Thị trường lao động hậu COVID-19: “Lỗ hổng” khó bù

NHẬT QUANG 22/11/2022 06:19

Nguồn lao động hồi hương chưa phát huy được thế mạnh tại địa phương. Trong khi đó, ngân hàng siết chặt việc cho vay, tăng trần lãi suất làm cho doanh nghiệp gặp khó tứ bề.

>>TP.HCM hướng dẫn quy trình hưởng trợ cấp thất nghiệp

Rất nhiều người lao động thất nghiệp sau dịch COVID-19.

Rất nhiều người lao động thất nghiệp sau dịch COVID-19.

Cậu em họ đẩy chén nước trà mời tôi với vẻ mặt buồn bã:

- Anh có việc gì cho em theo làm với, chứ tình hình khó khăn quá anh ạ. Chỗ công ty vợ em thì ít việc, làm cầm chừng, em thì hàng quán ế ẩm không biết sắp tới còn thế nào nữa. Giới trẻ bây giờ thì không còn mặn mà với món thịt chó. Các bác, các chú lớn tuổi thì bảo có quý lắm cũng chỉ ủng hộ tháng một lần chứ toàn tiểu đường, mỡ máu, huyết áp, gút.. không ăn món nhiều đạm này thường xuyên được.

Tôi cũng trả lời cậu em:

- Tình hình thế giới sau dịch bệnh lại thêm ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga - Ukraine đẩy nền kinh tế châu Âu vào khó khăn, lạm phát ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, khí đốt, xăng dầu là ưu tiên hàng đầu. Các nhu cầu khác gần như tạm thời ngủ đông. Trong nước thì bất động sản, chứng khoán có nhiều dấu hiệu bất ổn. Các công trình xây dựng trên các dự án lớn bị ngưng làm công nhân nhỡ việc. Thực sự thời điểm này làm ăn khó khăn đấy, từ kinh tế thế giới đến trong nước đều có sự suy thoái khi gặp cả dịch bệnh, chiến tranh có nơi bị cả thiên tai nữa. Cũng chưa nghĩ ra chỗ nào phù hợp để giúp chú cả.

Vợ chồng cậu em tôi là người từng bồng bế con cái chạy khỏi Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm cam go giữa dịch bệnh COVID-19, “vạn lý hồi hương” bằng xe máy năm trước.

Về quê, hai vợ chồng quyết định ở lại quê, bỏ cảnh “tha hương cầu thực” khi nghe sau dịch COVID-19 công ty cũ có tuyển lại người nhưng đơn hàng không nhiều, không được tăng ca, không được làm ngày nghỉ để tăng thu nhập. Thời gian gần đây, bạn bè trước làm cùng ở trong năm liên lạc cho biết cuối năm mà chẳng có đơn hàng, toàn đến công ty dọn vệ sinh và chạy bảo dưỡng máy, thu nhập thấp…; càng làm quyết tâm ở lại quê của cặp vợ chồng này thêm mạnh mẽ.

Có điều, tay nghề chạy máy dập đầu giắc cắm của cậu em là vốn quý của công ty cũ chứ về Bắc xin vào khu công nghiệp chẳng có chỗ làm phù hợp. Lại phải học việc từ đầu với thu nhập thấp, cậu em chán nản xoay ra thuê quán mở quán thịt chó, còn vợ đi làm công nhân lắp ráp trong khu công nghiệp gần nhà. 

Quyết tâm làm việc ở quê, nhưng tình trạng của cả hai đều khó khăn. Chỗ công ty FDI mà vợ cậu em làm sản xuất dây dẫn điện cho xe ô tô, nhưng ô tô đang thiếu linh kiện bán dẫn nên không sản xuất được đúng kế hoạch. Cuối năm mà đi làm thất thường, hôm có, hôm không, còn lại ăn lương nghỉ chờ việc, thu nhập không như ý, trong khi sinh hoạt cũng như chi phí con cái học hành, giá cả đều tăng cao.

