Chính sách biển của Trung Quốc và những thách thức đối với Việt Nam (Bài 1)

TS. NGUYỄN THANH MINH - Chuyên gia nghiên cứu Biển Đông 04/10/2022 05:00

Chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông là liên quan mật thiết đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia xung quanh Biển Đông trong đó có Việt Nam.

>>Cuộc chiến trong lòng Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc

Chiến hạm Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Biển Đông. Ảnh: Chinamil.com.cn CHINAMIL.COM.CN

Chiến hạm Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Biển Đông. Ảnh: Chinamil.com.cn

Khu vực Biển Đông có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc trong quá trình trở thành cường quốc biển của thế giới. Do vậy, từ năm 1949 đến nay, Trung Quốc đã hoạch định chính sách đối với Biển Đông bao trùm lên nhiều lĩnh vực như quân sự, kinh tế, xâm chiếm biển đảo. Chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông là vấn đề quan trọng liên quan mật thiết đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia xung quanh Biển Đông trong đó có Việt Nam.

Để hiểu rõ nội dung này, cần phải nghiên cứu trên nhiều góc độ khác nhau trong mối quan hệ đa chiều của Trung Quốc. Trong khuôn khổ bài nghiên cứu này, tôi chỉ đề cập đến chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông, trên cơ sở đó đưa ra một số đánh giá, nhận xét.

Biển Đông là một vùng biển nửa kín, với diện tích 3.5 triệu km2, trong đó diện tích trong phạm vi đường đường chín đoạn rộng khoảng 2 triệu km2. Biển Đông có vị trí, vai trò ngày càng quan trọng về chiến lược, an ninh và phát triển kinh tế đối với Trung Quốc, nhất là phát triển lực lượng hải quân và các lĩnh vực kinh tế biển. Cụ thể ở các nội dung chính như sau:

Về chiến lược, an ninh: Biển Đông là vùng biển duy nhất nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nếu khống chế được các đảo trên Biển Đông một cách gián tiếp sẽ khống chế được một loạt tuyến hàng hải quốc tế từ eo biển Malacca đến Nhật Bản, từ Singapore đến Hồng Kông, từ Quảng Đông đến Manila, thậm chí từ Đông Á đến Tây Á, châu Âu, châu Phi.

Đối với Trung Quốc, nếu khống chế được các đảo ở Biển Đông, sẽ mở rộng không gian phòng vệ thêm hơn 1000 km tính từ thành phố Tam Á đến bãi Tăng Mẫu quốc tế gọi là bãi ngầm James, điểm cực Nam Trung Quốc yêu sách chủ quyền dài hơn 1600 km, đồng thời sẽ mở thêm được các tuyến đường hàng hải mới để tiến ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ngoài tuyến đường đi qua eo biển Malacca, như tuyến qua eo biển Bashi giữa Philippines và Đài Loan, hay qua eo biển giữa Malaysia với Philippines.

Về hàng hải: Theo đánh giá của phía Trung Quốc, khoảng 80% thương mại của nước này được thực hiện bằng đường biển và 60% trong số đó đi qua Biển Đông, có 60% dầu thô tiêu thụ dựa vào nhập khẩu, trong đó 80% đi qua Biển Đông.  Do đó, việc đảm bảo an toàn tuyến đường vận tải qua Biển Đông sẽ quyết định sự vận hành của nền kinh tế Trung Quốc, nếu khu vực này bị gián đoạn cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế nước này sẽ ngừng vận hành. 

Về kinh tế: Biển Đông có trữ lượng dầu khí, băng cháy, khoáng sản và hải sản tương đối lớn. Trung Quốc tự cho mình là nước nghèo tài nguyên nên Biển Đông có giá trị rất lớn về kinh tế. Bộ Tài nguyên và Đất đai Trung Quốc năm 2011 công bố điều tra địa chất đánh giá, trữ lượng dầu thô tại Biển Đông trong khu vực Trung Quốc có chủ trương chủ quyền là khoảng từ 23-30 tỷ tấn và khí tự nhiên khoảng 160.000 tỷ m3, chiếm 12% trữ lượng dầu khí toàn cầu. 

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: AFP

>>Cần thêm những rào cản ở Biển Đông cho Trung Quốc

>>Mối nguy cơ từ việc Trung Quốc gia tăng căng thẳng trên Biển Đông

Ngoài ra, Biển Đông được đánh giá là khu vực nhiều tài nguyên băng cháy, nguồn năng lượng mới của thế kỷ 21. Bộ Tài nguyên và Đất đai Trung Quốc năm 2013 công bố kết quả khảo sát băng cháy cho rằng, trữ lượng băng cháy của nước này trên đất liền ít nhất là tương đương 35 tỷ tấn dầu, nhưng tại Biển Đông ít nhất là tương đương khoảng 68 tỷ tấn dầu.

Về quân sự: Biển Đông còn có giá trị to lớn về mặt quân sự đối với Trung Quốc do vị trí địa lý, diện tích, điều kiện địa hình và khí hậu của khu vực này. Trong 4 vùng biển có liên quan đến Trung Quốc như Bột Hải, Hoàng Hải, Đông Hải và Biển Đông, thì Biển Đông là nơi lý tưởng nhất để lực lượng tầu ngầm hạt nhân, tàu sâu bay thực hiện chiến lược của tập kết, huấn luyện, ẩn nấp và tác chiến liên hợp.

Tổng diện tích Bột Hải, Hoàng Hải và Đông Hải chỉ bằng 1/2 Biển Đông, Bột Hải có độ sâu trung bình chỉ 18 m, Hoàng Hải là 44 m, còn Đông Hải sâu hơn 359 m, nhưng đây là vùng biển Mỹ và các đồng minh bố trí lực lượng trinh sát hùng mạnh, nên lực lượng tàu ngần và tàu sân bay chiến lược của Trung Quốc khó ẩn nấp, diễn tập, tập kết tác chiến. Trong khi Biển Đông có độ sâu bình quân lên tới 1212 m, sóng to, khí hậu phức tạp, là nơi phù hợp cho lực lượng tàu ngầm mang tên lửa liên lục địa ẩn nấp và cơ động.

Về xây dựng Cường quốc biển: Biển Đông là nơi để Trung Quốc triển khai thực hiện chiến lược xây dựng cường quốc biển. Năm 2012, Trung Quốc đã lần đầu tiên đưa ra Chiến lược xây dựng Cường quốc biển vào báo cáo của Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là sự thay đổi quan trọng về chiến lược phát triển của Trung Quốc.

Vốn tự coi mình là một nước lớn về chính trị, quân sự, văn hóa trên lục địa, nay Trung Quốc phấn đấu trở thành quốc gia biển chủ yếu trên thế giới. Trong 4 vùng biển tiếp giáp với Trung Quốc như Bột Hải, Hoàng Hải, Đông Hải, Biển Đông, thì Biển Đông là nơi phù hợp nhất để triển khai xây dựng Cường quốc biển.

Trong buổi học tập lần thứ 8 của Bộ Chính trị Trung Quốc về chủ đề xây dựng cường quốc biển, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh, xây dựng cường quốc biển là một bộ phận cấu thành quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Xã hội Chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, có ý nghĩa trọng đại đối với  đối với việc thúc đẩy kinh tế phát triển lành mạnh, bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện, thực hiện thành công công cuộc vĩ đại phục hưng Trung Hoa.

Cũng tại buổi học tập này, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh: biển có vai trò quan trọng trong cục diện phát triển kinh tế và cải cách mở cửa, có vị trí nổi bật trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh, lợi ích phát triển, vị trí quan trọng trong xây dựng văn minh sinh thái, cũng như cạnh tranh chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật quốc tế. Qua đó có thể thấy, vai trò của biển trong chiến lược phát triển vĩ mô quốc gia của Trung Quốc đã có sự thay đổi to lớn, được nâng cao lên một tầm cao mới, nhất là vai trò của Biển Đông.

(Còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

  • Cuộc chiến trong lòng Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc

    05:00, 02/10/2022

  • Cần thêm những rào cản ở Biển Đông cho Trung Quốc

    05:00, 20/08/2022

  • Mối nguy cơ từ việc Trung Quốc gia tăng căng thẳng trên Biển Đông

    05:00, 05/08/2022

  • Chủ đích đáng quan ngại của Trung Quốc trên Biển Đông

    04:00, 25/07/2022

  • Trung Quốc và Mỹ “dằn mặt” nhau trên Biển Đông

    05:00, 15/07/2022

  • Tiếp tục tập trận ở Biển Đông, Trung Quốc thách thức luật pháp quốc tế?

    05:00, 06/07/2022

  • Những hoạt động quân sự đáng ngại của Trung Quốc trên Biển Đông

    05:00, 01/07/2022

  • Lại tập trận ở Biển Đông, Trung Quốc toan tính gì?

    07:07, 25/06/2022

  • Ứng xử trên Biển Đông: Khôn ngoan chẳng lọ thật thà...

    05:00, 17/06/2022

  • Trung Quốc phải tôn trọng quyền tự do hàng hải trên Biển Đông

    04:00, 12/06/2022

TS. NGUYỄN THANH MINH - Chuyên gia nghiên cứu Biển Đông