Chuỗi cung ứng ngắn "kéo” doanh nghiệp gần hơn với nông dân
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp còn quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún, việc xây dựng chuỗi cung ứng ngắn sẽ hỗ trợ tối đa cho người nông dân nâng cao giá trị nông sản và sức cạnh tranh.
>>>Chuỗi cung ứng ngắn – “cây gậy thần” xoá bỏ trung gian phân phối
Nỗi ám ảnh “được mùa mất giá – được giá mất mùa”
Làm ra sản phẩm tốt, song bài toán làm sao để bán được hàng, giúp người nông dân tăng lợi nhuận, nâng cao đời sống vẫn còn khá bế tắc, nhất là khi vào chính vụ. Điệp khúc “Được mùa mất giá – được giá mất mùa” đã trở thành nỗi ám ảnh dài theo thời gian của nông dân Việt.
Theo ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX tổng hợp Đông Cao (Mê Linh, Hà Nội), trong những năm gần đây, không ít lần nông sản phải rơi vào cảnh phải kêu gọi "giải cứu". Giá nông sản có lúc tụt thảm hại khiến người trồng bỏ thối trên ruộng không thu hoạch. Các sản phẩm cung ứng ra thị trường chủ yếu là bán tươi, nên chỉ cần một biến động nhỏ từ thị trường thì nông sản lại dồn ứ.
Lý giải việc này, nhiều nông dân cho biết, các loại nông sản này hầu hết là những loại cây ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch, năng suất cao nên nhanh thu hồi vốn. Tuy nhiên, đa số thương lái thu mua nông sản đều thỏa thuận miệng mà không có hợp đồng, chỉ đặt cọc ít tiền để làm tin. Do đó, khi chẳng may có chuyện gì xảy ra, thương lái dễ lật kèo nên người chịu thiệt luôn là nông dân.
Hay như những câu chuyện “giải cứu thanh long”, “giải cứu dưa hấu”,… thời gian gần đây do bạn hàng phía Trung Quốc “cấm cửa” những mặt hàng nông sản Việt Nam đã khiến người nông dân rơi vào cảnh “khóc ròng”. Đây là hệ quả tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp manh mún, thiếu kế hoạch, thiếu liên kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Vậy, làm sao để để chấm dứt những tình trạng này, giúp người nông dân có sự ổn định đầu ra, yên tâm sản xuất, mang lại lợi nhuận tối đa mà rút ngắn được khoảng cách từ nơi sản xuất tới tay người tiêu dùng, tạo chuỗi liên kết bền vững? Chúng ta đã dần có lời giải đáp cho câu hỏi này.
Theo TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý NN&PTNT II (Bộ NN&PTNT), Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, Việt Nam là thị trường năng động với dân số gần 100 triệu người, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất lớn. Tuy nhiên, một thực trạng đáng chú ý là người tiêu dùng ít nhiều mất lòng tin vào các sản phẩm nông sản của Việt Nam do vấn nạn thực phẩm bẩn, mất an toàn vệ sinh,... dẫn tới nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người dân trên cả nước đang ngày càng trở nên cấp bách.
>>Có nhóm lợi ích chỉ mong chuỗi cung ứng… “dài ra”
>>"Ước mơ" về một chuỗi cung ứng ngắn
Bên cạnh đó, việc sản xuất và phân phối các sản phẩm nông nghiệp nói chung và nông sản nói riêng ở Việt Nam vẫn còn tồn tại những “điểm nghẽn” chưa giải quyết được trên diện rộng. Một trong những điểm yếu nhất phải kể đến là khâu cung ứng thực phẩm hiện nay vẫn chủ yếu theo mô hình truyền thống với nhiều tầng nấc, công đoạn trung gian, hàng hóa đều mua đứt bán đoạn khiến người tiêu dùng không có sự tương tác trực tiếp với người sản xuất nông nghiệp. Thông tin về hàng hóa như giá cả, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ… người tiêu dùng đều không nắm được.
