Đường lưỡi bò mãi chỉ là tham vọng của Trung Quốc
Vấn đề đường lưỡi bò vi phạm chủ quyền biển đảo, tiếp tục thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận Việt Nam.
>>Đường lưỡi bò tiếp tục bị chỉ trích là hoang đường
Hôm 22/8 vừa qua, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã đăng tải bài viết về khí hậu Trung Quốc, trong đó sử dụng bản đồ đường lưỡi bò gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Dĩ nhiên, sự việc này nhận được những phản đối mạnh mẽ của truyền thông và dư luận Việt Nam.
Trong buổi họp báo thường kỳ chiều 25/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trang WMO dùng bản đồ có đường lưỡi bò, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho rằng, mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá và đăng tải những nội dung, hình ảnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông đã được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 là vô giá trị.
“Việt Nam yêu cầu các quốc gia, các tổ chức tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các vùng biển liên quan ở Biển Đông, gỡ bỏ và sửa đổi những nội dung không phù hợp đó”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thêm.
Đáng chú ý, WMO là tổ chức liên chính phủ với 193 quốc gia thành viên và vùng lãnh thổ. Được thành lập sau phê chuẩn công ước WMO vào ngày 23/3/1950, WMO trở thành cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc về khí tượng (khí hậu và thời tiết), hoạt động thủy văn và khoa học địa vật lý liên quan một năm sau đó.
Trước sự phản ứng của dư luận, cũng như sự lên tiếng chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 25/8 WMO đã cắt một phần bản đồ có hình đường lưỡi bò trong bài đăng trên facebook, thay bằng một bản đồ mới. Tuy nhiên, với vị trí, vai trò, tầm ảnh hưởng như thế, việc WMO đăng tải hình ảnh, thông tin sai sự thật là điều không thể chấp nhận.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên các Tổ chức quốc tế đăng tải hình ảnh có bản đồ đường lưỡi bò. Bằng nhiều phương pháp, thủ đoạn, đường lưỡi bò luôn len lỏi xuất hiện ở những nơi, những điểm mà nó có thể đến, từ phim ảnh, sản phẩm, sách báo, đến các tạp chí, game.
Chẳng hạn: Câu chuyện Tạp chí khoa học nổi tiếng Science đăng bài báo có bản đồ “đường lưỡi bò”, sau khi bị nhiều nhà khoa học Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ, Tạp chí này hiện đã rút bài trên Facebook.
Trước đó, nhiều hãng thời trang đình đám thế giới như: H&M, Chanel, Louis Vuitton, Gucci, UNIQLO, YSL… công khai hiển thị bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp ngay trên website của mình.
Cụ thể, khi vào website phiên bản tiếng Trung của các hãng này, người dùng dễ dàng bắt gặp phần bản đồ hiển thị định vị cửa hàng ở đầu trang. Chỉ cần thu quy mô của bản đồ ra khu vực châu Á, người xem dễ dàng nhìn thấy hình ảnh “đường lưỡi bò” sắc nét, “nuốt” hết Biển Đông, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam..v..v.
Điều quan trọng hơn, thông qua sự việc này, cùng với những chứng cứ pháp lý rõ ràng, Việt Nam cũng cần các quốc gia, tổ chức quốc tế công nhận, tôn trọng về chủ quyền biển đảo với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhân đây, một lần nữa nói về đường lưỡi bò, ngược dòng thời gian trở lại năm 1909, năm Tuyên Thống thứ nhất, Tổng đốc Quảng Đông Trương Nhân Tuấn phái một số chiến hạm đi thám sát Hoàng Sa mặc dù nhân danh “nhà nước Đại Thanh” song thực chất là chính quyền địa phương.
Người Pháp đã có bài học sâu sắc về lối hành xử luôn mập mờ, nửa hư nửa thực như vậy của Trung Quốc, nếu gặp phản ứng quyết liệt thì họ sẽ cho rằng tại chính quyền địa phương “có sai sót”. Còn không thì họ sẽ lấn tới. Trong những năm 1990, Trung Quốc cũng đã nhiều lần áp dụng cách như vậy trên Biển Đông với Việt Nam, họ gây căng thẳng rồi đổ lỗi cho các cơ quan địa phương, sau đó dàn xếp “trên tinh thần đại cục”.
Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà bà Tôn Văn - học giả gốc Hoa thuộc Viện nghiên cứu Stimson (Hoa Kỳ) đã nhiều lần công bố với thế giới sự phi lý áp đặt về đường lưỡi bò. Bà Tôn Văn khẳng định: “Mặc dù thiếu căn cứ pháp lý nhưng Trung Quốc vẫn duy trì như một “chiến lược mờ ảo” và quyết tâm dùng vũ lực để khẳng định chủ quyền trên vùng Biển Đông. Sự kiện Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988 là minh chứng cho ý đồ đó của Trung Quốc”.
