Để hàng rong thành nét đẹp của đô thị thông minh
TP HCM từng ra quân dẹp hàng rong ở các tuyến đường quận 1, quận 3, nhưng quan điểm của ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM lại khác.
>>Máy bán hàng tự động có “thay” được gánh hàng rong?
Chúng ta đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh, nhưng dù thông minh thế nào cũng phải nhân văn và nhân văn nhất là quan tâm tới người dân, đặc biệt là dân nghèo.
Không chỉ là gánh hàng
Trên con phố nhỏ, ngõ nhỏ, không khó để bắt gặp những người bán hàng rong lam lũ, len lỏi ngược xuôi với đôi quanh gánh nặng trĩu chở đầy thức quà vặt theo mùa.
Những người bán hầu hết là những người tỉnh lẻ hoặc ở ngoại thành. Đằng sau đôi quang gánh là những tất tả mưu sinh và bao nỗi lo toan nhọc nhằn thường nhật. Họ có thể là những người phụ nữ tần tảo hoặc là người cha phải gánh gồng, là trụ cột kinh tế cho cả một gia đình…
Những ảnh hưởng tích cực của việc bán hàng rong mang lại chúng ta không thể phủ nhận, nó đã giải quyết được vấn đề việc làm cho rất nhiều người nghèo, thu nhập thấp, không bằng cấp, không công ăn việc làm. Hàng rong cũng là lối thoát khá hiệu quả đối với khối lượng sản phẩm lớn của những người sản xuất nhỏ và đáp ứng được phần nào thị hiếu của người dân thành thị.
Xét trên một góc độ khác, hàng rong ở một thời điểm nào đó đã từng rất đẹp, đã từng rất nên thơ và trở thành nét văn hóa quen thuộc. Một nét văn hóa rất riêng của những đô thị lớn như TP.HCM, đặc biệt là Hà Nội – gắn liền với hình ảnh Thủ đô.
Với người Hà Nội, những gánh hàng rong không chỉ là ký ức mà còn chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng rất riêng. Người Hà Nội quen với mua đồ ăn từ những người bán rong. Đó cũng là cách thưởng thức ẩm thực rất riêng.
Một người dân Hà Nội từng tâm sự: “Tôi đã sống ở Hà Nội gần 50 năm và chứng kiến bao đổi thay của Thủ đô nhưng những gánh hàng rong vẫn vậy, vẫn là một nét rất xưa cũ và gắn bó. Nó giúp tôi nhớ về những năm tháng khó khăn ngày xưa. Vì thế sẽ thực sự tiếc nuối nếu Hà Nội vắng đi hình ảnh quen thuộc của những gánh hàng rong”.
Còn đối với khách du lịch, văn hóa hàng rong cũng trở thành nét rất riêng, độc đáo. Không khó để bắt gặp những hình ảnh người nước ngoài thích thú thưởng thức ẩm thực trên phố.
Không những vậy, không phải ngẫu nhiên, những gánh hàng rong lại xuất hiện và trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sỹ sáng tác. Nhà văn Thạch Lam trong “Hà Nội băm sáu phố phường” đã miêu tả rất kỹ hình ảnh những gánh hàng rong trên đường phố Hà Nội.
Từ những tiếng rao trong “tang tảng sáng, lẫn với tiếng quét đường” đến những thức quà ngon, nóng hổi: bánh cuốn, bún phở, xôi, bánh rán, đậu nóng... đầy hấp dẫn trong từng đôi quang gánh. Trong “Thương nhớ mười hai”, Vũ Bằng cũng dành những trang viết tinh tế về nét đẹp văn hóa Hà Thành trong đó khẳng định giá trị của văn hóa hàng rong..v..v.
TP.HCM, Hà Nội ngày nay không còn được cổ kính như xưa, thay vào đó là những dãy nhà cao tầng, những trung tâm thương mại sầm uất. Song những gánh hàng rong sẽ là khoảng lặng quý giá trong đời sống đô thị. Và Hà Nội, TP.HCM vẫn không thể thiếu những gánh hàng rong.
Những gánh hàng rong ấy sẽ là một yếu tố góp phần níu giữ lại nét văn hóa xưa, làm nên nét đặc trưng của văn hóa Hà Nội, Sài Gòn đã tồn tại tự bao đời nay!
