa, với các bãi cát ven biển, cần đảm bảo những bãi tắm ven biển là không gian dùng chung không những tạo cơ hội cho người dân mà còn giúp nhiều khách du lịch sử dụng bãi biển và du lịch biển phát triển tốt hơn, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế của địa phương và cả nước.

Theo đó, một khi chính quyền sở tại quyết tâm làm lại quy hoạch thì phải tính toán đến việc các phương tiện tiếp cận (tiếp cận bằng đường bộ, bằng giao thông công cộng) luôn sẵn có và được đảm bảo tối đa khả năng tiếp cận. Khu vực bãi cát bãi tắm phải đầy đủ tiện ích công cộng, có thể phát triển thêm các dịch vụ du lịch biển chất lượng cao như tổ chức các dịch vụ du lịch trên biển; các dịch vụ giải trí thể thao; tổ chức các sự kiện du lịch, thể thao biển...

Mừng cho tinh thần quyết tâm trả lại không gian biển cho cộng đồng, cho thành phố của chính quyền Bình Định. Hy vọng tinh thần đó sẽ được thực thi một cách nghiêm túc, mang tính kế tiếp liên tục, chức không phải chỉ tồn tại ở “tư duy nhiệm kỳ”.

Có thể bạn quan tâm

  • Trả lại không gian biển cho dân: Muộn còn hơn không

    03:10, 12/07/2022

THIÊN ÂN