Quyền học tập của trẻ em và chuyện quy hoạch của "người lớn"

VŨ PHƯỜNG 30/08/2022 11:00

Những ánh mắt ngây thơ không thể biết rằng, lá thăm “may rủi” trong quyền được học của các em là hệ quả của sự “thất bại” trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

>>> Quyền được học và lá thăm may rủi

Sự việc trường Mầm non Hoàng Liệt (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) tổ chức bốc thăm tuyển sinh cho những bé 3 và 4 tuổi trên địa bàn để được vào học tại trường diễn ra gần đây vẫn đang làm nóng dư luận. Bởi, đây là lần đầu tiên một trường mầm non công lập phải áp dụng lá thăm may rủi trong việc tuyển sinh, khi phần lớn trẻ mầm non đủ điều kiện đến trường.

Phụ huynh mong mỏi được sở hữu “lá thăm may mắn” cho con vào học trường công lập

Phụ huynh mong mỏi được sở hữu “lá thăm may mắn” cho con vào học trường công lập

Đã bốc thăm là chấp nhận may rủi. Những bậc phụ huynh ở phường Hoàng Liệt đã phải làm cái việc “cực chẳng đã” là chọn cách làm mang tính may rủi này để lo cho con một chỗ học tập đàng hoàng. Bởi, đã có người bốc được lá thăm may mắn, vỡ òa niềm vui vì con mình trúng tuyển, thì hẳn sẽ có những ông bố, bà mẹ phải vỡ vụn niềm hi vọng sau khoảng thời gian hồi hộp đợi chờ, ngậm ngùi tìm phương án khác cho con.

Chấp nhận bốc thăm để lựa chọn ngẫu nhiên cho trẻ vào mẫu giáo – phải nói rằng, những người làm giáo dục và chính quyền địa phương cũng đã “hết cách” khi mà năng lực của hệ thống mẫu giáo công lập chỉ có 559 chỉ tiêu, trong khi có tới 939 hồ sơ đăng ký. Như bà Trương Thu Hà, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai từng bày tỏ, "vì điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở không thể đáp ứng được hết nhu cầu gửi trẻ vào trường mầm non công lập của người dân là điều chúng tôi rất trăn trở, mong cha mẹ phụ huynh chia sẻ”…

Chấp nhận bốc thăm may rủi để tìm một suất vào trường mẫu giáo công lập cho con quả là “khổ”, là “chưa từng có tiền lệ”. Nhưng với những gia đình trẻ, công nhân lao động thu nhập thấp thì đó là cách để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Nếu phải cho con đi học trường tư với chi phí cao gấp 4 lần, mà những gia đình thu nhập thấp kiểu này ở phường Hoàng Liệt thì nhiều vô kể. Bởi lẽ, ngoài cư dân bản địa thì hầu hết là cư dân mới nhập cư, mua nhà chung cư tại đây. Trong bối cảnh đó, thật đáng ghi nhận khi chính quyền cam kết sẽ mở đủ 13 lớp mẫu giáo lớn, tuyển 100% trẻ em 5 tuổi ra lớp, thực hiện phổ cập giáo dục mầm non.

Hình ảnh cha mẹ đạp đổ cổng trường trong mùa tuyển sinh 10 năm trước đã đi vào

Hình ảnh cha mẹ đạp đổ cổng trường trong mùa tuyển sinh 10 năm trước đã đi vào "lịch sử tuyển sinh" của trường Tiểu học Thực nghiệm Hà Nội.

Hà Nội đã từng chứng kiến cảnh phụ huynh xếp hàng trong đêm, chen nhau đạp đổ cổng trường để nộp hồ sơ cho con vào trường thực nghiệm. Còn giờ, là chuyện bốc thăm vào mẫu giáo, dẫu được chấp nhận nhưng cũng là “hạ sách” của người lớn trước những đôi mắt ngây thơ của trẻ con.

Theo các chuyên gia, câu chuyện ở Hoàng Liệt, nhìn rộng ra không phải là lỗi của trường mầm non mà chính là hậu quả của những bất ổn trong công tác quy hoạch ở Thủ đô Hà Nội.

