Ngành Y tế: Vẫn “nóng” vấn đề tự chủ
Vấn đề “giao cho tự chủ nhưng không cho quyền làm tự chủ” trong lĩnh vực y tế vẫn đang làm nóng diễn đàn xã hội.
>>Thất bại tự chủ toàn diện bệnh viện công: Cần một đánh giá khoa học
Khi thực hiện thí điểm mô hình tự chủ cho các Bệnh viện (BV), Chính phủ và Bộ Y tế đều kỳ vọng sẽ có sự bứt phá ngoạn mục trong việc nâng cao chất lượng y tế, phục vụ tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thực tế, quá trình xã hội hóa ở các BV đã ít nhiều mang lại bộ mặt mới cho các BV, lợi ích cho bệnh nhân khi BV được đầu tư các trang thiết bị hiện đại. Việc này ít nhiều đã tạo niềm tin và níu chân người bệnh. Người bệnh được khám, chữa bệnh bằng các kỹ thuật cao mà không phải ra nước ngoài.
Vì thế, nhiều người cho rằng để các BV tự chủ là con đường tốt nhất nhằm huy động được nhiều nguồn lực, đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại. Và đã đến lúc phải tính đến câu chuyện thẳng thắn và sòng phẳng, coi y tế như là 1 ngành dịch vụ, không hơn không kém. Chứ không thể dùng những món nợ ân tình áp đặt lên nhau thực tế đều khó chịu cho cả người bệnh và cả bác sĩ.
Ngược lại, có ý kiến cho rằng, đó không phải là mô hình đúng. Bài học từ BV Bạch Mai, BV K xin chấm dứt thí điểm mô hình này đã nói lên nhiều bất cập, trong đó có những quy định ràng buộc “dở khóc dở cười” trong lĩnh vực đấu thầu thuốc và các vật tư y tế khác.
Bất cập, vô lý đến nỗi là dù được giao cho tự chủ nhưng không cho quyền làm tự chủ. Ví dụ: Giá dịch vụ y tế tại BV Bạch Mai thời điểm đó chỉ được thu theo giá Bộ Y tế ấn định, mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành giá. Giá dịch vụ siêu âm chỉ được phép thu 44.000 đồng - theo quy định của Bộ Y tế, trong khi các cơ sở khác đang thu từ 100.000-130.000 đồng.
Cũng nói đến Bạch Mai, nói đến “cơ chế tự chủ”, không thể không nhắc lại việc Bộ Y tế thẳng thừng tuýt còi việc BV này ban hành nghị quyết về giá khám chữa bệnh để giá khám bệnh theo yêu cầu tăng giảm tùy vào trình độ, học hàm, học vị của giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ…
Do đó, không phải ngẫu nhiên mà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nói một cách chua chát: “Xin thưa, không thể làm được và nếu làm chắc chắn bị bắt. Tôi nói luôn chắc chắn bị bắt. Tôi tiếp xúc cử tri trong Nam, ngoài Bắc, người ta nói có điều kỳ lạ là giao cho chúng tôi tự chủ nhưng không cho chúng tôi quyền làm tự chủ. Không giao cho chúng tôi quyền làm cái gì, được phép làm cái gì, thu như thế nào cũng không rõ ràng. Cho nên ai khôn người đấy không làm. Người nào làm thì sớm muộn cũng sẽ bị bắt”.
>>Thất bại tự chủ toàn diện bệnh viện công: Có nên tiếp tục?
>>Thất bại tự chủ toàn diện bệnh viện công: Mừng hay lo?
>>Thất bại tự chủ toàn diện bệnh viện công: Do thiếu cơ chế pháp lý
Phản ánh từ cơ sở cũng như từ thực tế cho thấy phát ngôn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí thấu hiểu rất rõ thực tế ngành Y, đúng là đang có những bất cập trong cơ chế tự chủ BV. Chỉ khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến cho không ít cán bộ ngành vướng vào vòng lao lý thì chúng ta mới “ngỡ” ra vấn đề.
Nói thẳng ra, đang có sự lẫn lộn về cung cấp dịch vụ công y tế, dẫn đến thiết kế mô hình công - tư bất hợp lý và vô tình trở thành con đường đưa một loạt bác sĩ giỏi, lãnh đạo đầu ngành, cán bộ quản lý BV công vướng vòng lao lý, gây những thiệt hại to lớn cho ngành y tế.
Bởi ai cũng hiểu một vấn đề, một khi thực hiện tự chủ tức là sẽ có yếu tố kinh doanh thì phải đặt nặng lợi nhuận lên trên, nên khó tránh khỏi việc BV lạm dụng các dịch vụ cận lâm sàng, kê đơn không cần thiết hoặc lạm dụng đấu thầu… để thu được nhiều tiền hơn từ người bệnh, từ bảo hiểm y tế..v..v.
Sẽ không có một quy trình nào đủ hiệu quả để ngăn những biến tướng đó. Nếu quy trình lỏng lẻo thì sẽ khiến y đức tiếp tục tha hóa và bệnh nhân tiếp tục là nạn nhân. Còn quy trình quá chặt thì sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, sẽ làm tê liệt hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc và thiết bị y tế, mà thực tế đã diễn ra, khiến hiện nhiều BV thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị và bệnh nhân cũng lại là nạn nhân.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói trong buổi tiếp xúc cử tri mới đây: “Chúng ta cứ làm trong sáng thì không vấn đề gì cả. Còn nhỡ làm quá tay một tí bị thổi còi, chỉ là xử lý hành chính, kỷ luật thôi. Bây giờ cứ sợ, co lại hết thì ai làm...”. Thế nhưng, một khi chúng ta không sửa đổi những quy định để loại bỏ bất cập trong ngành Y thì vấn đề “sợ sai” sẽ không biết khi nào có lời giải.
Tuy nhiên, từ thất bại của đề án tự chủ, để BV tự chủ quay trở lại là công lập đích thực, không phải Nhà nước quay lại cấp cho họ chút ngân sách như trước đây là xong, mà muốn các BV như Bạch Mai, K giữ được vai trò đầu tàu thì cần phải có thêm các chính sách đồng bộ, tháo gỡ cho họ những vướng mắc về đấu thầu, mua sắm, viện phí, tuyển dụng nhân lực...
Có lẽ, việc “đại phẫu” ngành Y vẫn cần được thảo luận và nhìn sâu lại từ gốc chính sách, từ những triết lý gốc rễ nhất. Nhưng dù sao đi nữa, ở chế độ công hay tư, một khi cán bộ liêm chính đàng hoàng thì sao phải sợ sai. Bởi cơ chế có bất cập nhưng nào đến mức như cái bẫy cứ làm là sai, là “vào lò”.
Có thể bạn quan tâm
Vỡ mô hình bệnh viện tự chủ: Tại con người hay cơ chế?
05:00, 27/08/2022
Thất bại tự chủ toàn diện bệnh viện công: Cần một đánh giá khoa học
03:30, 11/09/2022
Thất bại tự chủ toàn diện bệnh viện công: Có nên tiếp tục?
03:30, 10/09/2022
Thất bại tự chủ toàn diện bệnh viện công: Mừng hay lo?
03:30, 09/09/2022
Thất bại tự chủ toàn diện bệnh viện công: Do thiếu cơ chế pháp lý
03:40, 08/09/2022