Xuất khẩu giáo dục nhìn từ hợp tác Việt Nam – Châu Phi
Từ một nước nhập khẩu giáo dục, Việt Nam đang dần vươn lên thành một nước xuất khẩu giáo dục. Nhiều tổ chức giáo dục Việt đang tích cực tham gia vào quá trình đó.
>>Yếu tố cốt lõi giúp startup thành công với công nghệ giáo dục
Trong những năm gần đây, sự hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Châu Phi có những bước phát triển đáng kể, trong đó Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) là một ví dụ điển hình. IFI có lẽ là tổ chức giáo dục đại học có tính quốc tế hoá cao nhất Việt Nam.
Lịch sử lâu dài
Tuy nhiên, sự hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và châu Phi có lịch sử lâu dài hơn rất nhiều. Linh hồn của sự hợp tác này Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần quốc tế của ông. Trong những năm tháng hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã hợp tác rất thân thiết các nhà cách mạng đến từ rất nhiều nước.
Anh là một trong những người sáng lập và là thành viên Ban chấp hành Hội liên hiệp thuộc địa (l’Union intercoloniale, thành lập năm 1921). Trong số di sản văn chương, báo chí phong phú của mình, Nguyễn Ái Quốc viết rất về các dân tộc khác trên thế giới. Và ông viết không phải với tư cách một người Việt Nam, mà với tư cách một thành viên của nhân loại. Tinh thần quốc tế ấy đi theo Hồ Chí Minh đến hơi thở cuối cùng: cuốn sách trên bàn làm việc của ông ngày 2/9/1969 là cuốn Người da đen cầm súng.
Trong cuộc Kháng chiến chống Pháp, mà phương Tây gọi là Chiến tranh Đông dương lần thứ nhất (1945-1954), hàng trăm ngàn lính Lê dương, trong đó có khoảng 50 nghìn lính Châu Phi, được Pháp đưa đến tham chiến ở Việt Nam. Nhiều người lính Châu Phi có thiện cảm với cuộc kháng chiến của Việt Minh. Theo chỉ đạo của Hồ Chí Minh, công tác địch vận được đặc biệt chú trọng. Nhờ vậy, hàng ngàn lính Lê dương Âu - Phi đã rời bỏ quân đội Pháp và tình nguyện chiến đấu cùng quân dân Việt Nam. Được gọi là những người “Việt Nam Mới”, họ hỗ trợ Việt Minh rất nhiều trong việc huấn luyện quân sự, sửa chữa vũ khí trang bị, đào tạo ngoại ngữ và làm báo tuyên truyền.
Không chỉ được đối xử nhân đạo, tù binh và hàng binh còn được “giác ngộ” và tổ chức vào các đội Commando William (đa số là người Đức) và Đội Bắc Phi độc lập (Détachement de l’Indépendance Nord-Africaine, DINA). Đội DINA có mục đích là huấn luyện cho hàng binh Bắc Phi để sau này trở về giải phóng tổ quốc. Những lớp huấn luyện dành cho hàng binh và tù binh ấy có lẽ là những chương trình hợp tác giáo dục đầu tiên của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với châu Phi.
Từ năm 1950, hàng binh Âu - Phi được tổ chức thành các Đội sản xuất, phần để đảm bảo an toàn, phần khác góp phần ổn định đời sống. Sau 1954, do vị thế đặc biệt của họ, nhiều hàng binh Âu - Phi không thể hồi hương: một số người Châu Âu bị chính quốc kết tội, còn những người Châu Phi thì do Tổ quốc họ vẫn chưa được giải phóng.
Chính phủ Hồ Chủ tịch cho thành lập “Tập thể sản xuất Ba Vì”, năm 1963 đổi tên thành “Nông trường Việt - Phi Ba Vì”. Chiếc cổng của Nông trường được hàng binh Âu – Phi (đa số là người châu Phi, đặc biệt là Maroc), xây dựng năm 1956 theo phong cách Arab. Cổng cao tám thước, có bốn trụ tròn vững chãi, đỡ ba vòm lớn trang trí bằng họa tiết của những thành lũy Arab cổ xưa. Ý tưởng là đem chiếc cổng làng truyền thống của Bắc Phi đến Ba Vì để những người lính châu Phi cảm thấy như mình đang ở quê hương. Bên cạnh việc tăng gia sản xuất và các hoạt động văn hoá, văn nghệ, Nông trường Việt Phi còn tổ chức các lớp học khác nhau cho các hàng binh và tù binh Âu – Phi, vẫn với tinh thần quốc tế và nhân văn trong sáng.
