20/11 của một thời xa
Tôi sinh ra trong một gia đình mà nhiều người gọi là cả nhà làm nhà giáo.
>>Đôi điều chia sẻ của thầy/cô đào tạo khởi nghiệp nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
Bố mẹ đều giáo viên, tuy có lúc làm công tác quản lý nhưng cơ bản vẫn là giáo viên đứng lớp. Nhà có bảy anh chị em thì có tới bốn người theo nghề dạy học, sau này thì có chuyển đổi nhưng cơ bản từng học sư phạm, có thời gian đi dạy.
Thời bao cấp với giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, đời sống kinh tế của nhân dân nói chung, nhà tôi nói riêng khó khăn lắm. Nhiều chuyện kể lại bây giờ bọn trẻ nghe như chuyện cổ tích.
Chuyện về nồi cơm độn sắn, độn khoai, những ngày “tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm, trưa khoai lang trừ bữa”, mâm cơm toàn màu xanh của rau với câu ca “mẹ ơi ăn rau chán quá, sao mẹ không mua thịt cá mà ăn”.
Ăn đói, mặc rách, người bé mặc lại quần áo của người lớn là chuyện thường. Chăn dạ dùng rách được may lại thành áo ấm, thành khăn quàng dùng cho đến khi tướp như xơ mướp mới thôi.
Đến gần ngày Lễ Hiến chương các Nhà giáo trời chuyển lạnh dần. Những nhà thiếu ăn rất sợ trời lạnh vì lạnh nhanh đói, lúc nào cũng thèm ăn. Thế mà ngày khốn khó ấy lại thấy còn lại thật nhiều tình cảm ấm áp, nhất là đối với thầy cô bạn bè.
Tôi vẫn nhớ cứ dịp 20/11 nhà tôi cứ nườm nượp khách, học sinh của bố, của mẹ, rồi của anh trai cứ đến nhà chúc mừng ngày Lễ Hiến chương các Nhà giáo. Thầy nghèo, trò nghèo, quà cho thầy chỉ là chiếc chậu nhựa rửa mặt, cái tranh treo tường be bé. Nhưng đến nhà thì thật đông vui, nhà thầy có hoa quả gì là bảo học sinh ra vườn trẩy vào cùng ăn. Ổi xanh, táo xanh, đến cả quả trứng gà còn xanh chảy nhựa trắng chát xít mà vẫn chấm muối ăn với nhau được.
Có hôm mưa lạnh tôi nằm trong chăn, được một anh học sinh của bố vén màn gọi dậy, tưởng gì, hoá ra anh ấy ấn vào miệng cho miếng chả quế. Chao ôi, miếng chả vỏ rán vàng, bên trong thì mềm ngọt, có cả vị cay của tiêu bắc với thơm vị nước mắm Cát Hải, sao mà ngon đến tận bây giờ.
Anh ấy là học sinh cá biệt, bố chạy xe ngựa chở vật liệu xây dựng, mẹ bán thịt lợn giò chả ở chợ xã. Thấy bảo nghịch ngợm, lười biếng học hành, nhưng chăm đánh nhau. Chẳng hiểu thế nào khi chuyển sang lớp của bố tôi thì lại đổi tính khác hẳn, không còn bị “đúp” nữa.
Các anh chị ấy quý thầy nên dúi cho con thầy là tôi cái kẹo lạc, kẹo dồi chó, cái ngòi bút, hay lọ mực…, toàn những thứ mà tôi thích mê. Đi học thì không lo bị bắt nạt, nên tôi mong một năm có nhiều lần 20/11 lắm.
Tôi lớn lên đi học, dịp 20/11 thì lập nhóm làm báo tường, mua tờ giấy khổ lớn rồi trang trí tranh ảnh, làm thơ, viết văn lên trang báo, tập văn nghệ tham gia hội diễn chào mừng. Bao nhiêu là hoạt động thật vui, chẳng còn nhớ đến cái bụng đói, cái áo bị rách hở gió lùa thâm tím thịt da lúc đầu đông.
