Dư vị đắng của đại dịch COVID-19

THANH BÌNH 07/12/2022 04:00

Cú sốc dân sinh đợt này không hữu hình bằng những đoàn người lũ lượt bỏ phố về quê như đợt dịch trước. Dư vị đắng của đại dịch COVID-19 vẫn còn.

>>Dòng người hồi hương và hệ quả thiếu hụt lao động

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng lan truyền hình ảnh những người lao động ở khu vực phía Nam khăn gói về quê sớm trước Tết - thời điểm mà những năm trước họ đang tăng tốc cho đơn hàng cuối năm do khối lượng công việc nhiều và để kiếm thêm tiền thưởng Tết.

Người lao động đón xe về quê. (Ảnh: Thy Huệ)

Người lao động đón xe về quê. Ảnh: Thy Huệ/VTC

Theo tìm hiểu, nguyên nhân của những chuyến xe về quê ăn Tết sớm là do một tháng trở lại đây, khu vực phía Nam liên tiếp xảy ra làn sóng sa thải, cắt giảm giờ làm của người lao động vì doanh nghiệp thiếu đơn hàng trầm trọng.

Còn nhớ, cách đây 2 năm, báo chí đưa tin nhiều quản lý các chuỗi khách sạn ở Hà Nội và TP.HCM bật khóc khi thông báo cho nhân viên nghỉ việc vì không cầm cự được trong mùa dịch COVID-19.

Đầu năm nay, nhiều Giám đốc công ty, doanh nghiệp bật khóc khi đơn hàng trở lại nhưng lo lắng thiếu nguồn nhân lực. Nhưng chỉ sau đó mấy tháng, những Công ty lớn như Tỷ Hùng, Samho, Nidec,… xuất hiện với hình ảnh hàng loạt công nhân bị mất việc. Hoặc, công ty đông lao động nhất TP.HCM PouYuen quyết định cho công nhân nghỉ việc luân phiên.

Cụ thể, ở Bình Dương, từ đầu năm 2022 đến nay, số lao động bị tạm ngưng hợp đồng khoảng 28.000 người, khoảng 240.000 lao động bị giảm giờ làm. Riêng số lao động thất nghiệp khoảng 70.000 người. Tại TP.HCM, từ 1/12 này Công ty Tỷ Hùng buộc phải cho 1.200 lao động nghỉ việc vì không còn đơn hàng..v..v.

Dĩ nhiên, cú sốc dân sinh, nhân đạo này không hữu hình bằng những đoàn người lũ lượt bỏ phố về quê như đợt dịch. Nhưng thực trạng các công ty may mặc, da giày đang gặp khó trăm bề vì đơn hàng giảm do các nước phương Tây cắt giảm tiêu dùng đang là nan đề rất lớn với hệ thống hỗ trợ việc làm và lưới an sinh.

Ảnh

Người lao động về quê trước Tết. Ảnh: Nhịp sống kịnh doanh

>>Ấm lòng "Chuyến xe đồng bào" tại Đà Nẵng đưa người hồi hương về tận nhà

>>Hà Tĩnh: Lao động hồi hương dồi dào, doanh nghiệp vẫn khó tuyển dụng

>>Thanh Hóa: Chuyến hồi hương nghĩa tình

Nói cách khác, những thông tin trên dường như đã phác họa toàn diện những bất ổn của thị trường lao động trong hai năm qua. Nó cũng cho thấy, thị trường lao động của nước ta rất “dễ tổn thương”.  Nên câu chuyện “không làm việc này thì làm việc khác” không còn đơn giản như chúng ta tưởng.

Không những vậy, một Báo cáo từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến quý 2/2022, lao động trong độ tuổi của cả nước đạt 51,4 triệu người. Dân số ở thời kỳ “vàng” nhưng chất lượng lao động “chưa vàng” khi tỷ lệ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%.

Nhưng một số vấn đề liên quan được đặt ra: Tại sao có đến 36,7% lao động trình độ cao đang làm shipper? Đây là một sự lãng phí chất xám? Và tại sao trong khi nhiều vùng lao động không có việc làm thì nhiều doanh nghiệp đang “chạy đua” tuyển dụng lao động cho các hoạt động sản xuất cao điểm dịp cuối năm?

Nếu như tình hình thế giới vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn thì khả năng giải quyết vấn đề này sẽ không phải một sớm một chiều. Đây là những vấn đề xã hội rộng lớn chứ không còn là về một tầng lớp, cá nhân hay trong một bối cảnh cụ thể nào đó. Hạt nhân của vấn đề là: Cần tạo ra việc làm bền vững. Khi một thị trường lao động có việc làm bền vững thì có rất ít những rủi ro bị tác động bởi mạng lưới bên ngoài.

Việc làm bền vững ở đây đó là phải làm sao để ngăn chặn những bấp bênh, tình huống có thể mất việc, thất nghiệp. Để làm được điều đó, không gì ngoài việc đẩy mạnh các doanh nghiệp sản xuất nội địa.

Dẫu vậy, chúng ta vẫn cần chú trọng đến vấn đề an sinh trước mắt. Tức là, khi người lao động không còn tiếp tục làm việc nữa vẫn phải được đảm bảo các quyền lợi cơ bản về tiền lương những ngày đang làm việc, chế độ chính sách khi thôi việc, đặc biệt, với các đối tượng khó khăn cần có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Nhất là khi cái tết đang cận kề, các ngành chức năng làm gì để đồng hành, hỗ trợ cho công nhân vượt qua khó khăn do thất nghiệp và bão giá.

Thật chạnh lòng khi những dư vị đắng kể từ đại dịch COVID-19 vẫn còn đó!

Có thể bạn quan tâm

  • Chính sách hỗ trợ việc làm của Quảng Nam thu hút người lao động hồi hương

    11:31, 08/11/2021

  • Quảng Nam: Khó "giữ chân" được lực lượng lao động hồi hương?

    15:53, 20/10/2021

  • NGƯỜI TỐT - VIỆC TỐT: Ấm lòng người hồi hương

    07:51, 19/10/2021

  • Lao động “hồi hương”: Sau “tạm trú” rồi sẽ ra sao?

    17:43, 15/10/2021

  • Doanh nghiệp sẵn sàng đón lao động hồi hương

    05:30, 14/10/2021

  • Dòng người hồi hương và hệ quả thiếu hụt lao động

    05:00, 12/10/2021

  • Quảng Nam tìm cách thu hút nguồn lao động hồi hương

    01:48, 12/10/2021

THANH BÌNH