Xây “căn cứ địa” thực phẩm ngay “trong lòng” châu Âu
Phải xây dựng khu vực chế biến, sản xuất thực phẩm đồ uống của Việt Nam ngay “trong lòng” châu Âu.
>>Khi nỗi lo xuất khẩu không còn là dự báo
Tiềm năng và cơ hội của thực phẩm đồ uống của Việt Nam để phục vụ cho thị trường nội địa gần 100 triệu dân và xuất khẩu là rất lớn, với một số lý do sau.
Tiềm năng
Thứ nhất, Việt Nam là nước có khí hậu ôn đới gió mùa. Đặc biệt, sự phát triển của các mặt hàng nông sản như chè, cà phê, ca cao, hoa quả… liên quan đến thực phẩm đồ uống mà chúng ta sử dụng cho nội địa cũng như xuất khẩu.
Thứ hai, cơ hội cho mặt hàng thực phẩm đồ uống của Việt Nam là đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Mặc dù lạm phát ở các nước cao nhưng sau dịch thì nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đồ uống sẽ hồi phục.
Thứ ba, thị phần của Việt Nam vào châu Âu hiện nay còn rất nhỏ bé, do đó đây là tiềm năng. Theo số liệu thống kê cho thấy, cà phê Việt Nam mới xuất khẩu chung được từ 1,2 đến 1,4 tỷ USD/năm, trong đó có 500.000 tấn vào EU. Hay chè xuất khẩu được khoảng 3 triệu USD.
Như vậy, nguồn và sức mua vẫn còn cùng với độ mở lớn là cơ hội tốt cho thực phẩm đồ uống Việt Nam thâm nhập thị trường này.
Thứ tư, chi phí logistics cũng bắt đầu giảm. Như vậy, sẽ tác động làm hạ bớt “nhiệt” giá thành của hàng hoá xuất khẩu.
Thứ năm, xu hướng về thói quen mua sắm online khi có dịch, nhưng hiện nay vẫn tiếp tục được phát huy. Do đó, chúng ta có thể hy vọng ngồi tại Việt Nam có thể bán hàng trực tuyến sang EU cũng như các nước khác.
Thứ sáu, thị trường EU có gần 700 triệu dân cho nên nhu cầu về thực phẩm đồ uống là rất lớn. Ví dụ, năm 2021 nhu cầu mặt hàng này là hơn 400 tỷ USD, năm 2022 dự kiến 500 tỷ USD, đến năm 2025 là 850 tỷ USD.
Thứ bảy, với thuế suất bằng 0 nên hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng rất thuận lợi.
Thứ tám, việc USD tăng giá nếu xuất khẩu thu về bằng USD thì chúng ta có lợi.
Trên đây là những tiềm năng, cơ hội rất lớn cho hàng thực phẩm đồ uống Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU.
>>Nền tảng số giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu
>>Siết quản lý xuất khẩu sầu riêng, không để “con sâu làm rầu nồi canh”
Thách thức
Một là, Việt Nam chưa chủ động trong vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, từ đường bộ đến đường hàng không. Việt Nam chưa có hãng hàng không vận tải hàng hoá, mới đây Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa của CTCP IPP Air Cargo.
Đường bộ đã khó khăn, đường sắt lại càng khó khăn hơn. Vì từ Việt Nam sang châu Âu dài hàng chục nghìn km, đi đường biển hay đường bộ cũng rất xa.
Hai là, yếu tố cạnh tranh. Các sản phẩm của Việt Nam tương tự như ở một số nước Đông Nam Á có xuất khẩu. Cạnh tranh mạnh nhất với thực phẩm đồ uống Việt Nam là Thái Lan, tiếp đến là Malaysia, Indonesia, Philippines, Myanmar.
Trong khi, Thái Lan đi trước Việt Nam hàng chục năm từ công nghệ đến kỹ nghệ quản lý, bao gồm cả công nghệ phân phối và công nghệ chế biến đến kinh nghiệm tiếp cận thị trường.
Ba là, khi sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào EU thì Tham tán Thương mại cần kiểm tra lại, vì các doanh nghiệp của Việt Nam cho biết khi tiếp cận vào các siêu thị lớn tại thị trường này rất khó khăn. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ bán được hàng vào các siêu thị nhỏ, siêu thị mini hay chợ dân sinh.
Bốn là, Việt Nam chưa có cơ sở đóng gói các công đoạn cuối cùng về các sản phẩm đồ uống tại các nước EU. Trung Quốc đã đặt “công xưởng” dệt may, đồ uống ngay tại các nước châu Âu, chỉ chuyển nguyên liệu sang sau đó sản xuất ngay tại chỗ.
Như vậy, cần có các khu công nghiệp của người Việt Nam ngay tại EU để giảm chi phí và giá thành. Đồng thời, đây là địa điểm các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận được với hàng hoá Việt Nam nhanh nhất, hiệu quả nhất, nắm bắt rõ ràng nhất về thương hiệu của các sản phẩm Việt Nam.
Năm là, Việt Nam chưa chế biến sâu các sản phẩm nông sản thành đồ uống, tỷ trọng chỉ khoảng 20%.
