Kinh tế Việt Nam 2022: Tăng tốc để về đích!
Quý IV là giai đoạn tăng tốc để về đích của nền kinh tế trong năm 2022. Vì vậy, rất cần sự nỗ lực của các Bộ ngành Trung ương và địa phương.
>>Kinh tế Việt Nam 2023 vẫn tiềm ẩn rủi ro
Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam đã phải trải qua hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Để ngăn chặn, kiểm soát, dập dịch, Chính phủ đã phải áp dụng những biện pháp chưa có tiền lệ, trong đó có việc giãn cách xã hội, phong tỏa. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế vĩ mô trong 2 năm 2020-2021 suy giảm, cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân gặp khó khăn.
Tuy nhiên, bằng những biện pháp linh hoạt, theo sát diễn biến dịch bệnh, Chính phủ đã quyết tâm “mở cửa” nền kinh tế từ tháng 10/2021, với chủ trương vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Vì thế, một không khí tích cực mới đã lan tỏa toàn xã hội, nền kinh tế nhanh chóng hồi sinh.
Ngoài ra, một khó khăn thách thức lớn mà Việt Nam gặp phải đó là thương chiến Mỹ - Trung, xung đột Nga – Ukraine… khiến kinh tế, chính trị của cả thế giới đảo lộn, chông chênh và Việt Nam cũng nằm trong vòng ảnh hưởng. Tuy vậy, Việt Nam vẫn được dự báo trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất khu vực và thế giới, và là một quốc gia có hệ thống chính trị – xã hội an ninh, ổn định cao.
“Từ nhỏ bé đến vĩ đại” – đó là cách mà người ta mô tả quá trình Việt Nam chuyển mình từ một trong những nền kinh tế nhỏ bé nhất toàn cầu thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Đây là một sự bất ngờ đến kinh ngạc mà chúng ta làm được chuỗi thời gian khó khăn qua.
Trang Reuters cũng vừa có bài viết nói về việc Việt Nam được kỳ vọng sớm trở thành trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và từng bước giành được vị thế toàn cầu. Theo Reuters, dấu ấn của Apple sẽ là một chiến thắng cho Việt Nam, nơi trong hơn một thập kỷ đã ưu tiên thu hút các thương hiệu công nghệ hàng đầu như Intel, Samsung và Xiaomi thiết lập chuỗi cung ứng trong nước. Apple lấy nguồn hàng tai nghe AirPods từ Việt Nam và đang thử nghiệm sản xuất đồng hồ và máy tính xách tay. Việc chế tạo ra những thiết bị phức tạp hơn sẽ là một “bước đệm” thành công cho ngành sản xuất của đất nước và quyết tâm tham gia vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu.
Agefi - tờ báo nổi tiếng của Thụy Sĩ đăng bài: “Việt Nam là con hổ mới của châu Á”. Bài viết khẳng định Việt Nam ngày nay đã trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi có vai trò quan trọng hàng đầu ở châu Á, bên cạnh Hàn Quốc, Singapore.
>>Kinh tế Việt Nam “lội ngược dòng” do chủ động và linh hoạt
>>Dòng vốn FDI công nghệ cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam
>>Standard Chartered tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022
Tương tự, Trang Sputnik (Nga) cho rằng, một cách lặng lẽ, Việt Nam đã chuyển mình từ một trong những nền kinh tế nhỏ bé nhất toàn cầu sang một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất, kể cả khi mà sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Khách quan hơn, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi cuối tháng 8: Từ tháng 1 năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2%/năm, và là mức cao nhất trong 5 năm qua. Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 7,5% vào năm 2022, trong khi lạm phát dự kiến sẽ ở mức 3,8%. Cùng đó, Việt Nam đứng thứ 5 trong số 35 thị trường châu Á về độ mở của nền kinh tế, với số điểm 74,6/100, cao hơn hẳn mức trung bình của châu Á (46) và mức trung bình của thế giới (49,5).
Nhìn nhận về bức tranh kinh tế vĩ mô hiện tại, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fullbright cho rằng Việt Nam đang kiểm soát rất tốt vấn đề lạm phát và các chính sách tài khóa, tiền tệ. Kinh tế Việt Nam năm nay vẫn khả quan, có thể bảo đảm lạm phát dưới 4% và tăng trưởng GDP thậm chí đạt trên 7%.
Có được kết quả như vậy là nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, từ cấp chỉ đạo điều hành đến cấp triển khai thực hiện trong thời gian qua. Cũng có yếu tố khách quan, là quý III năm ngoái, kinh tế tăng trưởng âm, nên trên nền tăng trưởng thấp như vậy, quý III năm nay có được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần đưa tăng trưởng GDP 9 tháng lên mức cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây.
Đáng chú ý, Quý IV là quý rất quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, là lúc các hoạt động đầu tư kinh doanh, xuất nhập khẩu… đều được đẩy mạnh. Nói cách khác, Quý IV có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế. Đây là giai đoạn nước rút, về đích, vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ.
Chính vì vậy, để nền kinh tế “về đích”, đạt tốc độ tăng trưởng cao, đòi hỏi các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 124/NQ-CP, coi giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm và thực hiện tốt Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Tất cả phải sẵn sàng để về đích kế hoạch năm 2022!
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Việt Nam 2023 vẫn tiềm ẩn rủi ro
03:00, 25/09/2022
Kinh tế Việt Nam 2023: Có bị ảnh hưởng bởi “mùa Đông kinh tế”?
00:46, 24/09/2022
Kinh tế Việt Nam “lội ngược dòng” do chủ động và linh hoạt
11:06, 18/09/2022
Dòng vốn FDI công nghệ cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam
03:00, 17/09/2022
Phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu
04:30, 02/09/2022