Thị phi công sở

HÀ LINH QUÂN 31/07/2022 01:30

Trong xã hội hiện đại, con người phải giao tiếp mới có thể tồn tại.

Do chỉ liên kết nhau qua công việc, chứ không có mối quan hệ tình cảm như ở gia đình, cho nên nhiều cơ quan có thể là nơi có lắm thị phi, điều tiếng.

Bởi vậy, mọi người cần ứng xử khéo léo, mềm dẻo để tránh gây xung đột nội bộ, thậm chí “vác họa vào thân”.

Đa sắc màu cuộc sống

Dường như ai cũng biết rằng nhiều cơ quan là chốn có nhiều người thích các cuộc ngồi lê đôi mách. Một trong các đề tài bàn tán của họ, chẳng hạn, là chuyện cô nhân viên A đã mặc cũng cái váy đó mấy lần trong tuần. Xa hơn nữa thì tò mò về mức lương của đồng nghiệp (Một điều dễ gây mâu thuẫn nội bộ, bởi nhiều ông chủ tư nhân thích dùng chế độ “cùng công việc nhưng không cùng mức lương”). Dẫu sao đấy cũng chỉ là những chuyện vô thưởng vô phạt, không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động bình thường của cơ quan.

Tệ hại nhất là “Các con rắn chuông khoác áo lông chim” - Những kẻ cơ hội, tranh công, muốn trèo lên đầu người khác. Họ thích lục lọi vào các ngóc ngách sự kiện lần tìm tội lỗi đối thủ. Họ giống như cái que chọc của những nha sĩ lúc nào cũng tìm ra chỗ hư thối, để rồi reo rắc những lời độc địa với nỗi hài lòng tăm tối. Loại này thèm khát âm mưu như lợn thèm nước gạo, nên sẵn sàng lừa dối lòng tin của nạn nhân với vẻ thản nhiên của tên ăn trộm. Tôi đã gặp một “cao thủ” đều thổ lộ ra ngoài vẻ xúc động, giận dữ, buồn phiền, sướng vui, nhưng chẳng có gì thật lòng.

Ở chiều ngược lại, B là cô gái “ruột để ngoài da”, có gì nói lấy. Khi đồng nghiệp đánh đổ nước vào tài liệu, cô mắng. Có kẻ hút thuốc trong phòng, cô đuổi người đó ra ngoài. Nhân viên “tám” trên điện thoại, cô trách họ vì lãng phí tiền điện thoại của công ty. Cô làm vậy có ý tốt dù kết quả là rất nhiều đồng nghiệp của cô bị phạt. Tất nhiên, đồng nghiệp không ai thích cô. Họ thì thầm sau lưng cô: “Bà ấy muốn làm ngôi sao!”. Cô rất bất ngờ, không hiểu tại sao lại có điều tiếng như vậy? Rõ ràng là cô nói đúng sự thật. Lẽ nào làm người phải bỏ qua những sai lầm của người khác. Thẳng thắn là đức tính tốt đẹp phải được ủng hộ chứ! Vấn đề ở chỗ nói thật cũng cần cân nhắc thời gian, địa điểm và khả năng tiếp thu của đối tượng.

Khi phê bình, mắt cô B sắc như gọt, mặt lạnh như đồ sành sứ. Mỗi lần cô phát biểu xong, không khí căng như sờ tay vào được. Cô chưa bao giờ để ý đến cảm nhận của đối phương hoặc dùng cách nói hài hước để người nghe dễ lọt tai. Chắc cô không biết hài hước có hiệu quả hơn lời nói trực tiếp, nó như tấm đệm không đẩy sự việc lên mức căng thẳng.

Ứng xử khéo léo

Vói người yếu đuối hay nhân viên trẻ, những lời thị phi đôi lúc có thể làm cho các chuyện nhỏ nhặt trở thành vấn đề không thể vượt qua. Để tồn tại trong môi trường phức tạp của chốn cơ quan nhiều thị phi, không bị thất bại trong sự cạnh tranh khốc liệt, chẳng có cách nào khác hơn là phải tích lũy, học hỏi kỹ năng ứng xử.

Trước tiên hãy ngồi yên nghĩ về chuyện của mình mà không bàn luận chuyện của người khác. Trừ các Thánh ra trong đời tư ai cũng có điều phải dấu, một sai lầm thời tuổi trẻ chẳng hạn. Chẳng ai thích bị người khác móc mói ra bí mật của bản thân. Đừng mang cuộc sống ngoài đời đến nơi làm việc. Những lời than thở về chuyện thất tình hay thua cá độ sẽ là mảnh đất màu mỡ để kẻ “rách việc” gieo rắc các lời thị phi. Hãy cất kỹ cuộc sống riêng trong những đường hầm kín đáo của ký ức.

Có một số niềm vui như mua ô tô mới, một chuyến du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ phép… càng chia sẻ ít càng tốt vì cảm giác bị đố kỵ không hề dễ chịu. Nếu bạn vô ý gây lời thị phi, phải biết xin lỗi và tự trách mình để cứu vãn mối quan hệ. Còn khi người ta đặt điều cho bạn thì hóa giải nó cần sự khôn ngoan, bởi khi to tiếng tranh cãi với lời thị phi cũng có khi bị cấp trên hiểu lầm bạn là một người nhỏ mọn.

Người Trung Quốc có một câu rất hay: “Nhịn một giờ sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Câu nói này hàm ý rằng: Khi mâu thuẫn nảy sinh giữa đồng nghiệp bởi lời thị phi, tốt nhất là nên khoan dung để hai bên có “Biển rộng trời cao”.

HÀ LINH QUÂN