Hà Nội có nên "phủ sóng" loa phường?

THIÊN ÂN 28/07/2022 03:00

Hà Nội sẽ tiếp tục hoạt động và phủ sóng loa phường không chỉ làm dư luận Thủ đô mà dư luận cả nước thấy ngạc nhiên.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 tất cả xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư. Đây là một trong những chỉ tiêu của Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 mới được thành phố ban hành. 

Hà Nội muốn phủ sóng “loa phường” hiện đại toàn thành phố

Hà Nội muốn phủ sóng “loa phường” hiện đại toàn thành phố. Ảnh: Internet

Hẳn những thế hệ 7X, 8X..., đã “ghim” những kỷ niệm không thể nào quên về loa phường. Giai đoạn đó ở hầu hết các hộ gia đình từ thành thị đến nông thôn, máy thu thanh (radio) và đồng hồ báo thức còn hiếm lắm. Nhân dân phải dựa vào loa truyền thanh để biết tin tức và mốc thời gian.

Cá nhân tôi ở gần cuối thế hệ 8X cũng may mắn được chứng kiến sự tồn tại của của loa phường. Đặc biệt, gia đình tôi rất thích nghe những buổi phát thanh thời điểm đó, như: Thời sự, Quân đội nhân dân, dân ca và chèo, kể chuyện cảnh giác,… Thật lòng mà nói, chiếc loa phóng thanh khi đó rất thu hút mạnh mẽ người nghe.

Có thể thấy, trong thời gian dài, loa phường đã đảm nhận vai trò xuất sắc về thông tin, liên lạc, truyền bá chính sách của Đảng, thông tin về việc vận động quần chúng… hay những đóng góp lớn trong những năm tháng chiến tranh, xây dựng xã hội chủ nghĩa, cũng như trong giai đoạn đất nước “chuyển mình” sang nền kinh tế thị trường.

Thế nhưng, thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, khả năng truyền đạt tin tức nhanh, chính xác của các thiết bị tân tiến, hiện đại trong những buổi đầu đã có lúc đe dọa số phận loa phường. Thực tế, đã có rất nhiều cuộc họp tập trung giải quyết vấn đề “nóng sốt” về cái loa truyền thanh phường, trước đó đã nhiều lần bàn bạc nhưng chưa ngã ngũ. 

Bởi vì, một phần ngay trong lòng xã hội đô thị vẫn còn những bộ phận muốn nghe và họ cho rằng loa phường vẫn còn tác dụng, đặc biệt với người cao tuổi. Vì thế, vẫn đề bỏ hay giữ loa phường hóa ra cũng là một vấn đề nhạy cảm.

Nói vậy vì nó không chỉ liên quan tới nguồn ngân sách để nuôi hệ thống loa phường hàng năm, mà còn là câu chuyện của những cán bộ làm việc với loa phường sẽ được phân bổ ra sao…

Có điều, chúng ta hãy nhìn nhận đúng vào bản chất của sự phát triển. Ngày nay khi công nghệ thông tin đã phát triển đến mức chưa từng thấy với mạng internet và thiết bị thông minh mà phổ biến nhất là smartphone, dường như mỗi người Việt trưởng thành đều sở hữu, thì “thằng mõ hiện đại” - hệ thống loa phường vẫn ngự trị ở đó, thách thức với thời gian, thách thức với xã hội hiện đại như một sự trêu ngươi là điều khó chấp nhận.

Có người nói vui thế này, trong cơn mưa tầm tã, nước ngập lênh láng cùng với rác thải lềnh phềnh, dân đang lội bì bõm cùng những chiếc xe chết máy thì loa phường vẫn hát “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”! Giữa trưa gió Lào trong cái nóng như lò lửa, người dân ngồi trong nhà, mồ hôi vã ra như tắm, nhưng loa thôn vẫn hát “gió mùa thu mẹ ru con ngủ”! 

Kỳ thực, với công suất lớn, độ vang và sự chát chúa của loại loa không tiếng bass và có sức “xuyên thủng” khủng khiếp, loa phường đều đặn cứ sáng sớm, giữa trưa và chiều là lại vang lên với đủ mọi nội dung trên trời dưới đất. Loa cứ phát, người cứ làu bàu bực bội, trẻ con bị đánh thức, người già mất ngủ… Ô nhiễm tiếng ồn tràn lan, và không có dấu hiệu suy giảm.

Chúng ta phải ở nhịp sống hiện tại, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang bùng nổ, chúng ta không tiện duy trì hình thức truyền tin truyền thống và trường hợp loa phường đang gây sự phản cảm cho một bộ phận lớn người dân.

Riêng cá nhân tôi, vấn đề ở đây không phải bỏ hay không bỏ loa phường, mà là sử dụng nó như thế nào cho hiệu quả, đặt vị trí nào, phát nội dung ra sao, thời lượng phát bao nhiêu mới là điều đáng bàn.

Dĩ nhiên, trong nội đô nên giảm loa phường. Nhưng ở những vùng sâu vùng xa, loa phóng thanh vẫn phát huy được vai trò truyền tải thông tin thì vẫn nên được duy trì. Trường hợp duy trì hệ thống loa phường (cả nội đô lẫn nông thôn) thì cần phải tính toán kỹ việc loa phường “ngồi” ở đâu làm việc như thế nào để không “quấy rầy” người dân, không gây phản cảm. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến việc chọn người thực thi nhiệm vụ phát thanh, phải khắt khe hơn, thay vì ai nấy đều có thể làm được.

Dù nói thế nào đi nữa, chúng ta vẫn phải chấp nhận thực tế không thể thay đổi: Khi mà internet cùng mạng xã hội đã phổ biến như cơm ăn, nước uống, như khí trời thì “thằng mõ hiện đại” vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Nó cho thấy phương thức quản lý nói chung đang bị lạc nhịp cùng nhịp bước với sự tiến bộ của công nghệ.

Thiết nghĩ, thành phố Hà Nội nên lấy ý kiến nhân dân trước khi đưa ra quyết định “phủ sóng” loa phường hiện đại toàn thành phố. Hãy để người dân được đóng góp ý kiến của mình trước quyết định quan trọng của thành phố. Đừng để sự bất cập, cũ kỹ tồn tại ở thời đại 4.0 trên một số phương diện mà hệ thống thông tin kiểu loa phường là một điển hình.

Có thể bạn quan tâm

  • Đằng sau đà leo thang của giá nhà ở tại Hà Nội

    16:01, 24/07/2022

  • Hà Nội: Đánh thức tiềm năng sản phẩm OCOP

    20:57, 23/07/2022

  • Kỳ vọng tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Trong sạch, mẫu mực!

    06:31, 21/07/2022

  • Vì sao cầu trăm tỷ nối Hà Nội - Bắc Giang xây xong chưa đưa vào sử dụng?

    00:17, 20/07/2022

  • Cầu Giấy (Hà Nội): Nhếch nhác 200m đường thi công 2 năm không xong

    00:34, 18/07/2022

  • Hà Nội cần cơ chế giúp du lịch MICE “cất cánh”

    02:00, 15/07/2022

THIÊN ÂN