Viễn cảnh tương lai
Ngay sau khi hoà bình lập lại, chính phủ Hồ Chí Minh đã bắt đầu xúc tiến những hoạt động hợp tác về giáo dục với châu Phi. Theo yêu cầu của lãnh đạo các nước châu Phi vừa thoát khỏi ách thực dân, chính phủ Hồ Chí Minh đã cử hàng ngàn chuyên gia, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục đến giúp các bạn phát triển nền giáo dục mới, đồng thời cũng tiếp nhận một số sinh viên châu Phi sang học tập tại Việt Nam.
Hoạt động của các chuyên gia giáo dục Việt Nam tại châu Phi đã được nghiên cứu nhiều, nhưng việc tiếp nhận sinh viên châu Phi đến học tại Việt Nam còn ít người biết và cần được nghiên cứu một cách đầy đủ và hệ thống. Chúng tôi chỉ xin đưa ra một ví dụ. Theo cuốn Trường sĩ quan lục quân 1, “Biên niên sử sự kiện” (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1994), trường đã tiếp nhận và đào tạo học viên cho nhiều nước, bao gồm Lào, Cameroun, Nigeria, Campuchea, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Guinée xích đạo, Palestine, Afghanistan. Trong số đó, sinh viên châu Phi có mặt từ rất sớm.
Tháng 2/1961, Trường Lục quân Việt Nam (tên trường từ tháng 1/1956), đã tiếp nhận 06 học viên người Cameroun đến học tập. Đây có lẽ là những sinh viên châu phi đầu tiên của trường. Khoá đào tạo ngắn hạn này kéo dài 6 tháng. Tháng 8/1961, nhà trường đã tổ chức lễ Bế giảng. (tr. 43-44)
Tháng 7/1962, nhà trường tiếp nhận và tổ chức khai giảng khoá học cho 5 học viên người Nigeria. Khoá học này cũng kéo dài 6 tháng. Số học viên Guinée équatoriale (Ghi-nê Xích đạo) có lẽ là đông đảo nhất. Tháng 11 năm 1977, một nhóm gồm 15 học viên Guinée équatoriale được cử sang học tại Việt Nam và kết thúc chương trình đào tạo vào tháng 1 năm 1978 (tr. 75-77).
Đó là một vài trong rất nhiều thông tin chúng tôi khám phá ra khi chuẩn bị một bài báo cáo tại hội thảo quốc tế “Hợp tác giáo dục Việt Nam - Châu Phi vì sự phát triển hài hòa trong thời đại chuyển đổi số” do Viện Quốc tế Pháp ngữ phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức. Điều khiến chúng tôi sửng sốt là tầm nhìn xa rộng của những nhà lãnh đạo đất nước thời bấy giờ.
Đây không chỉ cho thấy những tiềm năng to lớn trong sự hợp tác giáo dục giữa Việt Nam với châu lục đen đang trỗi dậy, mà còn đánh dấu một bước phát triển đáng chú ý của Việt Nam: Từ một nước nhập khẩu giáo dục, chúng ta đang dần vươn lên thành một nước xuất khẩu giáo dục. Nhiều tổ chức giáo dục Việt Nam đang tích cực tham gia vào quá trình đó.
Có thể bạn quan tâm
Thái Bình "bắt tay" Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hợp tác đào tạo, cung ứng nhân lực
22:14, 16/07/2022
Vì sao Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam bị kỷ luật?
10:00, 06/07/2022
Giáo dục Việt Nam - Nước mắt giờ chảy xuôi hay ngược?
05:00, 29/06/2022
Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Cần giải quyết tận gốc vấn đề sách giáo khoa
04:00, 19/06/2022
Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Lãng phí sách giáo khoa
04:00, 18/06/2022
Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Bất cập việc lựa chọn sách giáo khoa
04:00, 17/06/2022
“Lửa” đã “cháy” đến Bộ Giáo dục: Gian lận thi cử và "cái giá" phải trả
07:04, 16/06/2022
Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Dấu hỏi khâu biên soạn, thẩm định sách giáo khoa
04:00, 16/06/2022
Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: “Góc khuất” giá sách giáo khoa
04:00, 15/06/2022