Nhà ở xã hội - thành công đến từ hai phía
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ Bộ Xây dựng phối hợp các bộ ngành hoàn thành đề án xây dựng 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2022 -2030.
>>Kiến nghị cho phép chuyển giao quỹ đất 20% xây nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng nói gì?
Nhu cầu về chỗ ở “an cư lạc nghiệp” cho công nhân viên làm việc trong các khu kinh tế, khu công nghiệp đặc biệt là trong các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, cũng như với số đông người lao động có thu nhập thấp “làm công ăn lương” dạng công nhật là nhu cầu thiết yếu có thật.
Thực tế ở các vành đai bao quanh các khu công nghiệp tồn tại rất nhiều khu nhà trọ tồi tàn, ẩm thấp…, tất tật gói gọn trong khoảng hơn chục mét vuông để ăn, ở, sinh hoạt, vệ sinh. Thiết bị cũ nát, hệ thống thoát nước, cấp nước, cấp điện phập phù. Nắng thì như lò nung, mưa thì dột, rồi lụt lội, ruồi muỗi phát sinh ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý của người lao động.
Thấu hiểu vấn đề đó, kết luận tại hội nghị “Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp” diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ Bộ Xây dựng phối hợp các bộ ngành hoàn thành đề án xây dựng 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2022 -2030. Yêu cầu đề án phải được hoàn thành ngay trong tháng 8/2022.
Điều này thể hiện tinh thần chỉ đạo quyết liệt cũng như sự quan tâm của Chính phủ đối với việc tạo chốn an cư cho công nhân viên, người có thu nhập thấp, đảm bảo công tác an sinh xã hội cũng như thể hiện sự nhân văn trong công tác điều hành, không để ai bị bỏ lại trong sự tiến lên của nền kinh tế xã hội Việt Nam.
>>Nhà ở xã hội vướng "vòng kim cô"
>>Một triệu căn nhà ở xã hội
>>Giảm thủ tục phiền hà, thêm cơ chế ưu đãi đầu tư nhà ở xã hội
Hiểu rõ thực trạng vấn đề khó khăn khi thực hiện dự án nên Thủ tướng chỉ đạo rõ ràng về nhiệm vụ cho doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Theo đó, đối với doanh nghiệp cần cam kết giữ đúng lời hứa, thực hiện đúng theo kế hoạch “đăng ký một việc nhưng phải làm. Đối với địa phương cần hợp tác tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “nói một đằng làm một nẻo”.
Thực tế, để thực hiện kế hoạch này là việc không hề đơn giản, khi nghe có vẻ dài nhưng chỉ có hơn 07 năm để thực hiện. Trong khi dự án xây dựng nhà ở là liên quan đến việc công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư xây dựng.
Điều này cần sự đồng hành hỗ trợ từ cấp thượng tầng vĩ mô như việc cải cách sửa đổi Luật Đất đai tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho chính quyền địa phương dễ thực hiện. Đặc biệt cần có sự điều chỉnh ưu tiên cho quỹ đất dành xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tiếp đến ở cấp vi mô, doanh nghiệp phải có đủ lực, đủ tầm, lãnh đạo địa phương phải thực sự quan tâm đến dự án, giải quyết vướng mắc với cả tình thương và trách nhiệm với con người. Không tư duy nhiệm kỳ hay đòi hỏi chia phần trong dự án thì công việc mới thuận lợi. Chứ còn mưu mô tư lợi mời chào dự án kiểu “trên trải thảm, dưới trải đinh” thì các nhà đầu tư sẽ tìm cách lấy lý do chây ỳ, biện bạch câu giờ, giữ đất, treo dự án để đảm bảo quyền lợi của mình.
Địa phương không quyết liệt minh bạch trong công tác giải phóng đền bù tạo mặt bằng sạch thì chắc chắn sẽ dây dưa, nhùng nhằng, bắt nhà đầu tư chờ đợi trong khi thời gian thì không đợi ai cả.
Hiện trạng đến giờ vẫn không thiếu những khu đô thị bị bỏ hoang cho trâu bò vào gặm cỏ, những căn biệt thự xây thô hoành tráng để cho chuột ở. Trong khi bao người thì chỉ mong có nơi ở hợp lý đảm bảo cho sức khỏe, có đủ không gian để sinh hoạt riêng tư.
Tham gia đăng ký thực hiện đề án lần này thực sự là các nhà đầu tư có uy tín, thương hiệu, nguồn lực mạnh mẽ: Vingroup cam kết sẽ đầu tư 500.000 căn, Novaland đăng ký con số 200.000 căn, Him Lam với 75.000 căn và Becamex 120.000 căn nhà ở xã hội.
Nên chăng các đơn vị tham khảo cách làm của Tập đoàn Hoàng Quân, đơn vị đã triển khai xây dựng chuỗi 24 dự án ở nhiều địa phương với hơn 35.000 sản phẩm nhà ở xã hội cho công nhân ở khu vực phía nam, để tất cả cùng tiến.
Lãnh đạo chính quyền mạnh dạn cắt bớt thủ tục, giảm bớt thời gian phê duyệt, nhanh chóng bàn giao mặt bằng. Nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng tiến độ thì công nhân lao động mới có cơ hội rời những khu trọ xập xệ đến chỗ ở mới với đủ tiện ích cơ bản để an cư đúng như lời Thủ tướng yêu cầu.
Cơ chế thanh toán nhà ở xã hội cần đa dạng như trả góp, ngân hàng cho vay bằng thế chấp, tín chấp, hay doanh nghiệp cho thuê dài hạn. Để đảm bảo đề án này thành công có lẽ cần lập tổ công tác đặc biệt tư vấn, hỗ trợ giải quyết vướng mắc cho cả hai phía doanh nghiệp và chính quyền.
“Muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì cần có bạn”. Doanh nghiệp có lực, có tâm kết hợp lãnh đạo có tầm thì công nhân lao động có thể yên tâm làm việc, tích lũy để có ngày được dọn về ngôi nhà mới.
Lúc đó đời thật đẹp như lời bài ca:
“Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu. Nghe máu trong tim hòa niềm vui lâng lâng lời ca…
Dòng sông mát xanh chảy quanh phố phường
Và nhiều công trường xây niềm vui mới…”.
Vâng! Ngày đó là ngày vui của người dân, thành công của doanh nghiệp và trách nhiệm của chính quyền.
Có thể bạn quan tâm
Kiến nghị cho phép chuyển giao quỹ đất 20% xây nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng nói gì?
03:00, 28/08/2022
Nhà ở xã hội vướng "vòng kim cô"
11:00, 25/08/2022
Sớm sửa Thông tư 20/2021/TT-NHNN để khơi thông gói hỗ trợ vay vốn ưu đãi nhà ở xã hội
04:00, 14/08/2022
Quảng Ninh: Mục tiêu xây dựng 25.000 căn nhà ở xã hội
07:01, 13/08/2022
Hải Phòng dành 433 ha đất phát triển nhà ở xã hội
11:48, 12/08/2022
Một triệu căn nhà ở xã hội
01:00, 07/08/2022
Tập đoàn Hưng Thịnh cam kết xây dựng 150.000 nhà ở xã hội
08:36, 06/08/2022
Hải Phòng: Tìm nhà đầu tư cho khu nhà ở xã hội gần 4.400 tỷ đồng
01:00, 06/08/2022