Sáu là, xây dựng thương hiệu đồ uống Việt Nam ở nước ngoài chưa có nhiều. Nhiều người tiêu dùng châu Âu không biết cà phê Việt Nam có ở Tây Nguyên, Buôn Mê Thuột, chè Thái Nguyên, mà chỉ biết chè Thái Lan, Mexico hay Braxin…
Bảy là, sản xuất của Việt Nam còn manh mún, kỷ luật thị trường về an toàn thực phẩm, mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc còn lỏng lẻo. Sản xuất của chúng ta là quảng canh, “chấm phá” chưa thành vùng rộng lớn nên không đưa năng suất lên cao, không quản lý được chất lượng, không xây dựng được thương hiệu vùng.
Tám là, đề phòng với các vụ kiện chống bán phá giá. Các doanh nghiệp phải tổ chức hạch toán, ghi chép làm sao để chứng minh không bán phá giá. Đặc biệt, với các nhà sản xuất đồ uống tại chỗ của các nước châu Âu.
Giải pháp ra sao?
Thứ nhất, chúng ta phải giải quyết bài toán sản xuất, tức là quy lại vùng sản xuất nguyên liệu nông sản thực phẩm để sản xuất ra thực phẩm đồ uống. Đơn cử, vùng nào trồng cà phê, chè thì đầu tư để đạt năng suất, chất lượng cao nhất vì tiêu chuẩn châu Âu rất khắt khe và “kỹ tính”.
Thứ hai, giải bài toán vận chuyển. Chúng ta phải chủ động có thêm các đội tàu của Việt Nam để không bị phụ thuộc vào nước ngoài. Ngoài ra, phát triển thêm đường hàng không vì có những lô hàng đột xuất lên đến hàng trăm tấn với thời hạn ngắn thì phải đáp ứng được ngay.
Thứ ba, tổ chức chế biến sâu, biến những sản phẩm thô thành đồ hộp nhằm đáp ứng về bao bì, chất lượng cũng như văn minh thương mại, phù hợp với văn minh tiêu dùng của người châu Âu.
Thứ tư, xây dựng các khu đóng gói cuối cùng các sản phẩm đồ uống. Ví dụ, với nước dừa chúng ta có thể đưa nước cốt dừa sang châu Âu. Sau đó chế biến đóng gói tại chỗ để đưa được ngay ra thị trường.
Thứ năm, về lâu dài cần có khu công nghiệp nhỏ để chế biến tại chỗ nhằm giảm giá thành, tiếp cận khách hàng nhanh nhất.
Thứ sáu, với công nghệ phân phối, hiện nay chúng ta chủ yếu bán buôn. Còn bây giờ phải tiến đến bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng. Như vậy mới thu được giá trị gia tăng lớn, nếu không sẽ bị mất thương hiệu, không xúc tiến thương mại một cách mạnh mẽ, năng lực cạnh tranh kém hơn các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu.
Thứ bảy, thực hiện sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường… Đây là xu thế của thế giới, nếu chúng ta không đạt chuẩn này thì chắc chắn không vào được thị trường EU.
Thứ tám, phải xây dựng một khu vực chế biến, sản xuất thực phẩm đồ uống của Việt Nam ngay “trong lòng” châu Âu.
Thứ chín, muốn xuất khẩu được hàng thực phẩm đồ uống sang EU, thì người Việt Nam phải yêu quý sản phẩm của mình trước. Người Việt Nam phải “ưng ý” và chấp nhận từ giá thành, chất lượng, thương hiệu đến an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu phải đi bằng “hai chân”, giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.
Dự báo tương lai
Thị trường thực phẩm đồ uống có rất triển vọng. Cơ hội trong tay nhưng chúng ta có biết liên kết vùng, có “nhạc trưởng” chỉ huy xây dựng, quy hoạch sản xuất tốt hay không?
Không thể tỉnh này riêng biệt với tỉnh kia, vận chuyển cần có sự phối hợp giữa các địa phương, xúc tiến thương mại, góp vốn trong nước, nước ngoài để tạo ra sức mạnh của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm đồ uống tại Việt Nam.
Đi cùng với đó là các chính sách của nhà nước, như xúc tiến thương mại, thuế, hải quan, thủ tục hành chính, chi phí doanh nghiệp… Tất cả các yếu tố này cũng góp phần hỗ trợ cho xuất khẩu thực phẩm đồ uống của Việt Nam vào EU thuận lợi hơn.
Chính phủ đang cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh của các địa phương cũng như sản phẩm hàng hoá tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Như vậy, thị trường tiêu thụ thực phẩm đồ uống còn rộng mở trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Bức tranh về thực phẩm đồ uống là cơ hội đan xen cùng thách thức, nhưng cũng sẽ có nhiều giải pháp để chúng ta giải quyết vấn đề này. Đó là sự vào cuộc của các nhà khoa học, doanh nghiệp, chuyên gia, Tham tán Thương mại ở các nước phải cùng hỗ trợ.
Có thể bạn quan tâm
Thịt gà thương hiệu CPV Food lần đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản
15:42, 20/10/2022
9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ Việt Nam đạt 12,4 tỷ USD
00:30, 19/10/2022
Khi nỗi lo xuất khẩu không còn là dự báo
07:00, 12/10/2022
Xuất khẩu hàng nông sản chính ngạch bằng đường sắt liên vận quốc tế
21:20, 11/10/2022
Hải Dương: Tìm lời giải cho bài toán “xuất khẩu” trái cây
00:23, 11/10/2022