Xây dựng văn hoá từ chức - góc nhìn cởi mở

NHẬT QUANG 17/12/2022 02:00

Có những cán bộ từ chức mà vẫn được đánh giá cao như Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

>>Văn hóa từ chức nhìn từ câu chuyện của ông Nguyễn Văn Thể

Nền văn hoá phương Đông, cụ thể là văn hoá Việt Nam đặt nặng chữ danh trong sự nghiệp “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Tâm lý bon chen, chịu cả tốn kém để có tí chức sắc trong làng kiểu “miếng thịt giữa làng bằng một sàng xó bếp” vẫn còn mang theo từ văn hoá làng xã ra đến chốn thị thành. Tâm lý ấy không dễ dàng gì thay đổi trong ngày một, ngày hai được.

Thời phong kiến cũng không có mấy vị “treo ấn từ quan”, dù cho có người từ quan mà tiếng thơm còn lưu truyền hậu thế, như nhà giáo Chu Văn An, hay vị trạng nguyên nổi tiếng uyên thâm nho, y, lý, số Nguyễn Bỉnh Khiêm. Còn ngày nay, phần lớn cán bộ vẫn còn tư tưởng tham quyền cố vị.

Với các nước phương Tây có trình độ dân trí cao, việc có vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thì vị tư lệnh ngành là Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm và từ chức. Không kiểm soát được giá cả, để xảy ra lạm phát thì Bộ trưởng Tài chính phải chịu trách nhiệm và từ chức. Từ chức là để bảo vệ danh dự của mình, để có cơ hội dành cho người xứng đáng hơn đảm đương công việc, trách nhiệm, chứ từ chức không phải là thừa nhận thất bại, hay là bước đi đáng xấu hổ.

Ông Nguyễn Văn Thể chính thức rời ghế Bộ trưởng GTVT sau 5 năm đảm nhiệm để nhận nhiệm vụ mới theo sự phân công của cấp có thẩm quyền.

Ông Nguyễn Văn Thể chính thức rời ghế Bộ trưởng GTVT sau 5 năm đảm nhiệm để nhận nhiệm vụ mới theo sự phân công của cấp có thẩm quyền. Ảnh: Pháp luật & Xã hội.

Khi người ta đảm đương vị trí trọng trách được giao phó, ngoài năng lực, trình độ, còn có cả sở trường, sở đoản, sức khoẻ và cả sự đam mê nữa. Nếu gặp đúng công việc mà họ yêu thích thì khác gì cá gặp nước, bao nhiêu ý tưởng hay ho, tốt đẹp, ích nước, lợi dân sẽ được triển khai một cách hào hứng và quyết liệt. Còn đặt vào vị trí mà họ phải cố gánh, cố nhận thì hiệu quả công việc không cao, áp lực tâm lý hết sức nặng nề, gây mệt mỏi cho người đảm đương chức vụ. Nếu vậy thì việc từ chức như hình thức giải thoát, trút bỏ gánh nặng, áp lực, ức chế để chuyển sang vị trí phù hợp hơn với năng lực sở trường.

Công việc trong thời đại mới luôn có nhiều khó khăn, phức tạp, phục vụ cho quá trình hội nhập và phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, ổn định an ninh chính trị, chủ quyền quốc gia, đòi hỏi công tác cán bộ cần dùng người đúng chỗ, trúng điểm mạnh của cán bộ để phát huy năng lực cá nhân ở mức tối đa. Cán bộ là gốc rễ của vấn đề, chủ trương chính sách có đúng, có hay đến mấy mà cán bộ thực hiện không tốt thì kết quả vẫn xôi hỏng bỏng không.

>>Vẫn nóng chuyện văn hóa từ chức

>>Quy định số 41-QĐ/TW: Luồng sinh khí mới cho "văn hóa từ chức"

>>Thủ tướng Abe từ chức và sự đặc biệt của nước Nhật

Tấm gương về ý thức phê bình và tự phê bình như của Cố Tổng Bí thư Trường Chinh vẫn còn đó. Để xảy ra sai lầm trong cải cách ruộng đất, đồng chí tự nhận trách nhiệm và từ chức. Nhưng đến năm 1986 khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, đồng chí lại đảm nhận vai trò Tổng Bí thư một cách đầy trách nhiệm. Người cán bộ có tấm lòng vì dân, vì nước sẽ không bao giờ mua quan bán tước, không có ý thức làm quan để phát tài thì việc có lên, có xuống, có vào, có ra sẽ thành việc bình thường.

Tư tưởng không thông đeo bình tông không nổi, tài hèn sức mọn mà ngồi ghế cao thì thân nguy, nước hại, cũng chính là mình làm khổ mình vì cái vỏ bọc hư danh. Vì sự sĩ diện coi từ chức là mất chức hoặc mặc nhiên bị coi có “phốt”, sai phạm mới phải từ chức. Sợ người thân, người nhà xấu hổ vì có người trong nhà phải từ chức khi vẫn còn lối suy nghĩ làm quan chức để “vinh thân phì gia”, “một người làm quan cả họ được nhờ”. Chưa kể cả hội nhóm lợi ích hùa nhau đưa người của mình lên vị trí nắm giữ quyền lực rồi sau đó tìm cách bòn rút của công, tạo lợi ích nhóm chia nhau.  

Có những cán bộ từ chức mà vẫn được đánh giá cao như Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, dù trong quá trình công tác không có sai phạm mà cùng Bộ của mình phụ trách hoàn thành công việc được Chính phủ giao. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhận xét: “Hình ảnh ông Nguyễn Văn Thể xuất hiện trên các mặt trận, trả lời chất vấn ở Quốc hội thể hiện ông Thể là một Bộ trưởng trách nhiệm, sâu sát".

Việc ông Thể từ chức có thể là việc đáng tiếc với tổ chức nhưng với cá nhân ông, thì đó lại là việc làm cho ông cảm thấy nhẹ nhõm, hạnh phúc. Hơn nữa, sẽ tạo thành tấm gương tốt cho những ai thấy áp lực công việc quá nặng đối với đôi vai và sức lực của mình. Từ chức đấy nhưng ông có thể còn được tín nhiệm giao trọng trách công việc phù hợp có thể còn nặng nề hơn chức Bộ Trưởng ông từng làm.

Việc nào ra việc ấy, cần tư duy tách bạch, như ở nước ngoài ông Luiz Inascio Lula da Silva từng bị cáo buộc phải ngồi tù 580 ngày nhưng sau đó khát vọng cống hiến cho đất nước vẫn giúp ông tái đắc cử chức vụ Tổng thống Brazil. Hãy xem cảnh người dân Brazil vui mừng như thế nào khi ông tái đắc cử thì sẽ nhận ra hành động nào từ trái tim sẽ chạm tới trái tim.

Mạnh dạn từ chức để mình được sống đúng là mình nhiều khi đó chính là minh chứng của thành công khi không ai sống thay được cho mình.

Có thể bạn quan tâm

  • Văn hóa từ chức nhìn từ câu chuyện của ông Nguyễn Văn Thể

    04:30, 01/11/2022

  • Nước Anh rơi vào khủng hoảng sau khi Thủ tướng từ chức

    04:30, 21/10/2022

  • Vẫn nóng chuyện văn hóa từ chức

    04:00, 14/08/2022

  • Italy sẽ ra sao sau khi Thủ tướng Draghi từ chức?

    16:57, 21/07/2022

  • Thủ tướng Anh từ chức, Ukraine sẽ gặp khó trong chiến sự?

    05:40, 08/07/2022

NHẬT QUANG