Công chức nghỉ việc và chuyện cải cách tiền lương
Câu chuyện chế độ tiền lương và thu nhập vẫn luôn là vấn đề nóng trên nhiều diễn đàn, đặc biệt sau “làn sóng” nghỉ việc xảy ra thời gian qua.
>>Tiến tới doanh nghiệp "tự chủ" tiền lương
Tại Việt Nam, chính sách tiền lương đã trải qua 4 lần cải cách (năm 1960, 1985, 1993 và 2003). Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản điều chỉnh, bổ sung, từng bước hoàn thiện chính sách tiền lương. Từ năm 2003 đến nay, nước ta đã thực hiện tăng mức lương tối thiểu chung 13 lần.
Mặc dù vậy, chính sách tiền lương trong khu vực công vẫn còn phức tạp. Hệ thống bảng lương còn chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, mang nặng tính bình quân, cào bằng, chưa tạo được động lực để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.
Đây là nguyên nhân lớn dẫn đến sự dịch chuyển lao động từ môi trường công sang tư. Dù biết, sự dịch chuyển đó như một điều bình thường trong bất cứ ngành nghề, khu vực, lĩnh vực nào.
Đây là hiện tượng tự nhiên của đời sống kinh tế - xã hội và thể hiện sự năng động, sức hút và sự hấp dẫn về nhiều mặt của khu vực ngoài nhà nước. Nhưng mức độ ồ ạt như thời gian qua cũng như hiện nay lại là điều đáng quan tâm, suy nghĩ.
Minh chứng rõ nhất là con số hơn 6.000 công chức, viên chức ở TP.HCM nghỉ việc từ ngày 1/1/2020 – 30/6/2022. Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm nay cũng có hơn 300 cán bộ nghỉ việc.
Tại các Bộ ngành, 2 năm rưỡi vừa qua cũng đã có hơn 130 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc theo nguyện vọng, trong đó có 17 công chức, 114 viên chức.
Cũng đang tồn tại một thực tế, không chỉ riêng thu nhập của nhân viên y tế thấp mà trong hệ thống nhà nước hiện nay, cán bộ mới vào làm việc lương rất thấp. Trong khi, chỉ cần nghe nói tăng lương là các mặt hàng ngoài thị trường thi nhau ồ ạt tăng rồi. Thành thử, cán bộ công chưc mấy năm vừa rồi toàn phải chạy theo giá cả thị trường.
>>Cơ chế tiền lương đã quá lạc hậu!
>>“Sức khoẻ” tài chính doanh nghiệp: Khó khăn lớn nhất là trả tiền lương cho lao động
>>Khảo sát tiền lương 2.000 doanh nghiệp xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2022
Oái ăm ở chỗ, có một thực tế tưởng vô lý nhưng lại có lý khi có một bộ phận cán bộ công chức có thu nhập không phải từ lương. Khoản ngoài lương đồ sộ giúp cho bộ phận này “rủng rỉnh”: Nhà lầu, biệt thự, xe hơi, con cái ăn học nước ngoài… đó là sức hút không tưởng.
“Rất nhiều cán bộ, công chức có nguồn thu nhập bất chính. Đã đến lúc chúng ta phải kiểm soát. Chúng ta đã từng kiểm soát bằng kê khai tài sản. Họ vẫn kê khai và hầu như trong bản kê khai không có gì khẳng định là thu nhập bất hợp pháp. Đây là câu chuyện khác hơn cần phải bàn”, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đào, Học viện Hành chính Quốc gia nói.
Thực tế trên một lần nữa cho thấy, tình trạng công chức, viên chức “dứt áo ra” vì sự thúc ép của cuộc sống là câu chuyện đáng phải suy ngẫm. Điều này khiến chúng ta phải tính toán, làm sao đó để các đơn vị, tổ chức, cơ quan nhà nước phải xem xét lại mình. Tại sao người ta lại dịch chuyển như vậy?
Để hạn chế dòng dịch chuyển bất tương xứng này, nhà nước cần phải điều chỉnh ngân sách để có chính sách tiền lương phù hợp với mặt bằng chung hiện nay. Tức là, nhà nước cần đưa cải cách chế độ tiền lương vào chương trình nghị sự của Quốc hội trong kỳ họp gần đây nhất để nhanh chóng tháo gỡ.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội bày tỏ: “Cá nhân tôi luôn quan niệm và cũng đề cập đến nhiều lâu nay, đó chính là việc chưa cải cách được chính sách tiền lương, chưa làm cho tiền lương thể hiện bằng giá cả và giá trị sức lao động trên thị trường. Thu nhập không cao và người ta thấy cái đóng góp, cống hiến, chi phí lao động của họ không được bù đắp bằng tiền lương và thu nhập, đó là điều quan trọng nhất”.
Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh từng nêu quan điểm: “Bây giờ phải tập trung thực hiện cải cách tiền lương để giải quyết vấn đề thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức vì chế độ lương Nhà nước hiện nay rất thấp. Tuy nhiên, để thực hiện được mong muốn này không phải là điều dễ dàng. Bởi bộ máy hành chính vẫn còn đang có phần rắc rồi và cồng kềnh”.
Đúng là, đã có một khoảng thời gian tương đối cho việc tinh giảm biên chế, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều kết quả và chuyển biến lớn. Những thành tựu đó cơ bản giúp chúng ta “nhẹ gánh” để tạo tiền đề cho việc thực hiện cải cách tiền lương.
Khi bộ máy nhà nước gọn nhẹ, môi trường tham nhũng gần như bị triệt tiêu thì vấn đề tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức là một trong các trụ cột của việc xây dựng thể chế “không muốn và không cần” tham nhũng mà Đảng ta đã nêu.
Thành thử, việc cải cách tiền lương, khắc phục tình trạng cào bằng như hiện nay đã và đang là việc cấp bách, hệ trọng. Tiền lương cần phải thay đổi thì cán bộ mới toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân.
Có thể bạn quan tâm
Các tình huống pháp luật: Tạm ứng tiền lương
00:02, 14/07/2022
Các tình huống pháp luật: Tiền lương ngừng việc do sự cố điện nước?
03:00, 07/07/2022
Các tình huống pháp luật: Tiền lương ngừng việc?
03:00, 30/06/2022
Đàm phán tiền lương hiệu quả: Động lực cho tăng trưởng hậu COVID-19
00:30, 01/05/2022
Tiến tới doanh nghiệp "tự chủ" tiền lương
11:00, 15/11/2021
Lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương
10:05, 13/11/2021
Cơ chế tiền lương đã quá lạc hậu!
05:42, 22/10/2021
Lùi thời điểm cải cách tiền lương là phù hợp
16:07, 20/10/2021