Từ một xã thuần nông với 4.500 hộ, 14.000 dân, sau 5 năm lên phường (2015), Hoàng Liệt đã có 8.500 hộ với dân số khoảng 32.000 người. Giờ thì Hoàng Liệt có hơn 80 tòa chung cư với hơn 85.000 dân, chen chúc nhau trong một diện tích tự nhiên chỉ 4,89km2. Mật độ dân số tới 17.382 người/km2 và mỗi năm lại có thêm 2.000 công dân mới chào đời.

Hoàng Liệt cũng đã từng rơi vào cảnh quá tải này cách đây chưa lâu, khi trạm y tế phường mỗi ngày có tới gần 2.000 người dân đến xin xác nhận F0. 11 nhân viên y tế phải chăm sóc sức khỏe cho hơn 85.000 dân. Một cảnh sát khu vực phải quản lý 2.300 hộ, tương đương 7.600 nhân khẩu, gấp 3-4 lần mức bình quân. Còn học sinh thì phải học theo ca, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Và giờ, đến các cháu mầm non cũng phải bốc thăm để được đi học.

Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần siết chặt công tác quản lý quy hoạch, quản lý quy mô dân số để đảm bảo tốt nhất công tác an sinh xã hội (Ảnh: Vũ Phường)

Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần siết chặt công tác quản lý quy hoạch, quản lý quy mô dân số để đảm bảo tốt nhất công tác an sinh xã hội. Ảnh: Vũ Phường

Dân cư tăng cơ học một cách chóng mặt mà cơ sở hạ tầng thì không đáp ứng kịp. Cần phải xem chuyện của Hoàng Liệt hôm nay là một sự sai lầm, một sự thất bại trong quy hoạch phát triển của Hà Nội. Không thẳng thắn nhìn nhận bài học này thì câu chuyện “bốc thăm” ở Hoàng Liệt sẽ còn diễn ra bất cứ chỗ nào của Hà Nội trong nay mai.

Việc bốc thăm là để đảm bảo tính vô tư, công bằng của các cô giáo mầm non với phụ huynh. Tuy nhiên, trong một xã hội văn minh, các chính sách an sinh, nhất là việc học tập của trẻ em cần phải được tính toán một cách bài bản và có trách nhiệm.

Để giải quyết tình trạng này, không gì khác hơn là các cơ quan chức năng phải siết chặt việc quản lý quy hoạch; quản lý, giám sát nghiêm việc xây dựng hạ tầng nói chung, hạ tầng xã hội nói riêng tại các khu đô thị mới; ngăn chặn lợi ích nhóm “núp” dưới hình thức điều chỉnh quy hoạch.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý quy mô dân số, mật độ dân số để đảm bảo tốt nhất công tác an sinh cho người dân trên địa bàn. Khi hệ thống pháp luật về vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng hiện nay đã khá đồng bộ và chặt chẽ, thì vấn đề còn lại chính là nhân tố con người.

Có thể bạn quan tâm

  • Quy hoạch Hà Nội thành không gian sống xứng tầm Thủ đô

    Quy hoạch Hà Nội thành không gian sống xứng tầm Thủ đô

    05:00, 20/03/2022

  • Chú trọng liên kết vùng trong quy hoạch Hà Nội

    Chú trọng liên kết vùng trong quy hoạch Hà Nội

    05:00, 10/12/2021

  • Điều chỉnh quy hoạch Hà Nội là cần thiết

    Điều chỉnh quy hoạch Hà Nội là cần thiết

    05:00, 18/11/2021

  • Những dự án nào đang “phá nát” quy hoạch Hà Nội?

    Những dự án nào đang “phá nát” quy hoạch Hà Nội?

    14:12, 03/06/2019

  • "Điệp khúc" điều chỉnh quy hoạch Hà Nội: Nguy cơ tiền lệ xấu

    14:18, 10/01/2019

VŨ PHƯỜNG