Chạnh lòng Miền Trung
Đâu đó có người vẫn nói rằng “người Miền Trung keo kiệt lắm”, vậy thì hãy xem người dân nơi đây đã và đang oằn mình trải qua những cơn bão, mưa lũ như thế nào.
>>Đà Nẵng: Nhiều nơi bị sạt lở, ngập úng nặng sau mưa lớn
Đây không phải là tiếng than thở, mà chỉ là trải lòng một chút để cho những ai đó còn chút “vướng” trong đầu suy nghĩ đó thì hãy nhìn nhận sâu hơn để cảm thông. Không phải người Miền Trung chơi không đẹp, không nhiệt tình, mà dường như người dân nơi đây luôn sống trong cảnh lo sợ cảnh gạo, muối, mắm cạn sạch cùng một lúc vì thiên tai.
Điều đáng sợ nhất là sau những trận mưa lớn từ thượng nguồn đổ về kết hợp lũ quét đã khiến hàng trăm khối bùn đất đổ tràn, vùi chôn nhiều căn nhà, tài sản của người dân, trang thiết bị, cơ sở vật chất trường học, bệnh xá.
Nói đâu xa, sáng 15/10/2022, Thành uỷ Đà Nẵng tổ chức cuộc họp ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 5, mưa lũ tại địa phương. Theo thống kê thiệt hại ban đầu, đã có 4 người tử vong trong trận mưa lũ lịch sử hôm 14/10/2022 tại TP Đà Nẵng.
Lần lượt các nạn nhân là sinh viên V.H.N.T. (SN 2006, quê Quảng Bình), bị đuối nước tại khu vực đường Mẹ Suốt. Người thứ hai là ông L.M.T. (SN 1964) bị đuối nước do đi đánh bắt cá. Một trường hợp khác SN 1935, trú đường Trưng Nữ Vương, bị đuối nước tại nơi thường trú. Ngoài ra, còn một cán bộ Công an phường Thọ Quang gặp tai nạn giao thông, tông vào dải phân cách, tử vong trên đường đi cấp cứu.
Ai cũng dễ dàng thấy trên các tuyến đường ô tô chết máy la liệt chờ xe cứu hộ, xe máy ngâm trong nước lũ, hiện nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng (chưa kể trong ngõ hẻm) vẫn còn ngập, sụp lún, chỗ nước rút thì đọng bùn dày ảnh hưởng giao thông, sinh hoạt của người dân.
Tương tự, do mưa lớn liên tục những ngày qua khiến mực nước trên sông Vu Gia lên nhanh, nhiều nơi ở vùng “rốn lũ” huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) chìm trong biển nước. Nhiều đoạn ngập sâu hơn nửa mét, giao thông hoàn toàn tê liệt.
Hoặc, tại Quảng Trị đã mưa to và kéo dài gây ngập lụt khắp nơi, chia cắt nhiều điểm trong toàn tỉnh. Nhiều nhất là huyện Đakrông, đường Hồ Chí Minh Chính quyền đã lên phương án di dời hơn 14.000 người dân đến nơi an toàn…v..v.
Thực tế, năm nào Miền Trung cũng oằn mình chịu bão. Đó là “cái hạn” mà khúc eo đón gió của cả nước phải chịu. Nhưng chưa năm nào Miền Trung cô đơn, luôn có những trái tim, cánh tay hướng về với sự cầu nguyện thật nhất từ sâu thẳm tâm can mỗi người.
Và đi dạo một vòng qua facebook, không khó để bắt gặp một status nói về cơn lũ quét đang hoành hành tại mảnh đất Miền Trung. Những dòng chữ như chứa đựng cả nỗi đau khi biết tin quê hương đang chìm trong biển nước.
Dĩ nhiên, trong bão lũ, gian khó, sự thức tỉnh về nghĩa đồng bào còn lan tỏa với hàng nghìn đợt quyên góp ủng hộ gần như ngay lập tức cho Miền Trung thân yêu. Từ những người nổi tiếng, những mạnh thường quân và cả những người dân chưa thực sự dư giả nhưng ấm áp tình người.
Thế nhưng, bên cạnh sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, còn một bài toán vẫn chưa có lời giải và ít nhiều để lại ám ảnh. Đó là sự ám ảnh về cơn giận của “mẹ thiên nhiên”.
Tại sao hơn 10 năm trở lại đây, giải đất Miền Trung liên tục hứng chịu thảm cảnh lũ tiếp lũ, cảnh nước trắng trời kéo theo sinh mạng của người dân vô tội và tài sản mồ hôi nước mắt của họ?
Phải chăng đó là hệ quả của tình trạng phá rừng làm thủy điện mà lợi ích chỉ thuộc về một nhóm các nhà đầu tư và kinh tế địa phương. Còn hậu quả thì hàng triệu người đang phải gánh chịu?
Câu hỏi nhiều năm rồi vẫn chưa có câu trả lời rốt ráo. Một con số cho thấy, có tới gần 90% các sông suối ở Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng thủy điện đều đã bị khai thác. Miếng bánh thủy điện nhỏ có vẻ đang khiến cho nhiều địa phương chưa dễ từ bỏ. Mà nếu đã khó từ bỏ thì chúng ta phải tìm mọi phương án để hạn chế nguy cơ.
Thành thử, bên cạnh nghĩa tình đồng bào, quân dân, thì cần phải xây dựng một đội ngũ kỹ thuật đủ mạnh nắm được quy trình vận hành liên vùng, liên hồ chứa để tham mưu việc xả lũ mỗi khi mưa lũ đến. Làm sao để tính mạng và sự an toàn của người dân phải được đặt lên hàng đầu thay vì lợi ích của một nhóm nhà đầu tư. Đó là phương pháp giải bài toán lũ lụt Miền Trung trong tương lai.
Chỉ khi nào bài toán lũ lụt Miền Trung được giải, thì khi đó người dân nơi đây mới bớt khổ.
Có thể bạn quan tâm
Đà Nẵng: Nhiều nơi bị sạt lở, ngập úng nặng sau mưa lớn
14:33, 15/10/2022