Đến bây giờ giai điệu bài hát “Biết ơn thầy cô giáo” của một thời xa ấy vẫn còn vang vang trong kí ức:
“Ai nâng cánh ước mơ cho em
Là thầy cô không quản ngày đêm
Ai dạy dỗ chúng em lên người
Là thầy cô em ghi nhớ suốt đời…”.
>>Đại dịch và công việc của Nhà giáo
>>Những doanh nhân nổi tiếng trên thương trường xuất thân từ nhà giáo
>>Khi giáo dục trở thành "mặt hàng"...
Ngày ấy học sinh chúng tôi quý mến nhưng sợ thầy cô hơn cả sợ bố mẹ. Lời doạ “sẽ báo lên cho thầy cô chủ nhiệm” có tác dụng răn đe rất lớn, làm làn ranh đỏ để dừng lại những trò nghịch hư, chơi dại của lũ “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”.
Chỉ cần bị gọi lên đứng gần bàn là bạt hồn bay vía rồi. Cái thước kẻ dập lên mặt bàn là giật bắn mình. Học trò thời nào chả vậy, nghịch ngợm tai quái, thích khám phá, chinh phục, hiếu động, nhờ thầy cô uốn nắn, đặt cả đoàn tàu vào đường ray, chạy hướng tới đích đến là tương lai tốt đẹp.
Nhớ sao thời cùng bạn góp tiền đi mua bánh đa, khăn mặt, mấy bông hoa mang tặng cô chủ nhiệm. Tới nhà thì cô đi vắng, cả bọn ra nằm quanh đống rơm ấm, bụng đói bẻ bánh đa ăn rồi nằm ngủ lăn quay cả lũ. Cô về gọi cả vào nhà, còn con gà cô thịt rồi chặt nhỏ cho vào nồi nấu xáo ăn với rau diếp và cơm gạo đỏ. Có thể thôi mà sao cứ nhớ đến tận bây giờ. Thời cô thầy hết lòng với học sinh dù còn nhiều thiếu thốn, tình cảm cô thầy đến bây giờ vẫn trân trọng như xưa.
Làm báo tường thì lớp nào cũng cố gắng sao cho báo của mình hay nhất, đẹp nhất. Đầu báo hay có tiêu đề viết thật đậm, đẹp và nổi bật như ƠN THẦY, THẦY CÔ VÀ MÁI TRƯỜNG, ƯỚC MƠ XANH, TÌNH THẦY CÔ, HỌC TRÒ…
Hình vẽ các thầy cô ngồi chấm bài, soạn giáo án, cảnh học sinh vui đùa quấn quýt bên thầy cô sao thật mộc mạc mà đẹp lung linh trong ký ức. Chỉ nhớ đến thôi mà cả thời xa hiện về, gương mặt, giọng nói của thầy cô, bạn bè cứ như sống lại hiện lên trong cuốn phim ngược về quá khứ. Nhớ cái xoa đầu, vuốt tóc của cô khi khen ngợi tuyên dương, nhớ cảm giác bẽn lẽn khi cô gọi lên đọc lại bài thơ đăng trên báo tường mà cô rất thích. Bài thơ “Cô giáo của em” mà tôi từng viết.
Nhân dịp 20/11, xin chúc các thầy cô giáo của tôi cùng các thầy cô giáo khác luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc, luôn đẹp như bó hoa tươi thắm và thành công trong sự nghiệp trồng người mà mình lựa chọn.
Có thể bạn quan tâm
Đôi điều chia sẻ của thầy/cô đào tạo khởi nghiệp nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
17:52, 20/11/2021
Đại dịch và công việc của Nhà giáo
04:30, 20/11/2021
Thủ tướng: Các nhà giáo đang thực hiện sứ mệnh rất vẻ vang và đáng tự hào
12:31, 14/11/2021
Những doanh nhân nổi tiếng trên thương trường xuất thân từ nhà giáo
04:00, 20/11/2020