Sau khi Công ty TNHH Tỷ Hùng (có trụ sở tại phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM) thông báo cắt giảm 1.185 lao động vì tình hình kinh doanh khó khăn, nhiều công nhân của công ty rơi vào cảnh khó khăn vì không có việc làm.

Công ty TNHH Tỷ Hùng (có trụ sở tại phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM) thông báo cắt giảm 1.185 lao động vì tình hình kinh doanh khó khăn.

>>Thiếu giáo viên nhưng sinh viên tốt nghiệp sư phạm lại thất nghiệp?

>>Sửa Luật Việc làm: Phát huy chức năng của bảo hiểm thất nghiệp

>>Tỷ lệ thất nghiệp tại Đà Nẵng thuộc top đầu của cả nước

Nguồn lao động hồi hương chưa phát huy được thế mạnh tại địa phương. Trong khi đó, ngân hàng siết chặt việc cho vay, tăng trần lãi suất làm cho doanh nghiệp gặp khó tứ bề. Đơn hàng từ khách hàng sụt giảm, không giữ chân được lao động có trình độ, tay nghề, không tiếp cận được vốn vay mới, lãi suất của món vay cũ tăng chóng mặt. Nhiều doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu mà tháo gỡ khi nhìn hướng nào cũng thấy khó khăn.

Người lao động thì loay hoay nhảy việc, xoay xở để trang trải cuộc sống sinh hoạt làm mất sự ổn định về nhân sự trong doanh nghiệp. Người lao động thiệt thòi cả về các chế độ lương bổng, phúc lợi, bảo hiểm. Nhiều người cực chẳng đã phải rút bảo hiểm một lần để “lấy ngắn nuôi dài” dù biết sự thiệt hại của việc “bóc ngắn cắn dài” này.

Suy thoái kinh tế sẽ thành cái lỗ hổng, cái xoáy nước, hút và nhấn chìm nhiều doanh nghiệp, hàng triệu lao động ảnh hưởng đến hàng vạn gia đình. Đây cũng là thời điểm bộc lộ sự yếu kém của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sức người với thao tác lao động chân tay giản đơn, thu nhập thấp, chủ yếu là vận hành, lắp ráp…, không có cơ sở khoa học, công nghệ làm chủ kỹ thuật cao để sản xuất được các sản phẩm có giá trị cao.

Khác với sự bận rộn tấp nập vào dịp cuối năm khi các công ty hối hả hoàn thành các chỉ tiêu, thì thời điểm hiện tại, không khí trầm lắng, chậm chạp diễn ra ở nhiều nơi từ văn phòng ban lãnh đạo đến nhà xưởng sản xuất.

Tết sắp đến, để có cái Tết ấm no cho mọi nhà, mong lắm các gói hỗ trợ an sinh xã hội từ phía nhà nước để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Cần đẩy nhanh  giải ngân các gói đầu tư công bị chậm triển khai, kích thích dòng chảy kinh tế tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Tháng 11  rồi mà số vốn kế hoạch đầu tư công của năm 2022 còn tới 282 ngàn tỷ đồng.

Thời gian gấp lắm rồi. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: “Năm 2023 sẽ ưu tiên cải cách tiền lương, đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội”.

Vâng, chỉ có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị mới biến “nguy thành cơ”, giải ngân mạnh mẽ đầu tư công tránh cảnh “mỡ treo mèo nhịn đói”. Đó là cách lấp lỗ hổng duy nhất giải nguy cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động.

Có thể bạn quan tâm

  • TP.HCM hướng dẫn quy trình hưởng trợ cấp thất nghiệp

    00:53, 21/11/2022

  • Thiếu giáo viên nhưng sinh viên tốt nghiệp sư phạm lại thất nghiệp?

    04:00, 07/11/2022

  • Sửa Luật Việc làm: Phát huy chức năng của bảo hiểm thất nghiệp

    03:40, 28/09/2022

  • Đà Nẵng: Nhiều “điểm đen” chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp

    05:00, 08/07/2022

  • Tỷ lệ thất nghiệp tại Đà Nẵng thuộc top đầu của cả nước

    12:06, 30/12/2021

NHẬT QUANG