Làm gì để ngăn chặn các vụ cháy quán karaoke?
Liên tiếp các vụ cháy quán hát karaoke xảy ra gần đây kể từ thời điểm quyết định cho mở cửa trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
>>Tăng nặng mức xử phạt chung cư vi phạm phòng cháy chữa cháy
Gần đây nhất vào hồi 21h ngày 6/9, quán karaoke An Phú nằm trên đường Trần Quang Diệu (phường An Phú, TP Thuận An) bất ngờ bốc cháy dữ dội. Số người chết lên đến con số hết sức đau lòng - 33 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương. Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy địa phương đã sử dụng thang giải cứu được hơn hai chục người, nếu không hậu quả còn thảm khốc hơn nữa.
Nguyên nhân gây ra hỏa hoạn chắc chắn sẽ được điều tra. Người nào làm sai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý thích đáng theo pháp luật. Nhưng dù có xử lý như thế nào cũng không thể làm sống lại những người đã bỏ mạng trong vụ cháy, người bị thương tật cơ thể, cũng như sự ám ảnh sợ hãi kinh hoàng về tinh thần đi theo suốt cuộc đời.
Nhìn từ các ảnh tại hiện trường thấy rõ vấn đề trong thiết kế xây dựng. Quán hát có có ba tầng, với hàng chục phòng hát mà biển hiệu quảng cáo thì choán hết diện tích phần bên ngoài. Không hề thấy cầu thang thoát hiểm bên ngoài. Không có đèn tích điện chiếu sáng khi có sự cố, biển báo hướng dẫn thoát nạn… Trong khi đặc thù của phòng hát karaoke sử dụng vật liệu cách âm, rất dễ cháy tỏa nhiều khói khí độc.
Quán hát karaoke sử dụng lượng điện tiêu thụ cho dàn máy, dàn đèn, điều hòa rất cao, nguy cơ cháy chập do điện rất lớn. Khách đến quán hát phần lớn có sử dụng bia rượu, không quen đường đi lối lại nên xảy ra sự cố cháy nổ rất dễ hoảng loạn. Bằng chứng cho thấy không ít người phải liều mình nhảy xuống đất, đánh cược với tử thần để thoát khỏi đám cháy.
>>VCCI đề nghị đơn giản hóa thủ tục phòng cháy chữa cháy
>>Xã hội hóa phòng cháy chữa cháy: Vì sao chưa hiệu quả?
>>Nhiều chủ đầu tư "lờ" trang bị hệ thống PCCC
Để ngăn chặn những sự vụ đau lòng tương tự xảy ra, có lẽ cần tạo một hành lang pháp lý quy định, quy chuẩn rõ ràng, minh bạch hơn cho dịch vụ kinh doanh phòng hát. Về thiết kế, công suất điện tiêu thụ, lối thoát hiểm, thoát nạn, hệ thống báo khói, báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy tự động, đèn sự cố, biển hiệu hướng dẫn… Không thể để nơi vui chơi giải trí theo nhu cầu chính đáng của con người lại thành nơi tử địa với những cái chết thảm khốc được báo trước.
Thêm nữa, các nhân viên làm việc tại phòng hát phải được tập huấn đào tạo về phòng cháy, chữa cháy. Thực hiện được phương châm bốn tại chỗ về chữa cháy (Chỉ huy tại chỗ. Lực lượng tại chỗ. Phương tiện tại chỗ. Vật tư hậu cầu tại chỗ) sẽ góp phần nâng cao ý thức, trình độ, kĩ năng xử lý đám cháy cho mọi người.
Nếu như có nhân viên sử dụng tốt bình chữa cháy xử lý đám cháy ngay từ đầu, có nhân viên bình tĩnh hướng dẫn mọi người thoát hiểm, thì thảm họa có thể đã không xảy ra.
Chính bản thân người viết đã xử lý một đám cháy do chập điện tại một hội trường cưới lớn ở thành phố Hải Phòng. Khi đám dây diện bắt lửa do quá tải nóng chảy lép bép, nhân viên nhà hàng hốt hoảng chỉ trỏ nhưng không biết làm gì. Khi đám dây điện cháy bắt đầu tỏa khói khét, người viết lấy bình chữa cháy dạng khí gần đó, giật chốt xịt thẳng vào đám cháy. Chỉ tầm chục giây, ngọn lửa được dập tắt, toàn bộ khu vực dây điện cháy bị khí lạnh làm lạnh không còn khả năng phát cháy.
Trong lúc đó, hội trường đối diện có hàng trăm người đang dự tiệc cưới, nếu không xử lý tốt chỉ thông tin hô cháy thôi thì chắc chắn sẽ có hỗn loạn, giẫm đạp nhau khi đám cháy bùng to. Sau sự cố đó, quản lý tòa nhà đã tìm gặp người viết để nói lời cảm ơn. Việc xử lý gọn gàng này chính nhờ người viết thường xuyên được đào tạo và diễn tập các tình huống xử lý cháy nổ tại nơi làm việc.
Phòng cháy là việc chính, chữa cháy, thoát nạn là kĩ năng sống mà mỗi người nên tự trang bị cho mình. Việc đầu tiên là bình tĩnh phán đoán tình trạng để xử lý tình huống, càng hoảng loạn càng dễ bị hít phải khói khí độc từ đám cháy. Chỉ cần vài lần hít khí độc là sẽ ngất, hôn mê và chết ngạt trước khi chết do bỏng nhiệt từ đám cháy. Các kĩ năng thoát thân như bò sát nền nhà, quấn khăn, áo ướt quanh mũi, ngăn khói khí độc vào phổi là điều nhiều người biết nhưng khi vào thực tế không áp dụng được.
Cho nên tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke, quán bar... có nguy cơ về cháy nổ cần được tổ chức diễn tập thoát hiểm, thoát nạn khi có cháy, nổ. Khi tham gia diễn tập giúp thần kinh quen với tình huống nguy hiểm, hình thành tâm lý bình tĩnh khi gặp tình huống cháy nổ ở bên ngoài. Người chủ kinh doanh thay vì dùng “quan hệ” để né tránh thanh tra, kiểm tra về công tác phòng cháy, hãy chủ động đầu tư trang thiết bị, tiến hành tập huấn để bảo vệ tính mạng của khách hàng, nhân viên…, cũng chính là bảo vệ tài sản, lợi nhuận của bản thân mình.
Có thể bạn quan tâm
Hướng dẫn cách phòng cháy chữa cháy đối với các hộ dân đang sinh sống trong đô thị
11:32, 19/07/2022
Điều kiện phòng cháy chữa cháy cho điện mặt trời mái nhà
15:00, 18/07/2022
Đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy cho cơ sở sản xuất kinh doanh
16:30, 19/04/2022
Phòng cháy chữa cháy cho công trình cao tầng: Cần giải pháp đồng bộ
12:35, 17/12/2021