>>Cảnh giác với chiêu bài "đường lưỡi bò"
>>Chiến lược “đường lưỡi bò” vẫn âm ỉ
>>Trung Quốc nên từ bỏ “đường lưỡi bò” ở Biển Đông
Cũng cần nhắc lại, yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông hay còn gọi là đường lưỡi bò sớm đã bị Tòa trọng tài Thường trực quốc tế ở The Hague Hà Lan bác bỏ trong vụ kiện mà Bắc Kinh thua trước chính quyền Philippines năm 2016.
Tòa quốc tế khẳng định đường lưỡi bò của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, Bắc Kinh cũng không có quyền lịch sử ở Biển Đông. Việt Nam trong các tuyên bố chính thức đều khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa của Hà Nội là không thể xâm phạm.
Gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã ra tuyên bố bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở hầu hết khu vực Biển Đông. Mỹ cũng coi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là trái pháp luật.
Đáng chú ý, trong tuyên bố này, Bộ Ngoại giao Mỹ hoàn toàn bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với cái gọi là đường chín đoạn mà Bắc Kinh đưa ra năm 2009; bác bỏ mọi tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các vùng biển xung quanh Bãi Tư chính của Việt Nam.
Mỹ cũng không chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng biển nằm ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa..v..v.
Mặt khác, Trung Quốc nhiều lần khẳng định Biển Đông nên là chuyện giữa Trung Quốc và ASEAN, bác bỏ “sự can thiệp của các thế lực bên ngoài”. Nhưng dường như đó cũng chỉ là phát biểu một chiều từ phía cường quốc này. Bởi trên thực tế các nước ASEAN luôn muốn giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Việc Philippine, Malaysia, kể cả Việt Nam cũng đã gửi công hàm phản đối lên Liên Hợp Quốc, thậm chí kiện Trung Quốc ra Tòa Quốc tế là minh chứng rõ nhất.
Hơn nữa, trong một phát biểu rất thẳng thắn của Bộ trưởng châu Âu và ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian thì: “Đại dương giờ là đối tượng của hành vi “săn mồi”, tội phạm và đe dọa hệ sinh thái của hàng triệu người. Vì vậy, an ninh hàng hải là “bài kiểm tra lớn cho chủ nghĩa đa phương” và cần có sự huy động quốc tế lớn hơn, nhấn mạnh an ninh hàng hải bao gồm sự tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Điều này cũng có nghĩa, Biển Đông là vấn đề chung, cả thế giới cần giải quyết nó bằng nỗ lực chung. Việc có hay không sự can thiệp quốc tế vào an ninh biển sắp tới sẽ là chủ đề nóng, ảnh hưởng trực tiếp tới đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc.
Chính sự can thiệp của quốc tế chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc gặp khó trong các tính toán hiện nay, dù Bắc Kinh muốn diễn giải UNCLOS 1982 hay luật pháp quốc tế theo bất cứ cách hiểu nào.
Khi đó, đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra cũng chỉ dừng lại ở tham vong và giấc mơ bá quyền ở Biển Đông khó trở thành hiện thực.
Có thể bạn quan tâm
Đường lưỡi bò tiếp tục bị chỉ trích là hoang đường
05:00, 25/04/2022
Cảnh giác với chiêu bài "đường lưỡi bò"
05:00, 17/09/2021
Đường lưỡi bò "núp bóng" hàng hiệu: Việt Nam yêu cầu các hãng thời trang tôn trọng chủ quyền
17:07, 08/04/2021
Đường lưỡi bò "núp bóng" hàng hiệu: Chiêu thức thâm hiểm của Trung Quốc!
05:00, 07/04/2021
Chuyện các thương hiệu thời trang đăng tải “đường lưỡi bò”
06:34, 05/04/2021
Nghi vấn H&M đăng ảnh có "đường lưỡi bò": Làn sóng kêu gọi tẩy chay H&M đang lan rộng!
14:37, 03/04/2021
Chiến lược “đường lưỡi bò” vẫn âm ỉ
05:28, 22/03/2021
Trung Quốc nên từ bỏ “đường lưỡi bò” ở Biển Đông
05:00, 21/09/2020
Vụ Netflix chiếu phim có "đường lưỡi bò": Sẽ xử lý nếu còn vi phạm!
05:00, 15/09/2020
Netflix chiếu phim có "đường lưỡi bò": Không thể khoan nhượng!
06:29, 14/09/2020