27/7 nhớ về những người từng chết khi đang còn sống
Góp phần vào công cuộc vĩ đại giải phóng đất nước có sự góp công lớn lao nhưng thầm lặng của các chiến sĩ tình báo. Xin được cúi đầu chân thành cảm ơn họ.
>>Ngày 27/7: Thấm thía giá trị của độc lập, tự do!
Dải đất hiền hòa cong cong hình chữ S nằm cạnh biển Đông ngàn đời sóng vỗ là đất nước quê hương Việt Nam yêu quý của chúng ta.
Người dân nước Việt cần cù, hiền lành chịu khó, nhưng sẽ anh hùng bất khuất, đoàn kết cùng nhau đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nơi nào trên đất này cũng mang màu lịch sử, dấu ấn của xương máu ông cha đổ xuống, đúc lên nên dáng hình đất nước trọn vẹn hôm nay.
Không thể kể được bao nhiêu đau thương mất mát của các anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ thương binh... những người dâng hiến tính mạng, máu xương, thanh xuân tuổi trẻ cho lý tưởng cao đẹp vĩ đại, đấu tranh giành tự do, độc lập xây dựng cuộc sống ấm no cho tổ quốc, dân tộc Việt Nam; mở ra thời đại mới phồn thịnh, hùng cường cho đất nước.
Tổ quốc, nhân dân Việt Nam ngàn đời ghi công, biết ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, các gia đình chính sách, có công với cách mạng.
Không có sự hy sinh cao cả ấy, nước non không thể liền một dải từ ải Nam Quan đến bãi Cà Mau, từ Trà Cổ rừng dương đến U minh rừng đước. Nam Bắc xum họp một nhà, vị thế, địa thế, địa lý thành khối thống nhất, đủ sức để giáng trả bất kỳ kẻ thù nào có ý định xấu xa với Việt Nam.
Việt Nam hoàn toàn độc lập tự chủ, không chịu cảnh “nô lệ mới” như hiến pháp phải viết theo ý nước ngoài, hay bị điều khiển như con rối theo ý của thế lực ngoại bang.
Lịch sử Việt Nam đi qua thế kỷ 20 đầy máu và nước mắt. Hai cuộc kháng chiến vệ quốc cướp đi bao nhiêu đứa con của cha mẹ, bố của các em thơ, người chồng của bao nhiêu góa phụ. Người trở về với tấm thân đầy thương tích cùng bao vết thương hành hạ khi trái gió trở trời. Đất nước đi đâu cũng thấy nghĩa trang liệt sĩ, thấy thương binh như là dấu tích của chiến tranh.
Góp phần vào công cuộc vĩ đại giải phóng đất nước có sự góp công lớn lao nhưng thầm lặng của các chiến sĩ tình báo. Xin được cúi đầu chân thành cảm ơn họ với đóng góp thực sự lớn lao cho đất nước.
Các nhà tình báo huyền thoại Vũ Ngọc Nhạ, Đặng Trần Đức (Ba Quốc), Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Tư Cang, Mười Hương, người thép Hai Thương… có người không bao giờ được kể tên, giải mật. Họ âm thầm hy sinh cống hiến cho cách mạng, chấp nhận bản thân như chết trong khi đang sống.
Diễn viên chỉ diễn khi có ống kính quay phim còn họ phải diễn dòng dã hàng vài chục năm trời không ngơi nghỉ, thần kinh luôn căng thẳng tột độ vì chỉ lộ ra sai sót nhỏ là trả giá bằng mạng sống không chỉ bản thân mà còn liên lụy gia đình, vợ con cùng cả đường dây mà tổ chức dày công gây dựng. Cát xê của họ là những thông tin quý giá từ đầu não quân địch để các cấp lãnh đạo tổ chức đối phó đấu tranh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tình báo là tai mắt. Tai phải tỏ, mắt phải sáng, thì đầu óc định kế hoạch mới đúng. Đầu óc định đúng, thì chân tay hành động mới kịp thời. Ta tai mắt sáng tỏ, kế hoạch đúng sát, hành động kịp thời, thì ta nhất định thắng địch”.
Còn Stalin thì ngắn gọn hơn: “Một người làm tình báo giỏi có giá trị bằng cả một quân đoàn”.
Để leo cao, chui sâu vào nội bộ quân địch, sống giữa “hang hùm nọc rắn”, hoạt động đơn tuyến cô đơn với chính các đồng đội của mình lấy được thông tin quan trọng, thì bản lĩnh, trí tuệ cũng sự hy sinh của các chiến sĩ tình báo Việt Nam thật xứng đáng được tôn vinh, ca ngợi và tự hào.
Chiến sĩ liên lạc điệp báo Nguyễn Văn Thương (Hai Thương) bị CIA dùng đủ thủ đoạn từ viên đạn bọc đường đến tàn bạo vô nhân tính cưa chân đến sáu lần vẫn không khai báo. Tình báo lọc lõi nhà nghề của Mỹ phải thất bại trên “thỏi sắt hình người” Hai Thương.
Chỉ có lý tưởng cao đẹp bắt nguồn từ tình cảm với gia đình, đồng đội, đất nước quê hương mới là nguồn sức mạnh giúp các chiến sĩ tình báo bĩnh tĩnh, tự tin sống trong lòng địch. Áp lực khi phải sống hai mặt với hai cuộc đời, phải thân thiết với quân thù lấy lòng tin của chúng. Phải chứng kiến sự hy sinh của đồng chí, đồng bào là nỗi đau của người làm tình báo.
Người làm tình báo số phận lựa chọn cho họ cô đơn trên con đường đi tới hạnh phúc của dân tộc. Vì có người khi kháng chiến thành công rồi lại sống cô đơn giữa những người đồng đội cũ của mình. Người từng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ mình, nên có những nỗi đau, vết thương không thốt thành lời mà thành nếp nhăn trên trán, thành ánh buồn vương trong mắt như điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn trong câu nói đắng cay: “Cái nghề tình báo này nó thế”…
Hy sinh cảm xúc, đời sống cá nhân sống cùng với kẻ thù vừa xây dựng lòng tin vừa tiêu diệt chúng. Nhiệm vụ cao cả cùng sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ tình báo rất cần sự tôn trọng của thế hệ trẻ. Lớp người được lớn lên trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc tuyệt đối không được phép vô ơn với xương máu, hy sinh của các lớp ông cha.
Người nắm giữ các chức vụ trong các cơ quan đừng biến mình thành rác của xã hội của lịch sử dân tộc, chỉ lo tham nhũng, tư lợi vì đó là có tội với lịch sử, tiền nhân.
Hãy để tên mình sống cả sau khi chết, để đền đắp lại công ơn những người từng chết khi đang còn sống.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 27/7: Thấm thía giá trị của độc lập, tự do!
05:29, 27/07/2020