>>Học kinh doanh từ... hàng rong
Quản lý thế nào?
Đi cùng với đô thị hóa, những gánh hàng rong cũng có nhiều thay đổi. Những tiếng rao bán ngày càng thưa vắng. Xe đạp dần thay thế phương thức đi bộ bán hàng và đòn gánh. Kỹ thuật rao cũng đã được hiện đại hóa và thích ứng bằng những chiếc loa điện được ghi âm sẵn.
Sự phát triển của công nghệ, với những ứng dụng rao hàng thời 4.0 phần nào cũng khiến cho những gánh hàng rong không còn phát triển, được ưa chuộng như trước.
Thêm vào đó, mặt trái của việc bán hàng rong như: lấn chiếm vỉa hè, nhiều hàng quán không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng phần nào giảm sức hút của loại hình buôn bán này.
Qua đó, có thể hiểu một bộ phận cán bộ của thành phố muốn dẹp hàng rong cho “nhẹ gánh” với lý do bảo đảm trật tự và văn minh đô thị. Không ít tỉnh thành như TP HCM, Hà Nội cũng lập khu buôn bán riêng cho họ, từng ban hành quy định về các tuyến phố cấm bán hàng rong.
Nhìn rộng ra, tư duy của các nhà quản lý muốn loại bỏ hàng rong để đô thị phát triển, văn minh như ở Singapore hay Malaysia. Ví dụ ở Thái Lan vẫn có hàng rong và họ thực hiện rất tốt việc quản lý hình thức kinh doanh này tùy theo khu vực và thời gian. Nhưng hãy nhớ, Chính phủ nước này đã phải bỏ lệnh cấm bán hàng rong, vì nó là một phần của du lịch, nếu loại bỏ hoàn toàn thì họ sẽ mất khách.
Trong buổi làm việc với Quận 1 mới đây, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định rằng, dù là quận trung tâm, là “mặt tiền” của thành phố năng động nhất nước thì vẫn không nên nghĩ “đó là chỗ dành cho người giàu” mà đó cũng là nơi sinh sống, làm ăn của nhiều người nghèo, người lao động chân tay, đặc biệt là người bán hàng rong.
Ông Phan Văn Mãi chia sẻ: “Nếu có 100, 200 hay 300 người buôn gánh bán bưng thì cũng phải tìm hiểu họ là ai, cách thức như thế nào và tạo sinh kế gì cho người ta sống được, đừng nghĩ đẩy người ta ra khỏi chỗ này”.
Dĩ nhiên, quan điểm đó của vị Chủ tịch TP.HCM khiến dư luận “dậy sóng”, hoan hỉ vì đã nhìn nhận về hàng rong một cách khách quan và có tính nhân văn cao. Bởi vì, hàng rong không phải bây giờ mới có mà nó đã tồn tại hàng trăm năm nay. Nếu chính quyền quyết dẹp hàng rong thì cần phải làm cho họ có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, yên tâm làm công dân thành phố chứ không chỉ là người làm thuê, bán hàng rong... ăn nhờ, ở đậu, luôn mặc cảm mình là những người suốt đời “thấp cổ bé họng” không dám ngẩng đầu lên.
Tức là, một khi không thể lo triệt được cái gốc là công ăn việc làm an toàn và dài lâu cho hàng triệu người lao động thì những gánh hàng rong vẫn còn đó. Để thay đổi, tạo dựng văn hóa hàng rong văn minh, đẹp đẽ hơn thì cần có những biện pháp, chính sách hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững.
Có thể nói, dù hàng rong vẫn còn có những sự phiền lòng về nó, nhưng hàng rong vẫn xứng đáng được bảo tồn gìn giữ những nét đẹp khi đã gắn liền với những bức tranh dung dị của cuộc sống, của thói quen sinh hoạt thường nhật của con người, gắn liền với văn hóa con người Việt Nam nói chung.
Có thể bạn quan tâm
Máy bán hàng tự động có “thay” được gánh hàng rong?
05:00, 18/04/2022
Hàng rong ế ẩm vì dịch COVID-19
13:05, 24/03/2020
Startup công nghệ “giải cứu” những gánh hàng rong tại Indonesia
04:26, 29/08/2019
Học kinh doanh từ... hàng rong
04:08, 30/09/2018
Doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng như “gánh hàng rong”
05:42, 17/06/2018