Đào tạo cán bộ ở nước ngoài: Làm sao để hiệu quả?
Lương và đãi ngộ cao hoàn toàn không có ý nghĩa nếu như người giỏi bị bó buộc trong một cơ chế, tổ chức lạc hậu và trì trệ.
>>Giải pháp "giữ chất xám" từ các bệnh viện công
Hiện có khoảng 500.000 trí thức là con em người Việt ở nước ngoài được đào tạo bài bản. Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Cử cán bộ lãnh đạo, quản lý đi học tập ở nước ngoài để vừa cập nhật kiến thức, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, vừa nâng cao năng lực và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là một chủ trương, chính sách đúng đắn.
Nếu được thực hiện tốt sẽ góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao để phục vụ đất nước.
Theo Kết luận 39 của Bộ Chính trị vừa qua, sau 15 năm thực hiện đề án 165 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước đã đạt được kết quả tích cực, hoàn thành mục tiêu đề ra. Giai đoạn 2026-2030, mỗi năm Việt Nam sẽ cử khoảng 500 cán bộ ra nước ngoài bồi dưỡng, trong đó trung hạn 50 người, ngắn hạn 300 người, ngoại ngữ 150 người.
Tuy nhiên, khi nhắc đến đề án 165 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, trong một Hội nghị mới đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài Peter Hồng thông tin rằng, trong 3.000 tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, 65% chọn ở lại nước ngoài, 27% làm nhà nước, số còn lại là bỏ việc.
Theo ông Hồng, hiện có khoảng 500.000 trí thức là con em người Việt ở nước ngoài được đào tạo bài bản, nhiều người rất muốn về Việt Nam làm việc nhưng gặp khó, trong đó lương trong nước thấp hơn ở nước ngoài cũng là một yếu tố.
Một ví dụ khác, ông Peter Hồng kể nhiều người nói vui chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” phải gọi là “Đường lên đỉnh Australia” bởi các thí sinh thắng giải đều chọn ở lại Australia làm việc sau khi du học.
Thực tế đáng buồn này cho thấy việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các nước tiên tiến phải là một quá trình gắn kết chặt chẽ giữa các khâu từ tuyển chọn, cử đi học và sử dụng. Đây là một quy trình và nó cần được thực hiện một cách thuần thục, đồng bộ nếu không sẽ tạo sự “lệch pha”.
>>Doanh nghiệp công nghệ “đảo chiều” dòng chảy “chất xám Việt”
>>Hút dòng vốn FDI vào năng lượng tái tạo: “Chất xanh” sẽ song hành cùng chất xám
>>Đừng lo chảy máu chất xám, đừng lo thiếu nhân tài
Bài học từ thành công của các quốc gia khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… đều cho thấy dấu ấn từ sự du nhập và áp dụng những bài học canh tân đất nước. Riêng Singapore, trước khi trở nên giàu có, vươn mình thành con rồng châu Á, Singapore xem chính sách thu hút và đãi ngộ người tài cho khu vực công là “chiến lược quản trị cốt lõi” của quốc gia.
Theo đó, các ứng viên được chọn du học phải vượt qua quá trình sàng lọc hết sức kỹ lưỡng do Ủy ban Dịch vụ công tiến hành. Sau khi tốt nghiệp, họ phải về nước làm việc cho bộ máy công quyền trong một thời gian xác định. Họ được bố trí làm việc ở bộ phận đỉnh tháp trong trật tự thứ bậc hành chính ở các bộ. Đó là một vinh dự vô cùng lớn, họ được hưởng lương thưởng thỏa đáng và sự tôn trọng của dân chúng cùng một tiền đồ sáng lạn.
Dĩ nhiên, bài học thành công từ các quốc gia trong khu vực là không giống nhau. Tuy nhiên, điểm chung trong sự phát triển của các nước Á châu từ cuối thế kỷ 19 đến nay chính là tinh thần tiếp thu cái mới, cái khác biệt, và áp dụng linh hoạt vào bối cảnh cụ thể ở nước mình.
Nói vậy để nhìn lại, dù chúng ta đã và đang có những bước tiến, nỗ lực trong quá trình đào tạo, sử dụng đào tạo cán bộ, nhân tài. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn vào cái còn tồn tại để “sửa mình”.
Ví như những con số mà ông Peter Hồng đưa ra ở trên, hoặc con số mỗi năm, nhà nước bỏ ra 1,4 tỷ USD cho khoảng 100.000 con em đi học ở nước ngoài nhưng lại không sử dụng được số trí thức này… cũng là điều khiến chúng ta ít nhiều phải trăn trở.
Bởi vì, kinh phí cho những chuyến đào tạo cán bộ quản lý, nhân tài… ở nước ngoài dù lấy từ ngân sách đều có những hệ lụy. Khi nó có được nhờ “rút hầu bao” ngân sách nhà nước thì không cần nói nhiều cũng đủ hiểu việc làm này lãng phí tiền thuế của dân, nguy hại thế nào đối với ngân sách một đất nước còn nghèo như Việt Nam. Đây chẳng khác nào hành vi tham nhũng.
Từ đây đặt ra cho chúng ta một vấn đề: Thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, thay vì lấy ngân sách cử đi đào tạo tốn kém mà nhiều khi hiệu quả chưa tương xứng, nên chăng để cho xã hội tự cung ứng?
Nhà nước chỉ tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, minh bạch, cạnh tranh công bằng cho mọi người cũng như linh hoạt thu hút nhân tài bằng nhiều hình thức phù hợp, gắn trách nhiệm cá nhân sử dụng nhân tài.
Nói cách khác, cần phải trao sự công bằng và phong phú về cơ hội cống hiến cho người tài, cả trong và ngoài hệ thống hành chính, chứ không cào bằng kết quả. Đây mới chính là điều người tài cần, với họ môi trường làm việc tạo cơ hội công bằng mới là yếu tố quyết định để khiến họ hài lòng và thấy mình được trọng vọng.
Tức là, lương và đãi ngộ cao hoàn toàn không có ý nghĩa nếu như người giỏi bị bó buộc trong một cơ chế, tổ chức lạc hậu và trì trệ. Đây là khâu cần đi trước, mở đường, phải tạo được những thay đổi đột phá thì mới mong thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu cống hiến cho đất nước.
Và điều quan trọng nhất là đồng tiền ngân sách Nhà nước được sử dụng hợp lý, hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Công an sẽ xử lý nghiêm các cán bộ tiếp tay cho “tín dụng đen” hoạt động
12:10, 09/08/2022
Nghệ An: Hàng loạt cán bộ địa chính lấy tiền “lót tay” bị tra còng
11:20, 02/08/2022
Cán bộ bị kỷ luật không nên mãi “giữ ghế”
04:00, 26/07/2022
Vi phạm thẩm định giá: Cần bổ sung chế tài hình sự
11:00, 24/07/2022
Cần bộ quy chuẩn cho camera giám sát hành trình
03:00, 22/07/2022
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Nâng cao hơn nữa năng lực của cán bộ
10:45, 21/07/2022
Cấp đổi CCCD tại TP.HCM: Cán bộ tiêu cực do kẽ hở chính sách?
01:04, 01/07/2022
Thấy gì từ việc hàng trăm cán bộ ngành Y bỏ việc?
05:03, 30/06/2022
Dự án nào khiến hàng chục cán bộ tỉnh Lào Cai vướng lao lý?
00:06, 26/06/2022