Cuộc chiến trong lòng Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc
Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc trong lòng biển đã diễn ra suốt nhiều năm qua và cũng quyết liệt không kém những cuộc đối đầu trên mặt biển.
>>Cần thêm những rào cản ở Biển Đông cho Trung Quốc
Hiện tại Trung Quốc đã và đang xây dựng một mạng lưới săn ngầm với các khí tài trên không, tàu chiến mặt nước, đặc biệt là hệ thống cảm biến và giám sát cố định trong lòng Biển Đông.
Theo đó, Trung Quốc đã tăng tốc phát triển một hệ thống giám sát tàu ngầm tương tự, máy bay săn ngầm thế hệ mới và thiết lập các đường dây liên lạc bảo mật giữa các tàu ngầm – trung tâm chỉ huy qua tần số siêu thấp (30-300Hz) hoặc cực kỳ thấp (3-30Hz).
Mới đây, tờ South China Morning Post dẫn các hình ảnh vệ tinh được chụp gần đây cho thấy Trung Quốc đã mở rộng căn cứ quân sự Du Lâm ở tỉnh Hải Nam. Du Lâm là một trong những căn cứ quân sự quan trọng của quân đội Trung Quốc (PLA) và là nơi đồn trú của hạm đội tàu ngầm tiên tiến của nước này. Nó cho phép hạm đội của Trung Quốc tiếp cận không chỉ Biển Đông mà còn tuyến đường biển kéo dài từ Trung Đông qua eo biển Malacca đến Đông Á.
Trên Website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng vừa công bố hình ảnh máy bay săn ngầm thuộc dòng Thiểm Tây Y-8 tham gia cuộc tập trận diễn ra hồi giữa tháng 9. Nội dung công bố không nêu rõ vị trí cuộc tập trận, nhưng cho biết máy bay tham gia tập trận thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ - phụ trách các hoạt động của PLA ở Biển Đông.
Trước đó, hồi tháng 5, tờ Hoàn Cầu thời báo cũng thông tin PLA đang nối lại các hoạt động của máy bay săn ngầm Thiểm Tây Y-8 ở khu vực Biển Đông. Những động thái này được đánh giá là Trung Quốc đang tăng cường khả năng kiểm soát hoạt động của tàu ngầm ở vùng biển này.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh vừa thử nghiệm thành công công nghệ liên lạc dưới nước ở Biển Đông cho phép tàu ngầm và thiết bị không người lái duy trì liên lạc trên diện tích hơn 30.000 km2.
Liên quan đến các hoạt động quân sự của Trung Quốc, TS.Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định: “Khi xây dựng thành công một hệ thống liên lạc dưới nước hiệu quả, Trung Quốc có thể che giấu tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo ở Biển Đông”.
Để duy trì sức ảnh hưởng, cũng như kiềm chế Trung Quốc, Mỹ từng cáo buộc Bắc Kinh gia tăng hành động “khiêu khích” chống lại các bên tranh chấp ở Biển Đông, cảnh báo rằng “hành vi gây hấn và vô trách nhiệm” của Trung Quốc sẽ dẫn tới một sự cố hoặc tai nạn lớn, và điều này chỉ còn là thời gian.
>>Mối nguy cơ từ việc Trung Quốc gia tăng căng thẳng trên Biển Đông
>>Chủ đích đáng quan ngại của Trung Quốc trên Biển Đông
>>Trung Quốc và Mỹ “dằn mặt” nhau trên Biển Đông
Minh chứng cho các tuyên bố của mình, Mỹ cũng đã tăng cường sự hiện diện của mình bằng các cuộc tuần tra hải quân với lý do đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông.
Song song, quân đội Mỹ gia tăng tần suất hiện diện của máy bay trinh sát trên Biển Đông. Đa số máy bay trinh sát quân đội Mỹ sử dụng là máy bay tuần thám chống ngầm P-8A, máy bay trinh sát không người lái MQ-4C.
Thậm chí, theo Tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), các máy bay trinh sát của Mỹ đã mở rộng phạm vi do thám và chỉ cách đường cơ sở của lãnh hải Trung Quốc đại lục 29,46km.
Những hoạt động tăng cường chống ngầm của Mỹ không phải diễn ra thời gian gần đây. Còn nhớ, cách đây 2 năm, sau vụ phát hiện một tàu ngầm nghi của hải quân Trung Quốc ngoài khơi đảo Amami Oshima (18/6/2020), Mỹ đã huy động tới Biển Đông gần như toàn bộ các loại máy bay săn ngầm cánh cố định đồn trú tại Nhật Bản. Các biên đội 3 hoặc 4 máy bay Mỹ luôn bật tín hiệu nhận diện, một động thái dường như cố ý để thể hiện rằng họ luôn bay qua eo Ba Sĩ phía nam đảo Đài Loan .
Cuộc chiến dưới lòng biển giữa Mỹ và Trung Quốc càng gay cấn hơn khi tờ Defence News dẫn các nguồn thạo tin cho biết Lầu Năm Góc nghiên cứu khả năng phát triển và đặt mua khoảng 50 robot tàu ngầm cỡ lớn cho mục đích giám sát dưới biển. Những robot này có thể giữ vai trò chủ động trong cuộc chiến săn ngầm ở Biển Đông và biển Hoa Đông - nơi Mỹ và Nhật đã bắt tay thiết lập hệ thống theo dõi tàu ngầm hải quân Trung Quốc từ những năm 2000.
Thực tế trên cho thấy, với vị thế là những cường quốc hàng đầu thế giới, cả hai nước Mỹ - Trung Quốc đều có những lợi thế nhất định để phát triển những công cụ phục vụ cho tham vọng, mục đích chiến lược toàn cầu của mình. Và những dạng vũ khí thông minh như tàu ngầm, robot, thiết bị lặn không người lái (UUV - tạm hiểu như một dạng tàu ngầm không người lái)… sẽ được triển khai trong lòng biển để sẵn sàng tham chiến bất ngờ khi cần.
Có thể nói, Biển Đông là vùng biển rộng lớn, với nhiều quốc gia có bờ biển xung quanh và được khẳng định chủ quyền theo luật pháp quốc tế, bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Philippines và Trung Quốc. Đồng thời Biển Đông cũng là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng mà nhiều quốc gia có lợi ích tại đây.
Do vậy việc ngăn chặn Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là vấn đề bức xúc của nhiều quốc gia.
Không những vậy, để “níu giữ” chân nhau, không cho nhau chiếm giữ vị thế độc tôn tại tuyến hàng hải quan trọng mang tên Biển Đông, cuộc chiến giữa Mỹ Và Trung Quốc sẽ còn gay cấn, quyết liệt hơn không chỉ trên mặt nước mà còn dưới lòng biển sâu.
Có thể bạn quan tâm
Cần thêm những rào cản ở Biển Đông cho Trung Quốc
05:00, 20/08/2022
Mối nguy cơ từ việc Trung Quốc gia tăng căng thẳng trên Biển Đông
05:00, 05/08/2022
Chủ đích đáng quan ngại của Trung Quốc trên Biển Đông
04:00, 25/07/2022
Trung Quốc và Mỹ “dằn mặt” nhau trên Biển Đông
05:00, 15/07/2022
Tiếp tục tập trận ở Biển Đông, Trung Quốc thách thức luật pháp quốc tế?
05:00, 06/07/2022