“Nền tảng” quan trọng hoàn thiện chính sách đất đai

TS. LÊ ĐĂNG DOANH - Chuyên gia kinh tế 24/07/2022 00:25

Nghị quyết 18-NQ/TW là căn cứ quan trọng để sửa Luật Đất đai và hoàn thiện thể chế, góp phần ổn định thị trường và minh bạch nghĩa vụ tài chính của các bên.

>>Nhà nước quản lý đất đai như thế nào?

LTS: Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương 5 khóa XIII vừa qua đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai.

Một trong những nội dung nổi bật của Nghị quyết là yêu cầu quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang. Bởi theo đánh giá, các trường hợp đầu cơ, găm đất không làm phát sinh giá trị kinh tế xã hội, do đó đánh thuế cao sẽ khiến người đang ôm đất phải từ bỏ. Từ đó, giá đất tăng cao có thể thấp xuống.

Có nhiều nhà phân tích trong và ngoài nước cho rằng, ở Việt Nam, nhiều người giàu lên nhờ tích tụ đất đai chứ không phải vì khoa học công nghệ hay sản xuất kinh doanh. Vì thế, biện pháp đánh thuế lũy tiến vào những người có nhiều nhà, nhiều đất là một biện pháp để kiểm soát và hạn chế tình trạng đầu cơ đất đang diễn ra rất phổ biến hiện nay. Biện pháp này cũng được nhiều nước trên thế giới áp dụng, mang lại kết quả nhất định dù không thể chấm dứt được hoàn toàn nạn đầu cơ đất, đầu cơ nhà ở.

>>Kết quả giám sát “vắng bóng” vấn đề đất đai

>>Hiểu đúng việc sở hữu toàn dân về đất đai

Bên cạnh mức thuế cao hơn với một số nhóm nêu trên, Trung ương cũng yêu cầu cần có chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn cư để đầu tư... Ưu đãi thuế cũng cần được áp dụng với những địa phương được quy hoạch sản xuất nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ các loại rừng nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Việc sửa Luật Đất đai, hoàn thiện thể chế cho đến hiện tại, Chính phủ đã lùi lần thứ 4 để chờ Trung ương cho ý kiến, từ đó cho thấy Nghị quyết 18 lần này là cơ sở chính trị, là căn cứ quan trọng để sửa Luật và hoàn thiện thể chế.

Một trong những điểm đáng chú ý nữa trong Nghị quyết 18 là xác định bỏ khung giá đất. Đề xuất xác định bỏ khung giá đất không phải mới mà đã được nhiều địa phương, chuyên gia cho ý kiến từ lâu. Hiện nay, khung giá đất do Chính phủ ban hành định kỳ 5 năm một lần theo quy định tại Điều 113 Luật đất đai 2013 và Nghị định 96/2019, song khung giá đất hiện thấp hơn giá thị trường nên bảng giá đất cũng chưa tiệm cận với giá thị trường. Điều này dẫn tới phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định, thẩm định nghĩa vụ tài chính như nộp tiền sử dụng đất, xử phạt hành chính về đất đai.

Từ những nội dung trên, Nghị quyết số 18 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách đất đai.

Có thể bạn quan tâm

  • Để đất đai được phân bổ và sử dụng hiệu quả

    17:00, 23/07/2022

  • Nguy cơ từ đầu cơ đất đai

    11:00, 22/07/2022

  • [eMagazine] Để thị trường thực sự là công cụ điều tiết nguồn lực đất đai

    05:00, 19/07/2022

  • “Hài hòa lợi ích” và “công bằng xã hội” về đất đai

    04:00, 17/07/2022

  • Bổ sung chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đất đai

    20:00, 14/07/2022

  • Đưa đất đai về giá trị thực

    05:00, 03/07/2022

  • Chính sách đất đai cần sát nhu cầu thực tế

    04:00, 16/06/2022

TS. LÊ ĐĂNG DOANH - Chuyên gia kinh tế