Liên kết giúp doanh nghiệp gần hơn với nông dân
Trước sức ép từ nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn ngày càng lớn, việc xây dựng chuỗi cung ứng ngắn đang dần trở thành một phương thức thương mại phổ biến, dần thay thế các phương thức thương mại truyền thống. Điều này giúp người nông dân có điều kiện để quảng bá sản phẩm nông nghiệp của mình và người tiêu dùng không bị hạn chế khi tìm hiểu về nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, chuỗi cung ứng ngắn cũng hướng tới việc giảm tối đa các khâu trung gian, để đưa sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng.
Mô hình liên kết, áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, hình thành nhiều vùng nông nghiệp chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao nhằm "kéo" doanh nghiệp đến gần hơn với nông dân đang được ứng dụng rộng rãi tại Hà Nội. Trong đó, có các mô hình đưa khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản an toàn, mang lại hiệu quả tích cực trên nhiều phương diện.
Là một trong những hộ trồng sen quy mô lớn của huyện Mê Linh, Hà Nội với 50ha, thời gian qua, gia đình anh Lã Quang Khanh đã được các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ tham gia mô hình trồng sen trái vụ với quy mô 7,6ha. Không chỉ được hỗ trợ về giống, được hướng dẫn về kỹ thuật, gia đình anh còn được các chuyên gia của ngành nông nghiệp hỗ trợ chuyên sâu về các công đoạn sản xuất gắn với chế biến sản phẩm sen, cũng như kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Anh Lã Quang Khanh cho biết, nếu như trước đây, việc hỗ trợ phát triển các mô hình mới của ngành nông nghiệp Hà Nội chỉ tập trung ở khâu kỹ thuật thì nay đã được hỗ trợ toàn diện, đặc biệt là việc liên kết với doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Từ hiệu quả thực tế của mô hình này, anh và nhiều hộ dân đã liên kết thành lập hợp tác xã, không chỉ bán sen bông, mà còn làm trà sen, hạt sen sấy... cùng nhiều sản phẩm khác. Được giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, các cửa hàng... nên các hộ không phải lo lắng về "đầu ra".
Ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam cho biết, khi thu mua nông sản an toàn của hộ gia đình, hợp tác xã..., doanh nghiệp không chỉ đặt niềm tin vào chất lượng sản phẩm qua các loại giấy chứng nhận theo quy định của cơ quan chức năng, mà còn ở phương thức sản xuất cũng như sự hỗ trợ, chuyển giao công nghệ của ngành nông nghiệp. Đặc biệt, với quy trình sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp thực sự yên tâm và sẵn sàng mở rộng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Về vấn đề này, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trước đây, có một thời gian dài, nhiều loại nông sản chất lượng cao được hỗ trợ sản xuất nhưng không bán được với giá như kỳ vọng. Nhận định "điểm nghẽn" chính là khâu liên kết trong tiêu thụ, Hà Nội đã hướng tới liên kết doanh nghiệp với nông dân, xây dựng các mô hình chuyển giao khoa học công nghệ gắn với tiêu thụ một cách hiệu quả. Đây là cách làm rất bài bản, khoa học và hợp với xu thế.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, tại Việt Nam đã xuất hiện một số hình thức chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản như: Mô hình bán sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất, trang trại đến người tiêu dùng (như mô hình bán sản phẩm nho, kết hợp với du lịch nông thôn ở Ninh Thuận, các gian hàng bán vải thiều của tỉnh Bắc Giang, mô hình cung cấp thực phẩm cho các trường tiểu học,...). Mô hình qua một khâu trung gian là các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thu mua trực tiếp hàng nông sản và cung ứng với số lượng lớn ra các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể của trường học, cơ quan, bệnh viện,... cũng đang có xu hướng phát triển, tạo ra nhiều lợi ích cho người nông dân và cộng đồng địa phương.
Tin tưởng rằng, những mô hình tiên tiến này sẽ sớm được nhân rộng, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và lợi nhuận hợp lý cho người nông dân; đồng thời cũng đem lại lợi ích thiết thực về chất lượng hàng hóa và giá cả hợp lý cho người tiêu dùng. Sự thay đổi này sẽ đem lại hướng đi mới, hiệu quả cho sản xuất và tiêu dùng, tạo nền tảng cho mô hình chuỗi cung ứng ngắn nhân rộng phổ biến tại thị trường Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm