“Cuộc chiến” đổ xăng

VŨ PHƯỜNG 11/10/2022 05:00

Một lần nữa, câu chuyện xăng dầu lại khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng “đau đầu”.

>>Vì sao doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu liên tục kêu càng bán, càng lỗ?

Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng phục vụ do “càng bán càng lỗ” (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng phục vụ do “càng bán càng lỗ” (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu treo biển đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh với đủ các lý do như bảo dưỡng, cải tạo bồn bể, xây dựng, sửa chữa cửa hàng… Hiện tượng này tập trung tại một số tỉnh, thành phố như: TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…

Một số cửa hàng có bán nhưng chỉ “nhỏ giọt” cho xe máy tối đa 30 nghìn đồng, ô tô 200 nghìn đồng.

Điều này khiến người dân phải “đỏ mắt” đi tìm mua nhiên liệu phục vụ đi lại hằng ngày, thậm chí có nơi đã xảy ra xô xát vì “cuộc chiến” đổ xăng, gây mất an ninh trật tự.

Nguyên nhân chính của hiện tượng trên, theo Bộ Công Thương, là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

“Cuộc chiến” đổ xăng thực sự đã xảy ra khi nhiều người phải “đỏ mắt” đi tìm cây xăng còn … xăng.

“Cuộc chiến” đổ xăng thực sự đã xảy ra khi nhiều người phải “đỏ mắt” đi tìm cây xăng còn… xăng.

Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.

Nhưng nguyên nhân thật sự không khó để biết, và không ít người đều biết, đó là do chiết khấu hoa hồng thấp, không đủ bù chi phí nên cơ sở kinh doanh không lãi, càng bán càng lỗ.

Theo quy định hiện hành, Nhà nước quản lý xăng dầu bằng bảo đảm nguồn cung thông qua các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, sử dụng công cụ thuế, quy định trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu và quy định giá bán lẻ xăng dầu thống nhất trong cả nước theo cơ chế thị trường.

Mức hoa hồng, chiết khấu cụ thể do các doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ, hệ thống đại lý, các cửa hàng tự thỏa thuận theo hướng khi giá xăng dầu giảm thì tăng mức chiết khấu hoa hồng để tăng lượng tiêu thụ.

Theo các chuyên gia, do lo ngại nguồn cung khan hiếm, xu hướng giá xăng dầu thế giới tăng cao, nhiều doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu chấp nhận chi phí cao hơn để có nguồn hàng, đã tranh thủ nhập một lượng lớn để bảo đảm nguồn cung trong nước và có thể hưởng lợi từ xu hướng giá tăng.

Nhưng kể từ Quý III/2022, Nhà nước điều chỉnh giá bán giảm sâu, để tránh bị lỗ, doanh nghiệp đầu mối đã siết lại mức hoa hồng, chiết khấu cho các đại lý bán lẻ ở mức thấp, thậm chí có thời điểm bằng 0.

Trong khi các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải cõng gánh nặng chi phí vận chuyển, nhân công, thuế và nhiều chi phí khác, khiến việc kinh doanh không có lãi, thậm chí càng bán càng lỗ.

>>Bình ổn thị trường xăng dầu: Cơ quan quản lý cần “lắng nghe” và có giải pháp quyết liệt

>>Ổn định thị trường xăng dầu: Cần đảm bảo hài hòa… lợi ích

Theo chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp, doanh nghiệp buôn bán thì phải có lời. Đại lý xăng dầu không thể chịu thiệt chỉ vì những toan tính rất “khôn” của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu. Trong “cuộc chiến” bảo vệ lợi nhuận của hai bên, đối tượng chịu thiệt vẫn là người tiêu dùng và xa hơn là cả nền kinh tế đất nước.

Giải pháp xử phạt các cây xăng găm hàng chờ giá chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Nhà nước cần có giải pháp tiếp cận tổng thể, hài hòa lợi ích các bên liên quan, ông Hiệp nhấn mạnh.

Người bán, người mua đang trông chờ một cơ chế điều hành giá xăng, bao gồm cả khung giá chiết khấu hoa hồng cho bán lẻ thật sự rõ ràng, minh bạch. Từ đó, xem xét tính đúng, tính đủ giá sao cho hợp lý, trước bối cảnh xăng dầu có nhiều biến động về nguồn cung, thường xuyên đảo chiều giá cả.

Doanh nghiệp bán lẻ mong muốn có mức chiết khấu hợp lý hơn từ các doanh nghiệp đầu mối phân phối. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp bán lẻ mong muốn có mức chiết khấu hợp lý hơn từ các doanh nghiệp đầu mối phân phối. Ảnh minh họa

Một cơ chế xác định "khung chi phí hợp lý" trong hệ thống cung ứng xăng dầu là cần thiết để vừa ngăn chặn tình trạng trục lợi, vừa tháo gỡ cho các thương nhân đầu mối xăng dầu có thể xác định đúng mức chiết khấu hoa hồng hợp lý từ việc nhập khẩu và các chi phí khác.

Do đó, xác định "khung chi phí hợp lý" phải bảo đảm nguyên tắc hài hòa 3 lợi ích. Một là, lợi ích của Nhà nước, cơ quan quản lý, điều hành xăng dầu, đại diện cho lợi ích chung toàn xã hội. Hai là, lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Ba là, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng.

Áp dụng mệnh lệnh hành chính như việc tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đối với 5 doanh nghiệp đầu mối như cách mà Bộ Công thương định làm (đã tạm dừng chờ kết quả thanh tra – PV) không phải giải pháp hữu hiệu nhất lúc này. Tất cả đều mong muốn cơ quan chức năng có các giải pháp hài hòa hơn để khắc phục tình trạng này, tránh tạo tâm lý hoang mang cho người dân, doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Bình ổn thị trường xăng dầu: Cơ quan quản lý cần “lắng nghe” và có giải pháp quyết liệt

    Bình ổn thị trường xăng dầu: Cơ quan quản lý cần “lắng nghe” và có giải pháp quyết liệt

    12:00, 09/10/2022

  • Ổn định giá xăng dầu: Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT

    Ổn định giá xăng dầu: Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT

    04:00, 24/09/2022

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu và thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn, hạn mức nhập khẩu tối thiểu, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.

Đồng thời, ngày 6/10/2022, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11-10-2022, giúp các doanh nghiệp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu và giảm thiểu mức tác động vào giá xăng dầu và việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ.

VŨ PHƯỜNG