Tăng năng suất lao động: Bắt "bệnh" để "điều trị"
Lao động trong nền kinh tế nước ta chỉ “vàng” về số lượng, chứ chưa “vàng” về chất lượng.
>>Năng suất lao động là thách thức lớn nhất của top 500 doanh nghiệp tư nhân
Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 khởi đầu đã có những tác động nhất định đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Hiện nay, lực lượng lao động tại nước ta khá dồi dào (ước khoảng 56 triệu người), năng suất lao động (NSLĐ) và GDP bình quân đầu người đang có xu hướng tăng hàng năm.
Đây là những tín hiệu đáng mừng, nhưng chúng ta lại chưa thể hài lòng bởi chất lượng và NSLĐ của nước ta hiện nay vẫn ở thứ hạng thấp so với khu vực. Càng đáng suy nghĩ hơn khi đến năm 2030, thu nhập của một người Việt Nam cũng chỉ bằng Malaysia năm 2007.
Một số liệu thống kế cho thấy, từ năm 2020 trở về trước, GDP bình quân đầu người của Việt Nam so với các nước cũng rất khiêm tốn. Năm 2020, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 3.552 USD, chỉ đứng thứ 6 Đông Nam Á, không hơn nhiều Lào, Campuchia, Myanmar nhưng lại thua xa Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan.
Ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế, NSLĐ của Việt Nam năm 2020 thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan; 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á cũng cho thấy NSLĐ của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách phát triển, bắt kịp các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng giảm dần, thấp hơn các nước trong cùng thời kỳ đầu công nghiệp hóa.
“Nguy cơ Việt Nam sẽ bị tụt hậu xa hơn về năng suất so với các quốc gia trong khu vực, thậm chí nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là khá lớn”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn thẳng vào sự thật.
Lý giải cho thực trạng NSLĐ thấp, theo nhiều chuyên gia kinh tế, đó là do lao động Việt Nam hiện nay đa phần chỉ đảm nhận các công đoạn mang giá trị thấp như gia công, lắp ráp,… hầu như chúng ta không thể tạo ra thiết kế và nhãn hiệu riêng để làm tăng thêm giá trị sản phẩm. Một khi vẫn coi lao động giá rẻ là lợi thế của nền kinh tế thì rất khó có thể nâng cao NSLĐ.
Một nguyên nhân khác khiến cho năng suất tổng thể của nền kinh tế Việt Nam thấp, đó là vì hầu hết các doanh nghiệp của chúng ta chỉ có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất thấp hay trung bình chiếm tỷ lệ lớn. Trong khi đó, muốn NSLĐ được cải thiện, điều quan trọng là phải nâng cao được hàm lượng công nghệ, nâng cao chất lượng lao động, thay vì chỉ dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ hay khai thác tài nguyên. Nếu không thực hiện được điều này, tốc độ tăng trưởng GDP dù có cao đến đâu cũng không có nhiều ý nghĩa.
>>Năng suất lao động “níu giữ” nền kinh tế
>>Kích hoạt “lò xo” năng suất lao động
TS. Nguyễn Văn Thuật - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm: “Việt Nam là quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế có độ mở cao, nhưng lao động trong nền kinh tế nước ta chỉ “vàng” về số lượng, chứ chưa “vàng” về chất lượng. Bởi có gần 77% (hơn 43 triệu lao động) lực lượng lao động của cả nước không có trình độ chuyên môn kỹ thuật”.
Khách quan mà nói, quy mô của Việt Nam hôm nay cũng không khác gì nước Nhật giai đoạn từ 1955 – 1973 và Việt Nam có thể học hỏi được rất nhiều điều từ phương cách phát triển của người Nhật.
Giai đoạn này, để bắt kịp phương Tây, các doanh nghiệp Nhật đã không ngần ngại đổ xô đi nhập khẩu công nghệ của Mỹ, Anh, Pháp, Đức,… đem về cải tiến và áp dụng vào sản xuất. Sứ mạng này, Nhà nước không thể can thiệp hay làm thay mà chỉ có thể giúp đỡ và hậu thuẫn mạnh mẽ cho doanh nghiệp.
Tất thảy những điều trên ít nhiều cũng mang đến cho chúng ta nhiều trăn trở, suy nghĩ, bắt buộc phải thay đổi nếu như không muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
>>Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (Kỳ I): Tiến trình "kỳ lạ" của năng suất lao động Việt Nam
>>Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (Kỳ II): Những nỗ lực “rời rạc” khiến xếp hạng nằm nhóm "áp chót"
>>Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (Kỳ III): Sự dai dẳng của lao động phổ thông
>>Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (kỳ IV): Cần đội ngũ chuyên gia "bắt bệnh" cho doanh nghiệp
Để đuổi kịp các quốc gia phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới, trong thời gian tới đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, có chính sách sử dụng lao động, vốn đầu tư có hiệu quả nhằm nâng cao quy mô cũng như tốc độ tăng NSLĐ. Cụ thể:
Một là, bản thân các doanh nghiệp phải đổi mới, đầu tư công nghệ sản xuất, tham gia vào các hoạt động sáng tạo.
Hai là, đa dạng hóa các kênh tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giảm thiểu tệ nạn tham nhũng, nâng cao hiệu quả bộ máy công vụ liên quan, góp phần giảm chi phí phi chính thức cho doanh nghiệp.
Ba là, hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh nhằm mục đích tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường trong nước và ngoài nước.
Bốn là, hệ thống giáo dục đào tạo cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao có thể vận hành các hệ thống phức tạp thay vì cho “ra lò” quá nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp như hiện nay.
Năm là, cần xác định cho rõ mục tiêu để tạo lập và thực thi các chính sách thật hiệu quả, có vậy tăng trưởng kinh tế mới bền vững và thật sự tạo dựng vị thế cạnh tranh cho Việt Nam.
Chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao NSLĐ nếu nỗ lực và quyết tâm, biết “thắt lưng buộc bụng” cho những mục tiêu lớn, thay vì quá lãng phí ngân sách như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Năng suất lao động là thách thức lớn nhất của top 500 doanh nghiệp tư nhân
01:00, 14/08/2022
Năng suất lao động “níu giữ” nền kinh tế
11:30, 29/05/2022
Ổn định đời sống, tăng năng suất lao động để phục hồi kinh tế
05:30, 01/05/2022
Kích hoạt “lò xo” năng suất lao động
04:00, 01/05/2022
“Bỏ trần” giờ làm thêm và giới hạn năng suất lao động
03:41, 23/12/2021
Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (kỳ IV): Cần đội ngũ chuyên gia "bắt bệnh" cho doanh nghiệp
11:57, 08/05/2021
Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (Kỳ III): Sự dai dẳng của lao động phổ thông
11:00, 04/05/2021
Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (Kỳ II): Những nỗ lực “rời rạc” khiến xếp hạng nằm nhóm "áp chót"
11:30, 02/05/2021
Thúc đẩy năng suất lao động quốc gia (Kỳ I): Tiến trình "kỳ lạ" của năng suất lao động Việt Nam
13:00, 01/05/2021