Thật giả lẫn lộn trong giao dịch điện tử
Dù báo chí và các chuyên gia có nhiều cảnh báo về tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, nhưng số người “sập bẫy” vẫn có xu hướng gia tăng gần đây.
>>Nhức nhối tội phạm lừa đảo qua điện thoại
“Muôn hình vạn trạng” những chiêu lừa đảo
Cùng với sự phát triển của các công nghệ hiện đại, thời gian gần đây, các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hay gian lận trong thanh toán trực tuyến cũng gia tăng đáng kể, gây ra những thiệt hại về tài chính và phi tài chính cho các doanh nghiệp, ngân hàng, khách hàng và nền kinh tế số.
Giả danh là nhân viên bưu cục thông báo người dùng trúng thưởng hoặc kết bạn qua mạng để làm quen và gửi quà, người dùng cần phải nộp một khoản thuế, phí vận chuyển, là một chiêu thức lừa đảo.
Hay, giả danh là nhân viên ngân hàng gọi điện để tư vấn hỗ trợ cho vay tiền trực tuyến. Giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án để thông báo nạn nhân liên quan đến một vụ án đang bị điều tra, gửi lệnh truy nã, lệnh bắt tạm giam, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra.
Hoặc, cố ý chuyển nhầm tiền đến tài khoản của người dùng rồi đe dọa, yêu cầu nạn nhân trả lại số tiền kia với lãi “cắt cổ”. Lập ra các trang web kêu gọi mọi người đầu tư tài chính, tiền ảo hưởng mức lãi suất cao rồi tự đánh sập trang web sau một thời gian hoạt động là những thủ đoạn lừa đảo vẫn đang nở rộ “như nấm mọc sau mưa” gần đây và vẫn có xu hướng gia tăng.
Theo các chuyên gia, mấu chốt của những thủ đoạn lừa đảo là đánh vào lòng tham của nhiều người muốn kiếm tiền nhanh với lãi suất cao mà không lường trước được những rủi ro có thể gặp phải.
Doanh nghiệp du lịch cũng bị… lừa
Quảng bá combo du lịch giá rẻ, dịch vụ hời để lừa tiền khách hàng là chuyện không còn xa lạ. Tuy nhiên, thực tế lại đang xảy ra trường hợp ngược lại. Đó là, có đối tượng giả danh khách hàng để đi lừa công ty du lịch.
Sự việc “tréo ngoe” này xảy ra mới đây ở Công ty cổ phần du lịch Tân Thế giới – New world travel tại Hà Nội và được công ty này kịp thời phát hiện, ngăn chặn.
Trao đổi với báo chí, chị Nguyễn Thị Ngát, nhân viên công ty cho biết, đầu tháng 9/2022, khi chị đang làm nhiệm vụ giới thiệu các gói sản phẩm du lịch qua mạng như thường ngày thì nhận được một cuộc gọi của một khách hàng tìm hiểu tour tuyến, gói dịch vụ của công ty. Sau khi được tư vấn địa điểm và chi phí, khách hàng này đã nhanh chóng đồng ý mua dịch vụ và thông báo chuyển tiền đặt cọc cho công ty như nhiều khách hàng khác và chị không hề nghi ngờ.
Vị khách hàng này còn chụp ảnh và gửi lại phía công ty những “chứng từ” quan trọng cho việc đã chuyển tiền và tin nhắn trừ tiền. Sau đó, yêu cầu phía công ty truy cập vào một đường link để tìm hiểu việc chuyển tiền. Đáng nói, đường link này gần giống với một đường link của một ngân hàng chính thống khiến nhiều người không nhận ra sự khác biệt. Trong đó có 2 phần là tài khoản ngân hàng và mật khẩu.
Lúc này, nhân viên kế toán bắt đầu nhận ra sự bất thường và chờ đợi nhận được tiền của vị “khách” này. Kiểm chứng thông tin tại ngân hàng cho thấy, phía ngân hàng không có đường link nào giống với đường link đối tượng cung cấp. Lúc này, đối tượng tiếp tục giục chị click vào đường link để kiểm tra.
Ông Đặng Thanh Tùng, Tổng Giám đốc công ty CP du lịch New world travel cho biết, giao dịch điện tử phát triển thì tình trạng lừa đảo qua internet cũng gia tăng ở mọi lĩnh vực và du lịch không phải là ngoại lệ. Cho nên, các khách du lịch và công ty du lịch khi làm việc trực tuyến, giao dịch qua mạng cần hết sức cẩn trọng. Hiện nay, những cách thức lừa đảo liên tục thay đổi ngày càng tinh vi hơn với nhiều thủ đoạn khác nhau. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng là hướng nạn nhân click vào một đường link nào đó để lấy được tài khoản và mật khẩu của nạn nhân, sử dụng vào mục đích phi pháp.
Bình mới rượu cũ. Phương thức lừa đảo có thể muôn hình vạn trạng nhưng điểm mấu chốt và chung là các đối tượng lừa đảo đưa ra là gửi một đường link đề nghị nạn nhân click vào.
"Đây cũng là kinh nghiệm cho nhiều cá nhân và doanh nghiệp khi giao dịch trực tuyến, tuyệt đối không click vào bất kỳ đường link nào mà đối tượng gửi tới", ông Tùng nhấn mạnh.
>>Cảnh giác với lừa đảo tiền điện tử trên không gian mạng
>>Nhận biết để cảnh giác trước muôn kiểu lừa đảo tài chính qua mạng
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Đình Tuấn, Công ty Luật TNHH Nhật Chiêu cho biết, khi bị lừa đảo, nạn nhân phải liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo, thực hiện các bước xác minh của cơ quan có thẩm quyền.
Với thủ đoạn lừa đảo liên quan đến giao dịch chuyển tiền qua tài khoản, phải liên hệ ngay với các ngân hàng mà mình thực hiện các giao dịch thanh toán để có hành động tra soát giao dịch.
Về quy định pháp luật, người nào dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị kết án về hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích và còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội này có thể chịu hình phạt cao nhất là tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.
"Tuy vậy, không ai khác, chính mỗi người phải tự nâng cao cảnh giác, trình độ hiểu biết pháp luật, công nghệ để tránh bị lừa và quan trọng nhất là đừng bị mắc bẫy vào lòng tham của chính mình", Luật sư Tuấn nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Nhức nhối tội phạm lừa đảo qua điện thoại
03:30, 12/09/2022
Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế
17:00, 23/08/2022
Cảnh giác với lừa đảo tiền điện tử trên không gian mạng
05:00, 24/06/2022
Cảnh báo hiện tượng lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế
00:58, 08/06/2022
Giải pháp hạn chế hành vi lừa đảo trong thương mại quốc tế
03:00, 05/06/2022