Bản chất của cải cách hành chính

THANH BÌNH 10/12/2022 07:52

Bản chất của cải cách hành chính là thái độ của cán bộ, công chức chính quyền với người dân và doanh nghiệp.

Đó là một phát biểu khá ấn tượng, để lại nhiều sự quan tâm của dư luận và các đại biểu của Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 10 HĐND TP.Hà Nội vào chiều 9/12.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu, làm rõ một số nội dung. Ảnh: Xuân Hải

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu chiều 9/12. Ảnh: Xuân Hải/Lao động

Vấn đề cải cách hành chính ở nước ta đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số...

Những chuyển biến lớn trong công tác lãnh đạo, điều hành góp phần lớn vào cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Như trong Di chúc của Bác Hồ, Người nói: “Đảng là người lãnh đạo nhưng Đảng cũng là đầy tớ của nhân dân. Điều này có nghĩa là nhân dân nói là mình phải nghe, nhân dân buồn là mình phải lo và nhân dân vui, hài lòng thì mình mới hoàn thành nhiệm vụ”.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức lớn liên quan đến vấn đề cải cách hành chính khi không khó để nhận biết rất nhiều nội dung, thủ tục cải cách hành chính vẫn dậm chân tại chỗ. Khi mà bộ máy cán bộ, công chức, viên chức rất đông mà không mạnh thì cải cách hành chính bằng cách nào.

Theo một con số thống kê, nước ta hiện có hơn 2,6 triệu cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương Nhà nước, nhưng có tới trên 2 triệu viên chức là quá nhiều. Các chuyên gia nhận xét, nếu thực hiện xã hội hóa rộng rãi hơn, quyết liệt hơn, có thể giảm ít nhất 50% số viên chức.

Và chính một bộ phận các cán bộ, công chức, viên chức không thích, không muốn và không bao giờ hăng hái đề xuất, kiến nghị cũng như thực hiện các ý tưởng cải cách hành chính. Bởi vì đây là nồi cơm, là nguồn thu, là bổng lộc mà họ thụ hưởng hằng ngày. Cải cách là hết cơ hội làm ăn xoay xở, kiếm chác.

Nói cách khác, họ thừa biết, nếu dịch vụ công hanh thông thì họ hết đường nhũng nhiễu đòi “bôi trơn”. Số cán bộ cắp ô, không hoàn thành nhiệm vụ chính là lực lượng chống đối ngầm mọi ý đồ, kế hoạch, chương trình cải cách hành chính.

Điều đó lý giải vì sao đến bây giờ, việc cải cách hành chính vẫn được đặt ra một cách rốt ráo? Tại sao lãnh đạo Đảng, Nhà nước vẫn phải tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo công việc hàng đầu này? Trong rất nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết, cụm từ cải cách hành chính đều xuất hiện với tần suất cao.

ff

Vấn đề thủ tục hành chính liên tục được chỉ đạo rốt ráo.

Thực tế, ở một số Bộ, ban ngành và địa phương, người ta đề ra nhiều chương trình, giải pháp, cải tiến nhưng khâu yếu nhất là khâu con người, đội ngũ cán bộ thừa hành lại chưa được quan tâm thấu đáo. Chính quân số “đông nhưng không tinh” đã ảnh hưởng phần nào đến chủ trương cải cách chung của Chính phủ. 

Như Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh quan điểm cải cách hành chính của thành phố là dù hiện đại hóa, số hóa đến đâu thì cuối cùng vẫn là con người. Bản chất của cải cách hành chính là thái độ của cán bộ, công chức chính quyền với người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở thiết kế quy trình giải quyết công việc phù hợp.

Qua đó, có lẽ cần nhắc lại lời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn đương nhiệm cương vị Thủ tướng Chính phủ đã từng nói: “Anh ở Tây Nam Bộ, miền núi phía Bắc, miền Trung hay Tây Nguyên thì đều phải có khát vọng về tỉnh mình, địa phương mình phát triển vươn lên. Còn cứ sáng cắp ô đi, tối cắp về, không có khát vọng phát triển trong từng cơ quan đơn vị, từng địa phương thì đất nước khó thành công, thịnh vượng”.

Hẳn vì vậy, phải bàn kỹ về vấn đề này, phải nâng cao chất lượng phục vụ, tự trang trải kinh phí, Nhà nước nắm khâu quan trọng. Cần đẩy mạnh việc xã hội hóa một số dịch vụ công góp phần giảm số lượng biên chế Nhà nước và quỹ tiền lương, nâng lương cho những người làm việc trực tiếp, những người phục vụ nhân dân.

Dẫu vậy, đây là công việc nặng nề, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm vì tác động đến con người và tổ chức nhưng khó mấy cũng phải làm, vì không làm sẽ cản trở sự phát triển, các khó khăn không được tháo gỡ, các thách thức khó vượt qua. 

Theo đó, cần phải có quyết tâm, tâm huyết lớn trong đội ngũ cán bộ công viên chức và khí thế, trách nhiệm phải cao. Chứ một khi còn tư tưởng đủng đỉnh,  còn làm lờn vờn thì không bao giờ có sự sáng tạo. Sống trên dư luận, không lắng nghe ý kiến của dân thì không được

Tức là, cần phải chuyển biến từ Trung ương trong công tác cải cách hành chính, nhưng quan trọng là cấp tỉnh, huyện, xã, nơi địa bàn dân cư để người dân biết và thấy cán bộ hành chính phục vụ nhân dân một cách thực sự. Cán bộ, công chức được hưởng lương từ xã, huyện, tỉnh bằng tiền đóng thuế của dân, phải phục vụ nhân dân.

Muốn vậy, cần phải việc thanh lọc, thải loại cán bộ yếu kém năng lực, trì trệ tư duy lười nhác công việc chuyên hành dân phải là nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay. 

Có thể bạn quan tâm

  • Cân nhắc lại các quy định về phân cấp giải quyết thủ tục hành chính ngành ngân hàng

    03:30, 08/12/2022

  • Sắp diễn ra Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2022

    03:42, 19/11/2022

  • TP.HCM vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính

    08:00, 30/10/2022

  • Sửa Luật Phòng, chống rửa tiền: Tránh tạo gánh nặng về thủ tục hành chính

    00:20, 23/10/2022

  • Thủ tướng: Không để lãng phí thời gian, công sức vì thủ tục hành chính

    15:03, 19/10/2022

THANH BÌNH